Cách đây 2 năm, bệnh nhân khám tổng quát tại một bệnh viện tuyến tỉnh, được bác sĩ nội soi bàng quang kèm sinh thiết niêm mạc bàng quang. Kết quả sau sinh thiết trả lời mô viêm mạn tính.
Bệnh nhân cho về địa phương điều trị với kháng sinh uống liều trình 1 tuần, có đỡ sau đó bị lại. Bệnh nhân phải khổ sở vì tiểu khó và uống kháng sinh liên tục từng đợt, mỗi đợt 5 - 7 ngày, nghỉ thời gian rồi uống lại, kéo dài khoảng 2 năm.
Hơn 1 năm qua, bệnh nhân đi tiểu ra cọng hành, ăn rau tiểu ra rau, thỉnh thoảng tiểu ra phân. Bệnh nhân có đi nhiều bệnh viện để khám và điều trị nhưng không đỡ.
Chụp phim Cystography thấy thuốc ra ngoài bọng đái |
Nhân một cơ hội gặp TS.BS Nguyễn Đình Tuyến (Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa BV Đa khoa Quảng Ngãi), bệnh nhân than phiền về bệnh mình như vậy và mong muốn được BS Tuyến chẩn đoán và điều trị giúp.
BS Tuyến tư vấn và cho bệnh nhân nhập BV Đa khoa Quảng Ngãi để điều trị. Bệnh nhân L. vào bệnh viện, được nội soi đại tràng thấy khối viêm cứng tại đại tràng chậu hông.
Chụp bàng quang bơm thuốc cản quang tan trong nước thấy thuốc đi vào đại tràng. Chụp đại tràng có thuốc cản quang không tan trong nước thấy thuốc vào bàng quang. Chụp CT bụng phát hiện có khối viêm dính từ đại tràng chậu hông vào bàng quang.
TS.BS Tuyến cùng kíp mổ quyết định phải mổ gấp với chẩn đoán bệnh là: rò bàng quang - đại tràng chậu hông. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt rò, cắt đoạn đại tràng chậu hông nối tận 2 đầu ruột. Cắt khối viêm tại bàng quang và tạo hình bàng quang.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh và chăm sóc sau mổ 7 ngày, sau đó xuất viện. Hiện tại ổn định, tiểu bình thường không còn tiểu ra cọng hành như trước nữa. Khối viêm được gửi giải phẫu bệnh lý là mô viêm mạn tính.
Bệnh lý rò bọng đái (bàng quang) và đại tràng rất hiếm gặp. Khi người bệnh có dấu hiệu tiểu ra phân, hoặc ăn cái gì tiểu ra cái đấy thì nên nhập viện để chẩn đoán và điều trị; không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh, vì như vậy sẽ gây đề kháng với kháng sinh và bệnh sẽ nặng thêm.