Chính sách mạnh mẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở đại học

GD&TĐ - Báo cáo của các trường đại học thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP đều cho thấy những chuyển biến tích cực về công tác nghiên cứu khoa học. Kết quả đạt được không chỉ dựa trên nguồn lực tăng lên do cơ chế tự chủ mang lại mà còn bởi các chính sách mạnh mẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học theo hướng hội nhập của mỗi trường.

Chính sách mạnh mẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở đại học

Tăng gấp đôi số bài viết trên tạp chí quốc tế

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện trong khuôn khổ hoạt động khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017, tập trung đánh giá các nội dung được tự chủ theo Nghị quyết 77 với nhóm 12 trường có thời gian tự chủ từ 2 năm trở lên cho biết:

Trên cơ sở giao quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH và quyền tự chủ được mở rộng hơn về thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học theo Nghị quyết 77, các trường chủ động hơn trong quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, cũng như liên kết thực hiện các hoạt động khoa học và chuyển gia công nghệ đối với các tổ chức, cá nhân trong ngoài nước và doanh nghiệp.

Số lượng các công trình được công bố của 12 trường tự chủ trên 2 năm tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2016; trong đó số lượng các bài viết được công bố trên tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng nhiều nhất (từ 574 công trình năm 2013 lên 1.437 công trình năm 2016).

Một số trường tự chủ đã có định hướng phát triển khoa học công nghệ rõ ràng, các nghiên cứu có tính ứng dụng cao và kinh phí phân bổ cho hoạt động này lớn. Một số trường xem phát triển khoa học công nghệ là mũi nhọn để tạo ra nguồn thu cho hoạt động của trường.

Số đề tài được phê duyệt từ 2013 - 2016 nhìn chung tăng lên. Việc gia tăng số đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường thể hiện sự định hướng rõ ràng về nghiên cứu khoa học cũng như tính chủ động của nhà trường trong việc phân bổ và sử dụng ngân sách của trường cho nghiên cứu khoa học.

Đơn cử, Trường ĐH Ngoại thương có số đề tài cơ sở tăng từ 19 (năm 2015) lên 36 (năm 2016); đề tài nghiên cứu cấp trường của Trường ĐH Kinh tế quốc dân tăng từ 71 (năm 2013) lên 114 (năm 2017)...

Số lượng các công trình được công bố của 12 trường tự chủ trên 2 năm tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2016; trong đó số lượng các bài viết được công bố trên tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng nhiều nhất (từ 574 công trình năm 2013 lên 1.437 công trình năm 2016).

Số lượng các bằng độc quyền và giải pháp hữu ích cũng tăng đáng kể (từ 21 - năm 2013 lên 61 - năm 2016). Bằng sáng chế là một thành tựu nghiên cứu khoa học quan trọng, dẫn đầu lĩnh vực này là Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Số hợp đồng chuyển giao công nghệ năm 2016 tăng gần gấp 1,33 lần so với năm 2013. Lĩnh vực chuyển giao công nghệ là thế mạnh của một số trường đại học như: Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam...

Cũng trong giai đoạn 2013 - 2016, số hội thảo được các trường tổ chức tăng mạnh; từ khoảng hơn 45 hội thảo năm 2013 lên đến 120 hội thảo năm 2016. Điều đáng nói là số lượng hội thảo quốc tế được tổ chức nhiều hơn hội thảo quốc gia.

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học theo hướng hội nhập

Hoạt động khoa học của Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh sau khi được tự chủ đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong 2 năm 2015, 2016, trường có 4 đề tài cấp bộ/tỉnh và 42 đề tài cấp trường. 6 tháng đầu năm 2017, trường có 2 đề tài cấp nhà nước, 5 đề tài cấp bộ/tỉnh và 12 đề tài cấp cơ sở.

Các công bố khoa học trên tạp chí chuyên ngành có tên tuổi trong ngoài nước ngày một nhiều (riêng 6 tháng đầu năm 2017, số lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI, Scopus là 20 bài). Hội thảo khoa học quốc tế được đẩy mạnh với quy mô và số tăng đáng kể.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Nghị quyết 77/NQ-CP của Trường Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, để đạt được các kết quả trên, dựa trên nguồn lực tăng lên do cơ chế tự chủ tài chính mang lại, nhà trường đã có nhiều chính sách mạnh mẽ thúc đẩy nghiên cứu khoa học theo hướng hội nhập.

Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh có chính sách thưởng cho các giảng viên có bài báo khoa học được công bố. Trong đó bài báo đăng ở các tạp chí thuộc danh mục ISI, SCI, SCIE, mức thưởng là 35 triệu đồng; danh mục Scopus, mức thưởng là 20 triệu đồng; danh mục tính điểm của Hội đồng chức danh GS, PGS là 5 triệu đồng (từ 1 điểm trở lên)...

Theo đó, việc đầu tiên là gia tăng mức kinh phí của các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở gắn với công bố quốc tế. Các đề tài cấp cơ sở được đầu tư kinh phí lên tới 100-150 triệu đồng/đề tài nếu sản phẩm là bài báo quốc tế công bố trên các tạo chí thuộc danh mục ISI, Scopus.

Cùng với đó là cơ chế phân phối thu nhập cho giảng viên gắn với nghiên cứu khoa học. Cụ thể, mức thu nhập tăng thêm của giảng viên có những bài báo công bố trên các tạp chí thuộcdanh mục ISI, Scopus sẽ được xếp vào nhóm cao nhất trong 6 bậc xếp loại giảng viên của trường.

Trường có chính sách thưởng cho các giảng viên có bài báo khoa học được công bố. Trong đó bài báo đăng ở các tạp chí thuộc danh mục ISI, SCI, SCIE, mức thưởng là 35 triệu đồng; danh mục Scopus, mức thưởng là 20 triệu đồng; danh mục tính điểm của Hội đồng chức danh GS, PGS là 5 triệu đồng (từ 1 điểm trở lên)...

Đồng thời, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, quy tụ các giảng viên có năng lực nghiên cứu cùng lĩnh vực để triển khai những hướng nghiên cứu mới. Trong đó có những nhóm do tiến sĩ nước ngoài hoặc Việt kiều có kinh nghiệm về công bố quốc tế đứng đầu. Các nhóm nghiên cứu có trách nhiệm tổ chức các hội thảo quốc tế liên kết với các tạp chí quốc tế để nâng số bài đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus.

Việc tổ chức các hội đồng thẩm định tài chính giúp các chủ nhiệm đề tài làm quen với việc xây dựng kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt đối với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quyết toán kinh phí khi nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ.

Liên quan đến hoạt động này, Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh kiến nghị nhà nước có cơ chế phù hợp về nghiên cứu khoa học và chuyển gia công nghệ cho các trường tự chủ, bao gồm cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học có tiềm năng chuyển giao công nghệ hoặc công bố quốc tế. Lý do là các trường cần có một sự hỗ trợ ban đầu vì nguồn thu có hạn trong khi các đề tài nghiên cứu chất lượng cần có tài chính mạnh hơn.

Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, báo cáo đánh giá tác động của Nghị quyết 77/NQ-CP của Học viện công nghệ bưu chính viễn thông đề nghị Bộ Khoa học công nghệ xem xét ưu tiên cho các đơn vị tự chủ được tham gia, chủ trì một số nội dung thuộc chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia, chương trình trọng điểm của nhà nước.

Đơn vị này cũng đề xuất đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, trung tâm chuyển giao công nghệ, thương mại hóa ý tưởng, kết quả nghiên cứu, trung tâm hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, thị trường công nghệ trong các đơn vị tự chủ nghiên cứu khoa học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