Thú chơi lắm công phu
Trước đây, mọi người cho rằng chơi cá cảnh chỉ dành cho những người “lắm tiền, nhiều của”, chủ yếu là các “đại gia”, bởi những loại cá bày bán trên thị trường thường có giá khá đắt. Thế nhưng, thực ra chơi cá cảnh đã trở nên bình dân, gần gũi hơn với mọi người.
Cá cảnh có rất nhiều loại, loại cá ăn cám hạt và loại cá ăn cá mồi. Khách hàng cũng rất đa dạng, người nhiều tiền thường thích chơi cá cảnh ăn cá mồi như: cá rồng, cá đô la, cá la hán, cá tai tượng, cá phúc lộc thọ… vì đây là những loại cá có giá cả “không đong đếm”.
Người ít tiền hơn thì chơi các loại cá ăn cám hạt như: cá vàng, cá chép cảnh, cá trân châu, thần tiên, cá tam dương ngũ sắc… Cá cảnh cũng được xem là thể hiện được tính cách cũng như điều kiện của người chơi cá.
Người ít tiền có thể tự sắm cho mình một bể cá nhỏ, tầng lớp trung lưu thì trang trí cho ngôi nhà của mình một bể cá thủy sinh phong phú. Người có thu nhập cao hơn thì chơi bể nước mặn như một đại dương thu nhỏ trong nhà...
Nắm bắt được nhu cầu đó, nghề nuôi ươm nuôi cá cảnh cũng phát triển mạnh mẽ. Đối với các loại cá cảnh như cá tam dương ngũ sắc, cá chép cảnh, hộ nuôi có thể tự nhân giống bằng cách trao đổi cho nhau.
Cá cảnh nói chung sau khi đẻ trứng 3, 4 ngày thì thành cá con. Lúc này thức ăn của cá là trứng luộc nghiền nát hòa với nước té xuống hồ cho cá ăn.
Giai đoạn tiếp theo người nuôi cá nghiền bột gạo nấu loãng pha thêm nước thành thức ăn cho cá. Cá được một tuần tuổi thì lấy cám vịt, cám lợn ngâm cho nở hòa với nước làm mồi cho cá.
Những người chuyên nuôi cá cảnh cho biết, nếu được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật thì các loại cá cảnh ít khi bị mắc bệnh, có sức chịu đựng, chống chọi với mùa đông.
Tuy nhiên, vào dịp cuối năm do cá ít vận động nên thường bị mắc một số chứng bệnh như thối mang cá. Khi đó, người nuôi phải sục nước trong ao, té nước vôi loãng và cho cá ăn thuốc tỏi để phòng thối mang cá.
Thị trường cá cảnh sôi động cũng giúp cho nghề nuôi cá cảnh giống phát triển rầm rộ. Nhờ nghề này, nhiều nông dân có thu nhập bạc triệu. Ông Nguyễn Văn Hoan ở Mỹ Thắng (Mỹ Lộc, Nam Định) tham gia nuôi cá cảnh hơn 10 năm nay đã phát triển kinh tế bằng nghề nuôi cá cảnh.
Hiện ông có 1,5 mẫu ao được chia thành 4 ao nhỏ liên hoàn. Ao nuôi của gia đình ông có 1,5 vạn cá cảnh với 2 loại chính là cá chép cảnh và tam dương ngũ sắc.
Dịp cuối năm, nhất là vào mùa Tết ông Công, ông Táo, giá các loại cá cảnh có thể nhích lên do nhu cầu của người dân vào dịp này tăng mạnh, mỗi năm ông Hoan xuất bán 3 - 4 tấn các loại cá cảnh.
Năm 2012, ông bán gần 8 tấn cá cảnh các loại, lãi trên 300 triệu đồng. Hiện nay, ông đang phát triển thêm các loại cá vàng, cá chép đuôi dài, cá chép vàng Indonesia... hứa hẹn sẽ giúp gia đình ông nâng cao thu nhập hơn nữa.
Nhiều năm nay, một số nông dân ở Nam Định đã làm giàu từ nghề nuôi cá cảnh |
Triết lý bể cá cảnh
Đối với người chơi cá cảnh, mua được con cá ưng ý đã khó, để chăm sóc nó sống lâu dài lại còn khó hơn. Để cá sống khỏe đòi hỏi người nuôi phải quan tâm, để ý, chăm sóc nó hàng ngày.
