Cho con phẫu thuật thẩm mỹ: Lựa chọn khôn ngoan?

GD&TĐ - Trong thời đại “sống ảo”, ngày càng nhiều thanh thiếu niên muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Một số cha mẹ tự hỏi, liệu quyết định cho con thẩm mỹ có khôn ngoan không.

Nhiều phụ huynh coi việc con phẫu thuật thẩm mỹ là bình thường. Ảnh minh họa.
Nhiều phụ huynh coi việc con phẫu thuật thẩm mỹ là bình thường. Ảnh minh họa.

Chuyện “thường ngày” ở thiếu niên

Juli - một phụ huynh tại Mỹ nghĩ đến việc cho con trai phẫu thuật thẩm mỹ ngay khi cậu bé chào đời. Cậu bé mắc một chứng bệnh tên Stahl, khiến tai như bị gập lại và biến dạng.

Khi con trai lên 7, gia đình Juli quyết định để cậu bé phẫu thuật, nhằm khắc phục vấn đề. Một bác sĩ đã nói rằng, thời điểm tốt nhất để thực hiện dạng phẫu thuật này là trong độ tuổi từ 5 - 9. Tuy nhiên, thực tế, con trai của Juli chưa bao giờ bày tỏ mong muốn được phẫu thuật.

Trái với con trai Juli, Gena (15 tuổi) luôn muốn được phẫu thuật thẩm mỹ mũi. Và, cha mẹ cô bé đã cho phép điều đó.

“Chị gái tôi sửa mũi năm 17 tuổi. Chị ấy nói rằng, tôi có một chiếc mũi to và tôi sẽ phải phẫu thuật thẩm mỹ. Tôi luôn cảm thấy chiếc mũi của mình quá to so với khuôn mặt và khiến tôi trông kém hấp dẫn”, Gena chi sẻ.

Nữ sinh 15 tuổi cho biết, quyết định của mình không phải là điều hiếm gặp. Một số bạn học của Gena đã phẫu thuật thẩm mỹ từ khi là thiếu niên.

Phẫu thuật thẩm mỹ có thực sự cải thiện sự tự tin hay không là một vấn đề cần quan tâm. Năm 2005, Tạp chí Đạo đức của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ báo cáo, các nghiên cứu cho thấy sự gia tăng về mức độ hài lòng với cơ thể dù một người có phẫu thuật thẩm mỹ hay không. Cụ thể, sự tự tin được cải thiện theo thời gian.

Thống kê năm 2017 cho biết, 229 nghìn thanh thiếu niên Mỹ từ 13 – 19 tuổi đã phẫu thuật thẩm mỹ. Con số này cho thấy, có vẻ như với nhiều gia đình, phẫu thuật đang trở thành một lựa chọn phổ biến. Thậm chí, một số gia đình còn coi phẫu thuật thẩm mỹ là món quà tốt nghiệp dành tặng con.

Tiến sĩ Manish Shah tại Viện Thẩm mỹ Shah Aesthetic Surgery ở Denver, Colorado giải thích: “Tôi nghĩ phẫu thuật thẩm mỹ đang trở nên phổ biến hơn đối với thanh thiếu niên, do sự gia tăng trong nạn bắt nạt. Thanh thiếu niên chụp rất nhiều ảnh và ngày càng có sự chấp nhận trong xã hội đối với phẫu thuật thẩm mỹ".

Hầu hết, các chuyên gia cho rằng, có sự khác biệt giữa các loại phẫu thuật. Đơn cử như con trai của Juli được sửa chữa một khiếm khuyết bẩm sinh, trong khi Gena được phẫu thuật thẩm mỹ.

“Phẫu thuật thẩm mỹ có thể liên quan đến việc tái tạo một bộ phận cơ thể để chỉnh sửa khuyết tật, như vết bớt, sứt môi, dị tật tai, sẹo”, Tiến sĩ Elaine Ducharme, nhà tâm lý học lâm sàng giải thích.

Trong khi đó, loại phẫu thuật khác - thẩm mỹ, được thực hiện để khiến một người cảm thấy hài lòng hơn với cơ thể và ngoại hình. Tiến sĩ Ducharme cũng lưu ý, ranh giới giữa chỉnh sửa và phẫu thuật thẩm mỹ đôi khi vô cùng mong manh.

