Trong các thí nghiệm được thực hiện nhằm khám phá ra điều gì gây nên khó khăn trong việc sinh sản đồng giới ở một số loài động vật, các nhà nghiên cứu cho biết, họ cũng thành công sinh sản chuột con từ một cặp chuột bố nhưng nó chỉ sống sót được qua vài ngày.
Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell Stem Cell cho thấy rào cản trong sinh sản đồng giới có thể sẽ được vượt qua nhờ vào kỹ thuật chỉnh sửa gen và tế bào gốc. Tuy nhiên, các chuyên gia không thấy bất cứ triển vọng nào trong việc sớm áp dụng công nghệ này lên con người để sản sinh ra những đứa trẻ từ các cặp đôi đồng giới.
“Xem xét việc khám phá công nghệ tương tự để ứng dụng lên con người trong tương lai gần là 1 chuyện hoàn toàn hoang đường. Nguy cơ xảy ra bất thường nghiêm trọng quá cao và các nhà khoa học sẽ cần nhiều năm nghiên cứu trên các mô hình động vật khác nhau để có thể thực sự biết cách thực hiện sao cho an toàn” - Dusko Ilic, chuyên gia về tế bào đến từ ĐH King, London (Anh) bình luận về kết quả nghiên cứu.
Một số loài bò sát, động vật lưỡng cư và cá có thể tự sinh sản mà không cần bạn tình, tuy nhiên đây là 1 thách thức lớn đối với các loài động vật có vú kể cả với sự hỗ trợ của công nghệ thụ tinh.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc giải thích rằng ở các loài động vật có vú, bởi vì một số gen mẹ hoặc cha bị tắt trong quá trình phát triển tế bào gốc bởi cơ chế gọi là genomic imprinting (in hệ gen), con cái không có vật liệu di truyền của cả bố và mẹ có thể sẽ phát triển bất thường hay thậm chí là không khả thi.
Để tạo ra chuột con từ 2 chuột mẹ, nhóm các nhà khoa học lãnh đạo bởi Qi Zhou đã sử dụng tế bào gốc phôi haploid (ESC) chứa một nửa số nhiễm sắc thể và DNA của một con mẹ duy nhất.
Sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gen, các nhà khoa học xóa đi ba khu vực in của hệ gen khỏi các haploid ESC chứa DNA của một con mẹ và bơm chúng vào trứng của con mẹ còn lại. Quá trình này đã sản sinh ra 29 chuột con còn sống từ 210 phôi. Những con chuột lớn lên, phát triển và sinh sản hoàn toàn bình thường.
Việc tạo ra chuột con từ một cặp chuột bố phức tạp hơn nhiều, theo như các nhà nghiên cứu cho biết và cần phải sửa đổi haploid ESC chứa đúng DNA của một con bố để xóa đi 7 khu vực in hệ gen chính.
Các tế bào này sau đó được tiêm cùng với tinh trùng của con bố còn lại vào 1 tế bào trứng có nhân và do đó vật liệu di truyền cái được loại bỏ. Quá trình này tạo ra phôi chỉ chứa DNA hệ gen của 2 con đực và chúng sẽ được chuyển vào các “bà mẹ” trung gian. Tuy nhiên, chuột con sinh ra trong trường hợp này không sống quá 48 tiếng. “Nghiên cứu này cho chúng ta thấy những gì khả thi” - đồng tác giả nghiên cứu Wei Li trao đổi.