Nơi giao thương tấp nập
Nằm trên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương nên từ khi xây dựng chợ Sắt nhanh chóng trở nên sầm uất với nhiều hoạt động giao thương tấp nập.
Chợ Sắt nổi tiếng nhất là vào những năm 80 của thế kỷ 20. Chợ bán đa dạng hàng hóa nhưng nhiều nhất là hàng điện tử “xách tay” từ nước ngoài. Thủy thủ tàu Vosco sau mỗi chuyến viễn dương thường mang về rất nhiều đồ điện tử của nước ngoài. Đa phần là đồ second hand nhưng vẫn được người dân ưa chuộng và tìm mua.
Với sự giao thương tấp nập của chợ Sắt, thành phố Cảng trở nên sầm uất. Hồi ấy người Hải Phòng có câu “Thứ nhất đi tàu Vosco thứ nhì bà bô chợ Sắt” để nói lên sự giàu có của tầng lớp tiểu thương chợ này”.
Thời kỳ đổi mới, nhận thấy tiềm năng to lớn của chợ Sắt, một liên doanh với vốn nước ngoài đã đầu tư 5 triệu đô la Mỹ để xây dựng Trung tâm thương mại chợ Sắt trên nền chợ cũ.
Dự án đầy triển vọng với 60.000 m2 cung cấp diện tích sử dụng cho 5.000 tiểu thương. Ông Nguyễn Danh Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Hữu hạn Hải Thành là đơn vị đầu tư xây dựng và quản lý Trung tâm thương mại chợ Sắt tính toán: Với đà phát triển của chợ Sắt, chỉ sau 3 năm có thể thu hồi vốn, khi đó sẽ trả lại không điều kiện cho TP Hải Phòng một phần chợ Sắt.
Dự án được Nhà nước phê duyệt rất nhanh và đến giữa năm 1994, Trung tâm thương mại chợ Sắt bề thế ra đời. Bà con tiểu thương nhanh chóng đăng ký đặt thuê gian hàng trong trung tâm và chưa đầy 1 tháng con số 5.000 hộ đã được đăng ký xong.
Thế nhưng với sự thay đổi chính sách về kinh tế của Nhà nước đúng vào thời điểm Trung tâm thương mại chợ Sắt bắt đầu đi vào hoạt động khiến cho “giấc mộng” đẹp mà công ty kỳ vọng sụp đổ hoàn toàn.
Chính sách kinh tế mới cho phép người dân được tự do đăng ký kinh doanh buôn bán ở bất kỳ đâu. Vì vậy, nhiều tiểu thương trong chợ ồ ạt kéo nhau ra ngoài thuê những gian quán xung quanh, thậm chí tận dụng vỉa hè để kinh doanh, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều so với thuê kiot trong chợ.
Từ 5.000 hộ chỉ còn 1.000 gian hàng đăng ký hoạt động ở tầng 1 và 2.
Sự sầm uất của Trung tâm thương mại chợ Sắt kéo dài thêm 3 năm tiếp theo rồi chính thức rơi vào cảnh tiêu điều.
Hoàng kim một thuở
Nằm giữa vị trí đất vàng thuộc trung tâm thành phố Hải Phòng nhưng tòa nhà Trung tâm thương mại chợ Sắt cũ kỹ, già nua, tiêu điều đối nghịch với sự năng động, hiện đại của thành phố Cảng đang trên đà phát triển.
Bà Hạnh, bà Tuyết Anh là những tiểu thương bán hàng điện tử ở khu chợ này đều có chung một cảm nhận, thời hoàng kim của chợ Sắt đã lùi xa. “Chợ Sắt hồi ấy đủ loại mặt hàng, đặc biệt là hàng điện tử. Thủy thủ tàu viễn dương đi khắp nơi và mang về đủ loại hàng điện tử khiến dân chơi khắp miền Bắc đều phải tìm đến chợ Sắt mới sắm được cái tivi Hitachi, đài cassette Sharp”, bà Tuyết Anh nói.
Theo chỉ dẫn của tiểu thương trong chợ, tôi lên tầng 2, tầng 3 khu chợ Sắt. Tầng 2 không còn là chỗ để bày bán hàng hóa mà biến thành nơi để những anh thợ “mông” loa đài hoạt động.
Sau 1 hồi dạo quanh tầng 2 trước những ánh nhìn dò xét của những người thợ sửa loa đài, tôi đánh liều dừng lại hỏi thăm. Anh Quang vừa nhanh tay lau lọt lại cây loa cũ vừa nói: “Em đi thuê kho chứa hàng hay đi đâu? Nếu thuê thì sang khu khác chứ khu này bọn anh thuê sửa đồ điện hết rồi”.
Mạnh dạn bước chân lên tầng kế tiếp, nhưng chiếc cửa cuốn han gỉ đã đánh sập lối. Theo những tiểu thương ở đây, tầng 3 đã nhiều năm nay không còn mở cửa vì không có người đến thuê.
Lần theo lối đi cầu thang máy, tôi tiếp tục đi bộ dạo một vòng lên tầng 5 và tầng 6. Cảnh hoang tàn vẫn là chủ đạo khi không có một bóng tiểu thương trừ một vài người của ban quản lý chợ còn làm việc.