(GD&TĐ)-Chiều ngày 24/7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp đã chủ trì phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ.
Về giá xăng dầu bán lẻ, hiện vẫn điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường (ảnh MH) |
Về việc chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng cao trở lại (1,17%) trong tháng 7, đại diện Cục Quản lý giá cho rằng nguyên nhân chủ yếu là giá cả phẩm trong nước tăng cao, kéo theo khu vực ăn uống ngoài gia đình (2 nhóm này đóng góp tới 77% tốc độ tăng giá). Điều này xuất phát từ cả nguyên nhân bên ngoài (giá thế giới tăng) lẫn việc giá cả đầu vào trong nước tăng cao, thiên tai dịch bệnh…
Trước các ý kiến cho rằng lạm phát năm nay khó có thể giữ ở mức 17%, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, do kinh tế trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp, việc dự báo chính xác tốc độ tăng CPI vào cuối năm là rất khó. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ cố gắng điều hành để đạt mục tiêu đã công bố từ trước (15-17%).
Về định hướng kinh tế từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ vẫn sẽ đặt mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát lên hàng đầu. “Chính sách tài khóa vẫn sẽ thắt chặt với mục tiêu giảm thâm hụt xuống dưới 5% GDP. Chính sách tiền tệ cũng sẽ không đặt vấn đề nới lỏng”
Về điều hành giá xăng dầu bán lẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho rằng, hiện vẫn điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường nhằm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết giá xăng dầu thế giới hiện đã giảm so với giai đoạn đầu năm 2011 nhưng vẫn chưa cho phép cơ quan quản lý và doanh nghiệp tính đến chuyện giảm giá bán lẻ trong nước ở thời điểm hiện tại.
Về vấn đề lỗ lãi của Petrolimex, tại cáo bạch cổ phần hóa, Petrolimex lần lượt báo lãi gần 3.900 tỷ đồng trong 3 năm 2008 - 2010. Năm 2011, doanh nghiệp này cũng dự kiến lãi gần 600 tỷ đồng. Theo Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa, những con số này sẽ sớm được làm rõ khi Kiểm toán Nhà nước công bố báo cáo về sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp.
* Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thiếu vốn cho hoạt động kinh tế hiện nay, đã đến lúc Chính phủ nên nới lỏng chính sách tiền tệ. Đề xuất này đang gây ra những phản ứng khác nhau trong giới chuyên gia kinh tế.
Vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ đã được một số chuyên gia chính thức đưa ra tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả tổ chức vào tuần qua tại Hà Nội.
Quan điểm đề xuất nới lỏng chính sách tiền tệ dựa trên những lý do chủ yếu sau đây: Chính sách thắt chặt tiền tệ bước đầu đã có kết quả tích cực, bằng chứng là tốc độ lạm phát cũng như dư nợ của các ngân hàng đang giảm. Ngoài ra, Chính phủ đã kiên quyết kiểm soát và cắt giảm đầu tư, chi tiêu công.
Tuy nhiên, mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ là làm cho nền kinh tế khan hiếm vốn trầm trọng, nếu tiếp tục thắt chặt nữa sản xuất kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến khả năng kinh tế khó đạt được mức tăng trưởng 7% trong năm nay như kế hoạch đã đề ra.
Theo các chuyên gia, lãi suất ngân hàng bị đẩy lên mức quá cao trong khi lượng vốn huy động của các ngân hàng tăng không đáng kể, cung tiền trong sáu tháng đầu năm giảm mạnh khiến cho đầu tư sản xuất có nguy cơ bị đình trệ, doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng cao.
Đặc biệt, lãi suất cao còn góp phần đẩy chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao, từ đó gia tăng áp lực lên giá cả, lạm phát. Vì vậy, chính sách tiền tệ nên được nới lỏng dần, nhất là khi tốc độ lạm phát có xu hướng giảm mà việc tăng lãi suất đã tỏ ra hết phát huy hiệu quả.
