Các nhà du hành vũ trụ từ lâu không còn ăn thức ăn trong các ống tuýp nữa, nay họ ăn các món bình thường nhưng nhiều người không biết. Sự hoài niệm về những thành tựu bay vào không gian của Liên Xô cũ đã giúp cựu chủ nhà hàng Andrei Vedernikov tiếp thị một vật kỷ niệm “độc lạ”: những ống tuýp như ống kem đánh răng nhưng đựng súp vô trùng, các món ăn chính và món tráng miệng.
Theo Cơ quan giám sát doanh nghiệp SPARK, vào năm 2015, doanh số của Pḥng thí nghiệm thức ăn vũ trụ (LSF) là 5,4 triệu rúp (90.000 đôla) và lãi ròng là 1,3 triệu rúp.
Ông Vedernikov nảy sinh ý tưởng bán thức ăn “trên trời” từ năm 2011. Thế nhưng, công tác chuẩn bị phải mất 4 năm, vì nhà thầu này phải tìm cách đạt được thỏa thuận với Viện Nghiên cứu khoa học Nga về công nghệ lương thực cô đọng và Công nghệ thức ăn đặc biệt - nhà phát triển của thức ăn không gian, và với Xí nghiệp Biryulyovsky, nơi sản xuất và cung cấp thức ăn cho nhà du hành vũ trụ.
Vấn đề ở chỗ công thức gốc và phương tiện sản xuất do Nhà nước Nga bảo vệ. Nhưng Tổng thống Putin giúp thuyết phục các cơ quan nhà nước hợp tác, và chính ông Putin cũng thường xuyên quảng bá những thành tựu thám hiểm không gian của Liên Xô cũ.
Với sự giúp đỡ của lãnh đạo quốc gia, ông Vedernikov đăng ký thành lập LSF và thương hiệu “Thức ăn không gian”. Vedernikov công nhận dù không là nhà thầu đầu tiên cố gắng đạt được thỏa thuận với những nhà cung ứng cho các nhà du hành vũ trụ, nhưng ông là người kiên nhẫn nhất.
Đối với ông Vedernikov, điều quan trọng trong khâu sản xuất không chỉ là bao bì mà hương vị của “thức ăn của phi công vũ trụ” cũng phải thật, giống như ngày xưa. Sự khác biệt duy nhất là gói thức ăn nặng 115 gr, tức ít hơn món ăn gốc khoảng 45 gr. Theo tính toán của ông, giá bán lẻ của ống tuýp đựng thức ăn chưa tới 300 rúp, trong khi ống tuýp món ăn gốc giá cao hơn.
Hiện “Thức ăn không gian” có khoảng 12 món chính. Thực khách ưng nhất là món súp củ cải đỏ borsch. Củ cải đỏ giúp tạo nên màu sắc cùng hương vị đặc trưng của món súp nổi tiếng này: củ cải thái nhỏ ninh nước xương, thêm lá nguyệt quế, với tai và sườn heo, với thịt ngỗng hoặc xúc xích.
Các món của nhánh “Thức ăn không gian” được bán từ tháng 2-2015. Máy bán đầu tiên được đặt ở Gian Vũ trụ tại Khu triển lãm những thành tựu kinh tế quốc gia (VDNKh). Ông Vedernikov cho rằng giới trẻ thường thích sử dụng máy bán hàng sẽ là nguồn thực khách chính, nhưng hóa ra người lớn tuổi mới mua “thức ăn của phi công vũ trụ”. Ông cho rằng thế hệ này vẫn còn hoài niệm về những thành tựu thám hiểm không gian của Liên Xô cũ.
Mùa hè 2015, ông Vedernikov đặt thêm nhiều máy bán thức ăn ở Khu triển lãm Moscow Planetarium, và hiện có 30 máy ở các bảo tàng tại những thành phố St. Petersburg, Kirov, Yekaterinburg, Gelendzhik, Samara, Sochi… Nửa năm sau khi đặt máy bán “Thức ăn không gian” đầu tiên, ông Vedernikov có đối thủ cạnh tranh.
Tháng 7/2015, ông Alexander Poklad đăng ký thành lập Công ty Kosmicheskoye Pitaniye (“Thức ăn vũ trụ”). Ông cùng các đối tác đầu tư mua lại các cơ sở sản xuất ở thành phố Oryol (cách Moscow 200 dặm về phía nam) và Viện VNIITEK - nơi từng sản xuất thức ăn vũ trụ trong thời Liên Xô - và bắt đầu phát triển các công thức. Thực đơn của “Thức ăn vũ trụ” hơi khác với “Thức ăn không gian”, ví dụ như món súp nấm.
Một năm sau, ông Poklad chọn các kênh bán lẻ khác nhau: không liên kết với các bảo tàng chuyên đề, mà là bán các ống “Thức ăn vũ trụ” trên cửa hàng trực tuyến và các trạm xăng Trassa.
Lúc đầu, các ống thức ăn của ông Poklad có giá rẻ hơn “Thức ăn không gian” khoảng từ 10 - 40%, và nặng hơn 45 gr. Nhưng nay ông bán cùng giá. Có tổng cộng 40 đại lý bán “Thức ăn vũ trụ” ở khắp nước Nga.
Ông Poklad không cho biết doanh số bán, nhưng xác nhận hiện công ty đang bị lỗ, và ông dự tính nghỉ hoạt động trong mùa xuân 2017.
Alexei Belov, một đại lý “Thức ăn vũ trụ” và là Giám đốc chuỗi cửa hàng trực tuyến Master Jinn, nói công ty của ông Polak “bán những liều hoài niệm về thời mà loài người bắt đầu chinh phục vũ trụ”.
Ông Poklad thì tin rằng các ống đựng thức ăn vũ trụ không chỉ là một vật kỷ niệm, mà còn là một giải pháp nhanh chóng thỏa mãn cơn đói, nên ông chọn cách bán hàng ở những trạm xăng, cho các tài xế vốn là một thị phần lớn hơn nhóm những nhà sưu tập các vật kỷ niệm thành tích thám hiểm không gian của Liên Xô cũ.