Chỉ cần người nuôi lơ là vài ba hôm, cá bơi chậm, nổi hạt trên mình sẽ rất khó cứu chữa. Phần lớn, do tâm lý người nuôi sợ cá đói nên cho ăn với lượng thức ăn quá nhiều, cá ăn không hết, lượng thức ăn dư thừa sẽ làm nguồn nước bị ô nhiễm, cá bị bệnh rồi chết.
Chơi cá cảnh cũng có nhiều lối chơi: Nuôi theo kiểu sưu tầm giống cá quý hiếm; Nuôi theo kiểu đem lại những may mắn trong công việc, trong gia đình như nuôi cá la hán, cá Kim Long, Ngân Long…
Còn nuôi theo kiểu “văn nghệ” là nuôi các loại cá đa màu sắc để trang trí. Thời gian gần đây, dân “sành” trong việc nuôi cá cảnh còn áp dụng thuật phong thủy, đưa âm dương ngũ hành vào một phong cách nuôi cá cảnh mới, kể cả đối với cá nước ngọt và mặn.
Một tay chơi cá cảnh có tiếng tại Hà Nội, hiện đang sở hữu những chú cá cảnh lên đến vài chục triệu, thậm chí có cặp cá ngót nghét cả trăm triệu đồng cho biết:
“Chơi cá cảnh cần có một không gian sinh động có âm có dương, “động” (dương) của những chú cá đang bơi lội, “tĩnh” (âm) của những cây thủy sinh, những nhánh san hô hay những hòn đá cuội.
Trong dương cũng có âm như những chú cá tung tăng bơi lên cao để hớp những bọt không khí và trầm xuống thấp để tung tăng đùa giỡn. Và trong âm cũng có âm dương của những cây thủy sinh đang dần dần sinh sôi nảy nở.
Điều đó thể hiện âm dương cân bằng, theo đúng quy luật của tự nhiên. Màu sắc của cá cũng thể hiện cho triết lý âm dương, như đen (âm) và màu trắng (dương) của những chú cá bơi lên, bơi xuống sẽ tạo cho người chơi cảm giác thích thú vui vẻ vì sự hoạt động lanh lẹ đa dạng của chúng.
Hay những chú cá ba đuôi màu đỏ và màu đen vận động không ngừng luôn mang lại cái mới mẻ, điều may mắn tốt đẹp cho gia chủ”.
Ngoài ra, một bể cá nhiều màu sắc theo ngũ hành cũng mang lại sự tươi vui, khỏe khắn, tương sinh, tương khắc bổ sung những khiếm khuyết và khắc chế những phiền muộn căng thẳng trong cuộc sống.
Những cây thủy sinh màu xanh (Mộc), những chú cá chép với bộ đuôi dài uyển chuyển màu vàng (Thổ), màu trắng (Kim) hoặc những chú cá ba đuôi màu đen (Thủy), màu đỏ (Hỏa) kết hợp một cách hài hòa đầy màu sắc mang lại sự trẻ trung tươi mát trogn căn nhằ và dễ gây cảm tình với mọi người.
Chơi cá cảnh cũng là nghệ thuật, nhìn bể cá khách có thể nhận biết được tính cách của gia chủ ra sao. Những chú cá đang thảnh thơi bơi lội trong nước cũng giống như chúng ta đang ung dung tự tại an lạc trong cuộc sống.
Hay nhìn cách bơi lội của những chú cá, chúng ta cảm nhận được sự tập luyện, giống như phép dưỡng sinh của chúng ta nhẹ nhàng uyển chuyển kết hợp hài hòa Ngũ Bộ Pháp (Nhãn, Tâm, Thân, Bộ, Thủ Pháp) giúp chúng ta giữ được trạng thái cân bằng từ đó có được một tinh thần thư thái thảnh thơi.
Chúng ta luyện tập trong một không gian yên tĩnh, tứ chi điều động với sự phối hợp với sự hô hấp ra vào. Thở ra (Âm) đem tất cả sự trầm buồn độc hại ra ngoài. Hít vào (Dương) đem cả sự sảng khoái bình an vào cơ thể. Sự bơi lội linh động, màu sắc biến đổi vị trí của những chú cá cũng giúp cho trí não chúng ta được thư giãn, thảnh thơi.