Khoa học xã hội là vậy, cứ lặng lẽ thực hiện sứ mệnh của mình từ thời kỳ này sang thời kỳ khác cho dù xã hội có nhiều đổi thay, cho dù nhiều người chưa quan tâm, coi trọng ngành khoa học này.
Đóng góp lặng thầm
Trong kỷ nguyên khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão khiến con người nhớ đến những thành tựu khoa học nổi trội. Tuy nhiên, không vì thế mà khoa học xã hội lép vế hay ẩn mình. Thực tế cho thấy, khoa học xã hội vẫn thực hiện chức năng của mình là nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, cung cấp các luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khoa học xã hội luôn gắn với chiều dài lịch sử. Trong những năm qua, các nhà khoa học xã hội đã nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, phát triển lý luận và thẳng thắn đưa ra các kiến nghị có giá trị với sự phát triển của đất nước.
Nghiên cứu khoa học xã hội đã làm rõ hơn nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới. Đặc biệt, kể từ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội về hoàn thiện thể chế kinh tế́ thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, về dân số và phát triển, về lao động tiền lương, về công tác cán bộ… đây là nguồn tài liệu quan trọng cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, ban hành các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiều vấn đề quan trọng.
Trong nghiên cứu khoa học nhân văn, các nhà khoa học xã hội tiếp tục có những đóng góp để làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc, khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, làm giàu các giá trị và bản sắc văn hóa trường tồn của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. “Các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội đã và đang góp phần khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, xác định con người ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững đất nước”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nhận định.
Khẳng định vị thế trong kỷ nguyên số
Ngành Khoa học Xã hội đang đứng trước nhiều thách thức trong thời đại 4.0 |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Những thành tựu này được cả thế giới tôn vinh, đón nhận và coi đây là dấu mốc cho sự phát triển của quốc gia. Không ồn ào như khoa học công nghệ nhưng những công trình mà các nhà khoa học xã hội tham gia nghiên cứu, đề xuất chính sách cũng mang hơi thở của thời đại 4.0.
Bên cạnh những nghiên cứu chuyên môn đặc thù về khảo cổ học, sử học, xã hội - kinh tế học, văn hóa học… từ năm 2017, các nhà khoa học xã hội bắt đầu đi sâu nghiên cứu các vấn đề đặt ra cho Việt Nam trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0. Những nghiên cứu trên chỉ ra “điểm tối” của cuộc cách mạng trên mà bấy lâu nay không mấy ai để ý tới.
Đó là những tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, việc làm, bình đẳng giới, giáo dục, y tế… đòi hỏi người dân phải chủ động thích ứng. Ngoài ra, những biến đổi của kinh tế - văn hóa - xã hội hay “vấn nạn” đang đặt ra từ biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường khác hay sự tác động của quốc tế và khu vực cũng được các nhà khoa học xã hội xem xét, lý giải và đưa ra khuyến nghị về hoạch định chính sách và kịch bản ứng phó với tình hình mới...
Trăn trở
GS.TS Hồ Sỹ Quý, Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho biết: nhiều năm qua, các nhà khoa học xã hội luôn được tạo điều kiện tốt nhất trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn để làm việc, để nghiên cứu. Tuy nhiên, là 1 trong 7 thành phần của hoạt động khoa học nhưng tiếng nói của khoa học xã hội còn bé nhỏ. “Việc không tận dụng sức mạnh của khoa học xã hội để giải quyết vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra quả là điều đáng tiếc”-GS.TS Hồ Sỹ Quý khẳng định.
Còn theo GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, ngành khoa học xã hội đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Nguyên nhân cho đến nay, chưa có cơ chế tốt nhất để khoa học xã hội phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao khiến cho người nghiên cứu luôn làm việc trong tình trạng vừa nghiên cứu vừa lo kế sinh nhai hoặc thực hiện những việc hành chính, tài chính thay vì tập trung toàn bộ trí lực cho nghiên cứu khoa học và sáng tạo.
Công tác khoa học xã hội góp phần quan trọng vào sự thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ trong thời đại mới |
Chia sẻ về những trăn trở của mình, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng: Với đặc thù của cơ quan khoa học, công tác bổ nhiệm cán bộ cần có cơ chế khác, đặt tiêu chí trình độ chuyên môn lên hàng đầu, tránh việc gò ép các tiêu chí hành chính sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hút nhân tài.
Với PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), cần sự thay đổi để phái nữ có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho khoa học.
Song song với bất cập về chính sách, hiện các nhà khoa học nữ vẫn phải đối mặt với định kiến về giới.