Điều gì an toàn?

Tiến sĩ Shah cho biết, các thủ thuật phổ biến nhất mà thanh thiếu niên muốn thực hiện là nâng mũi, tạo hình tai, thu nhỏ ngực và các quy trình chăm sóc da giúp mờ mụn trứng cá.

“Bất kỳ quy trình nào không ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể đều có thể được coi là an toàn”, chuyên gia giải thích.

Tuy nhiên, theo ông Shah, nhiều quy trình thẩm mỹ không phù hợp với trẻ em và thanh thiếu niên.

Không ít người đặt ra câu hỏi, phụ huynh nên phản ứng thế nào nếu con muốn phẫu thuật thẩm mỹ? Theo Tiến sĩ Ducharme, điều quan trọng là cha mẹ phải lắng nghe mối quan tâm của con. Nếu một thanh thiếu niên nói rằng, họ muốn một thứ gì đó và cha mẹ chỉ nói “Không”, phụ huynh sẽ bỏ lỡ cơ hội khám phá điều thực sự xảy ra.

Do đó, nữ chuyên gia này gợi ý, cha mẹ nên sử dụng các câu hỏi để thu hút con vào cuộc trò chuyện. Sau khi hiểu rõ hơn về những gì con muốn, phụ huynh có thể đưa ra biện pháp tốt nhất. Bà Ducharme đồng thời nhấn mạnh, phẫu thuật thẩm mỹ sẽ không thay đổi cuộc đời một người. Tuy nhiên, Tiến sĩ Ducharme nhấn mạnh, các phụ huynh cần giúp trẻ hiểu rõ về những rủi ro của phẫu thuật.

“Nhiều thanh thiếu niên nghĩ rằng, họ có thể phẫu thuật và ngay lập tức sẽ trông khỏe hơn và cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn. Họ không hiểu rằng, phẫu thuật là một công việc kinh doanh rủi ro”, bà Ducharme nói.

Rủi ro có thể liên quan đến việc gây mê. Và, thực tế là vết thương cần thời gian để chữa lành.

“Có thể sẽ rất đau đớn và khó chịu”, chuyên gia cảnh báo.

Bên cạnh đó, phẫu thuật thẩm mỹ cũng có thể tốn kém và hiếm khi được bảo hiểm chi trả.

Trong khi đó, Tiến sĩ Shah thừa nhận tầm quan trọng trong việc cân nhắc những ưu và khuyết điểm của phẫu thuật thẩm mỹ.

“Những lợi ích của phẫu thuật cần nhiều hơn rủi ro. Phẫu thuật là vĩnh viễn. Bạn không bao giờ muốn mạo hiểm với sự hối hận của con và bản thân", ông Shah cho biết.

Do đó, theo chuyên gia này, trước khi thực hiện bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, thanh thiếu niên “thực sự cần phải đủ trưởng thành để nắm bắt được mức độ rủi ro. Điều này phải được cân bằng với sự căng thẳng mà thanh thiếu niên cảm thấy khi họ nhìn vào gương".

Mặc dù, phẫu thuật đối với người mắc Stahl được khuyến khích ở độ tuổi trẻ hơn, nhưng ông Shah cho rằng, vẫn sẽ là thời điểm lý tưởng nếu thanh thiếu niên có thể đợi đến khi trên 18 tuổi. Song, chuyên gia này thừa nhận, không ít yếu tố thúc đẩy thanh thiếu niên muốn phẫu thuật sớm hơn.

“Bản thân tôi từng là một thiếu niên. Thời đại thanh thiếu niên sống ngày nay căng thẳng và phức tạp hơn nhiều so với những năm trước đây”, Tiến sĩ Shah chia sẻ.

Chuyên gia này giải thích, với áp lực của mạng xã hội, điều quan trọng là cha mẹ phải giúp thanh thiếu niên trả lời các câu hỏi về phẫu thuật thẩm mỹ.

“Tham khảo ý kiến với các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được hội đồng chứng nhận là cách tốt nhất để giải tỏa bất kỳ sự nhầm lẫn nào. Đồng thời, có thể giúp thanh thiếu niên đưa ra quyết định đúng đắn về phẫu thuật thẩm mỹ”, Tiến sĩ Shah nhấn mạnh.

Theo Healthline

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.