Chính sách xoay trục Châu Á của Tổng thống Obama đang khởi sắc

Khi Tổng thống Obama tuyên bố năm 2011 rằng, ông muốn chính sách đối ngoại của Mỹ "xoay trục" sang Châu Á, một số người đã xem thường ý tưởng này và coi nó như một động thái vụng về để Mỹ trốn chạy khỏi cuộc xung đột hỗn loạn tại Trung Đông.

Chính sách xoay trục Châu Á của Tổng thống Obama đang khởi sắc
Tổng thống Mỹ phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam.

Nhưng trên thực tế, chính sách ấy đã có những thành công khá tốt đẹp, được thể hiện rõ trong chuyến đi của Tổng thống Obama tới Châu Á trong tuần này. Hầu như tất cả các nước trong khu vực đều hướng tới mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ.

Ông Obama là tổng thống Mỹ thứ 3 thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng từ ngày 22 - 25.5 đã được Chính phủ và người dân Việt Nam chào đón nồng nhiệt. Trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ, hai bên hài lòng trước những tiến triển nhanh chóng, thực chất và toàn diện của quan hệ Việt Nam - Mỹ thời gian qua theo những định hướng của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ năm 2013 và Tuyên bố về tầm nhìn chung nhân chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vào tháng 7.2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sự phát triển ngày càng sâu rộng của quan hệ Việt Nam - Mỹ đã và đang đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực, xây dựng một khu vực dựa trên luật lệ, cũng như việc phối hợp giải quyết các thách thức chung ở khu vực và toàn cầu.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Obama cũng công bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Chính phủ Việt Nam hoan nghênh quyết định này, cũng như hoan nghênh hỗ trợ an ninh biển và mong muốn làm việc với Mỹ nhằm nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam.

Trong khi đó ở khu vực, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều hành vi trái phép nhằm áp đặt chủ quyền với phần lớn diện tích trên Biển Đông. "Bất cứ khi nào Trung Quốc cố gắng gây áp lực chủ quyền đối với các nước láng giềng, đó là lúc những nước này muốn có sự hiện diện của Mỹ ở khu vực" - Derek Chollet, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận xét.

Trên các bãi đá mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông, nước này đã bồi đắp thành đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng với mục đích hỗ trợ quân sự, đe dọa những nước láng giềng yếu hơn. Ngoài ra, những đảo nhân tạo này có thể tạo thành những "sự đã rồi" để Trung Quốc có cớ khẳng định chủ quyền phi pháp ở vùng biển có trữ lượng khoảng 11 tỉ thùng dầu. Thậm chí cả quyền đánh bắt cá ở Biển Đông cũng đang bị đe dọa.

Trong chuyến thăm tới Washington năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình - khẳng định, sẽ không "quân sự hóa" Biển Đông, nhưng ông không định nghĩa rõ "quân sự hóa" với ý nghĩa như thế nào. Một số nói rằng, chính sách này chỉ đơn giản là cấm "vũ khí tấn công." Điều đó tạo nên sự cảnh giác trong Lầu Năm Góc, từ đó chính quyền Obama đã có những chỉ trích mạnh mẽ các hoạt động bồi đắp và xây dựng trên các đảo này.

Một cuộc đấu tranh dường như bất đối xứng đang diễn ra. Mặc dù Lầu Năm Góc điều tàu và máy bay đến vùng biển để khẳng định quyền tự do hàng hải, nhưng việc đó không làm chậm lại quá trình xây dựng của Trung Quốc. "Chúng tôi không chắc nên làm gì tiếp theo" - một cựu quan chức Mỹ nói. "Chúng tôi không muốn châm ngòi chiến tranh, và chúng tôi cũng không muốn chiếm đảo".

Nhưng Mỹ hiện có lợi thế riêng của mình, đó là khả năng lôi kéo các nước mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, không chỉ Việt Nam, Philippines, Malaysia mà còn những nước khác nữa. Tất nhiên, chiến lược này chỉ hoạt động nếu Mỹ sẵn sàng đầu tư vào những mối quan hệ mạnh mẽ hơn - thông qua không chỉ là sự hiện diện của quân đội, mà còn cả những chính sách, hiệp định thương mại được mở rộng.

Vì thế, ông Obama hiện đang đối mặt với những gì mà Chollet gọi là "thử thách được báo trước". "Tất cả những quốc gia này đều đang tìm kiếm sự bảo đảm rằng Mỹ sẽ có mặt tại đó" - ông Chollet cho biết.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