Một số giải pháp cụ thể được các chuyên gia đề cập bao gồm: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng; giảm “trần” lãi suất…
TS. Nguyễn Văn Ngãi, chủ nhiệm khoa kinh tế Đại học Nông Lâm TPHCM, cũng cho rằng không nên tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, còn nới lỏng bao nhiêu thì cần nghiên cứu cẩn thận để có mức lãi suất thích hợp, bởi cái giá của chính sách thắt chặt tiền tệ là giảm đầu tư, ảnh hưởng đến nền kinh tế trong tương lai.
“Chính sách thắt chặt tiền tệ có nghĩa là làm giảm lượng cung tiền và như vậy sẽ làm tăng lãi suất, từ đó hàng hóa, dịch vụ cho tiêu dùng cũng như đầu tư giảm. Điều này có tác dụng kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn nhưng lại ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn do cắt giảm đầu tư hiện nay”.
Hơn nữa, theo TS. Ngãi, lạm phát ở Việt Nam không hoàn toàn do cung tiền mà nguyên nhân còn do giá xăng dầu, phân bón, lương thực thực phẩm… trên thế giới tăng. Do vậy, Chính phủ cần tập trung chính sách tác động đến tổng cung hàng hóa, tạo ra hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn, từ đó sẽ giải quyết được cả hai vấn đề, vừa giảm lạm phát, vừa đảm bảo tăng trưởng.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lại tỏ ra không đồng tình khi cho rằng chống lạm phát vẫn phải được ưu tiên hơn tăng trưởng. Chống lạm phát có thể gây ra “đớn đau”, thậm chí một số doanh nghiệp có thể phải phá sản nhưng lợi ích của cả nền kinh tế phải đặt lên trên hết.
Theo một cựu quan chức không muốn nêu tên của Bộ Thương mại (cũ), hạ lãi suất vào lúc này là đi ngược với mục tiêu giảm lượng tiền trong lưu thông nói chung và tiền sẽ không rút được về các ngân hàng nói riêng. “Nếu các ngân hàng do giảm được chi phí mà tự giảm lãi suất thì nên và theo tôi là nên hoan nghênh. Còn giảm lãi suất cơ bản thì hoàn toàn chưa phải lúc”-cựu quan chức này phát biểu.
Đồng tình với ý kiến trên, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhân nhượng với chống lạm phát bây giờ sẽ là rất nguy hiểm. Một số yếu tố tác động mạnh đến lạm phát vẫn còn lơ lửng, chưa ổn định, ví dụ như thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhiên liệu đầu vào, lương thực thực phẩm, đặc biệt vừa mới đây giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng cao…
“Đừng vội thỏa mãn với những kết quả mang tính ngắn hạn. Nên nhớ tốc độ lạm phát tuy có giảm nhưng chỉ số lạm phát vẫn còn ở mức rất cao”, TS. Thiên lưu ý.
Lạm phát, theo nhận định của các chuyên gia, sẽ vẫn ở mức rất cao từ nay cho đến cuối năm. Tổng cục Thống kê đưa ra ba “kịch bản”: một, nếu sáu tháng còn lại, mỗi tháng chỉ tăng 1% so với tháng trước thì lạm phát năm 2008 ở mức 25%. Hai, mỗi tháng tăng 1,2% thì đến tháng 12-2008 sẽ tăng 27,5%. Ba, nếu mỗi tháng tăng 1,5% thì lạm phát có thể lên đến 30%. Lạm phát, dù theo “kịch bản” nào đi chăng nữa rõ ràng vẫn ở mức cao.
Quan điểm trên cũng trùng với ý kiến của ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia tài chính - ngân hàng. Theo ông, chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ vì thời điểm này vẫn còn quá sớm để đo lường và đánh giá tình hình. Một số chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ chỉ có thể được nới lỏng khi lạm phát đã giảm và được kiểm soát một cách ổn định. Thời điểm ấy có thể là vào đầu năm 2009 hoặc lâu hơn nữa.
Xuân Hương - Nguyên Tấn