Trẻ thích học thì mới hiệu quả
Hiện nay, nhu cầu học tiếng Anh cho bé ngày càng được phụ huynh quan tâm. Từ nhu cầu đó, nhiều trung tâm tiếng Anh ra đời, nhiều loại sách ngoại ngữ được xuất bản để đáp ứng nhu cầu trên. Tuy nhiên, câu hỏi mà cha mẹ nào cũng băn khoăn, trăn trở là làm thế nào để trẻ thực sự thích học tiếng Anh?
Theo các chuyên gia, học tiếng Anh là hành trình dài và liên tục nên nếu trẻ không thích thì rất khó để thu hoạch kết quả. Không chỉ có vậy, duy trì việc học tiếng Anh lâu dài cũng là một vấn đề nan giải. Vậy bí quyết nào có thể lôi cuốn được trẻ nhỏ thích thú với tiếng Anh?
Sách tiếng Anh tương tác, từ lâu đã được các nhà nghiên cứu cũng như các bậc phụ huynh quan tâm. Đáng chú ý, ở tuổi thần tiên thì sách tương tác được xem là một trong những lựa chọn. Lý do khiến trẻ nhỏ yêu thích dạng sách tương tác không phải vì khối lượng kiến thức nặng - nhẹ, mà đơn giản bởi cách thu hút từ những “trò chơi kiến thức” chứa đựng trong mỗi bài học.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, tác dụng mà sách tương tác mang lại trong việc tạo cảm hứng học tiếng Anh cho trẻ rất tích cực. Ý tưởng độc đáo của sách tương tác là biến việc học tiếng Anh thành các trò chơi mà trẻ nhỏ vẫn thích. Tâm lý trẻ nhỏ đều thích trò chơi trốn tìm, xếp hình hoặc tìm kiếm các hình họa cùng cha mẹ, anh chị nên sự cuốn hút theo đó mà song hành.
Trên thị trường sách ngoại ngữ hiện nay, có rất nhiều bộ sách tương tác thông minh được trẻ em yêu thích. Tuy nhiên, các phụ huynh nên có định hướng riêng khi lựa chọn sách tiếng Anh cho con em mình. Bởi đây là giai đoạn xây dựng kiến thức nền tảng và bồi dưỡng tình yêu tiếng Anh cho bé, giúp trẻ phát triển khả năng ngoại ngữ trong tương lai.
Chơi mà học trong tâm thế vui vẻ
Nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục sớm ở trẻ là cần thiết, một số đơn vị sách giáo dục hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhằm có được bản quyền sở hữu phát triển và đem lại cho trẻ em Việt Nam những tài liệu học tập tốt nhất.
Đơn cử như Công ty CP Truyền thông và Văn hóa Con Sóc đã mua bản quyền sở hữu từ NXB Good Luck bộ sách “English for Preschool Kids - Happy Faces” - tác giả TS Rikita Gvier - chuyên ngành giáo dục sớm Đại học Harvard.
Đơn vị này cũng mời các chuyên gia thẩm định, tư vấn. Đội ngũ tác giả đã Việt hóa thực hiện biên soạn và xuất bản bộ sách “English for Preschool Kids - Happy Faces - Smart Start, Easy Study” (Tiếng Anh mẫu giáo - Nụ cười hạnh phúc - Khởi đầu thông minh, Học tập dễ dàng).
Trên cơ sở lấy học sinh là trung tâm, học tập thông qua trải nghiệm và khám phá, đồng thời giúp trẻ hình thành một tâm thế vui vẻ, hào hứng khi học tập ngay từ những giai đoạn đầu tiên.
Bộ sách giúp trẻ trải nghiệm các hoạt động khám phá thế giới xung quanh và hứng thú biểu đạt chúng bằng tiếng Anh tự nhiên với vốn từ phong phú, văn phong tươi sáng, đơn giản. Từ đó, trẻ có nền tảng và năng lực ngôn ngữ Anh căn bản để tự tin hứng khởi bước vào bậc tiểu học tiếp theo.
Bộ sách có ba cấp độ A, B, C, tương ứng với ba cấp độ lứa tuổi, trong đó cấp độ A dành cho trẻ 3 - 4 tuổi, cấp độ B dành cho trẻ 4 - 5 tuổi, và cấp độ C dành cho trẻ 5 - 6 tuổi. Bộ sách có 3 chủ đề nội dung lớn tương ứng với ba cuốn sách, bộ thẻ học sử dụng chung cho các hoạt động của ba chủ đề.
Bộ sách được tích hợp với nền tảng công nghệ sách điện tử, tương tác. Các nội dung sách giáo khoa, sách học được số hóa thành tài nguyên học tập phong phú dưới nhiều định dạng, như MP4, MP3, bài tập tương tác, tích hợp trên nền tảng số, giúp giáo viên dễ dàng triển khai giảng dạy, giúp học sinh vừa học vừa chơi.
Đồng thời, việc kết hợp với thẻ học (flashcards), thẻ chơi (board games) được tổng hợp thành một hệ thống học liệu giúp việc học tập, giảng dạy theo phương pháp đảo ngược, kết hợp trực tiếp - trực tuyến được hiệu quả và thuận lợi.
Tuy hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh, nhưng nhiều phụ huynh vẫn e ngại khi học tiếng Anh cùng con. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy sự hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp trẻ cảm nhận được các con hoàn toàn có thể nói tiếng Anh và thực sự yêu thích môn ngoại ngữ này.
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hương - tác giả cuốn sách “Super Peekaboo” cũng cho rằng, thay vì ở trong lớp học với nhiều trẻ khác nhau, cha mẹ có thể tập trung vào con, dành thời gian luyện tập tương tác với trẻ, sắp xếp thời gian học tiếng Anh cùng con trong khoảng thời gian phù hợp mỗi ngày.
Tuy nhiên, có một điều nảy sinh đó là, nếu cha mẹ không thực sự giỏi tiếng Anh dễ dẫn tới việc trẻ lệch lạc về phát âm. Trong khi đó, trẻ em rất nhạy bén với ngôn ngữ mới được tiếp nhận. Bởi vậy, để dạy các em thì trước hết phải chơi với các em, kèm theo đó là những câu hỏi gợi mở để các em quan tâm.
Trẻ nhỏ sẽ rất thích thú giữa việc chơi và học song hành, xen kẽ. Bởi vậy, cha mẹ cần rất xem trọng các cơ hội để tạo không gian cho trẻ “chơi mà học, học mà chơi”. Trong khi chơi, trẻ có thể thử những vai trò mới, ngôn ngữ mới và thông thường, những gì trẻ thể hiện thường vượt ra khỏi khuôn khổ khả năng của chúng trong các lớp học. Đồng thời, trong khi chơi, trẻ có những phát hiện về ngôn ngữ - những phát hiện “tự thân” này sẽ được lưu giữ tốt hơn trong trí nhớ của trẻ so với những gì chỉ đơn thuần được truyền đạt từ người lớn.