Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện công trình để khánh thành đúng tiến độ, sau đó là khắc phục các điểm còn vướng về kỹ thuật nếu có, thanh quyết toán đúng quy định, đảm bảo an toàn giao thông ngay từ thời điểm thông xe, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Chủ tịch nước yêu cầu: “Ngành giao thông vận tải cần đẩy nhanh tiến độ cầu Mỹ Thuận và tiếp tục triển khai tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ để sớm thông xe toàn tuyến. Sau đó là sớm khởi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến đường ven biển khu vực Nam Bộ trên tinh thần làm tất cả những gì để người dân được hưởng lợi nhiều nhất”.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng đường cao tốc cùng với đường sắt, đường thủy lộ trình TPHCM - Cần Thơ để giảm tải mật độ dân cư, hạ tầng giao thông cho khu vực nội đô các thành phố lớn.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,5km, bề rộng nền đường 17m, mặt đường 16m, gồm 4 làn xe. Trên tuyến có 53 cầu, trong đó có 39 cầu trên tuyến chính, 14 cầu vượt và cầu trên tuyến nối. Tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 2.100 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư, vốn tín dụng hơn 10.400 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mặc dù vậy, suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và dự án chỉ đạt được 10% khối lượng.
Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bằng tinh thần “ba xuyên”: “xuyên đêm”, “xuyên lễ, Tết”, “xuyên dịch”, hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công để hoàn thành thông tuyến cao tốc trước ngày 31/12/2020.
Trong năm 2020 - 2021, dự án chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tháng 6/2021, hơn 40 cán bộ và người lao động nhiễm bệnh, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân phải thực hiện cách ly y tế, 13 gói thầu phải tạm ngưng thi công...
Trước tình hình đó, Tập đoàn Đèo Cả đã cùng với tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ, chủ động kiến nghị Bộ Y tế phân bổ nguồn vắc-xin cho người lao động và điều động bổ sung nhân sự kịp thời.
Ngoài ra, dự án đã thực hiện việc hợp vốn từ các Ngân hàng Vietinbank, BIDV, Agribank và VP Bank, nhưng điều kiện giải ngân bắt buộc của hợp đồng tín dụng là phải đảm bảo nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp.
Vào tháng 6/2021, khi các nhà đầu tư, nhà thầu gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tập đoàn Đèo Cả đã tiếp ứng 500 tỷ đồng cho dự án để đảm bảo nguồn vật liệu, chi trả chi phí nhân công.
Sau gần 3 năm tiếp nhận điều hành, Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực ngày đêm đưa dự án cán mốc thông xe kỹ thuật, tiếp tục kiểm soát chất lượng trong quá trình cho lưu thông trước Tết và sẽ đưa vào khai thác chính thức sau khi tổ chức hiệu chỉnh kỹ thuật.
Đồng thời, đo lường khắc phục các rủi ro về nền đất yếu thường gặp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.