Chính sách GD Quốc gia 2020 của Ấn Độ: Khát vọng nâng tầm cao mới

GD&TĐ - Ấn Độ mới khởi động Chính sách GD quốc gia (NEP) 2020 thay chính sách cũ ra đời từ năm 1986 và được sửa đổi năm 1992.

Trẻ em Ấn Độ đi học xa.
Trẻ em Ấn Độ đi học xa.

Mất 6 năm chuẩn bị công phu, NEP 2020 thực sự là một nỗ lực dân chủ và mang tính khát vọng cao, nhằm hướng tới mục tiêu “có một hệ thống GD tốt nhất vào năm 2040. Mục tiêu của NEP là mở rộng cơ hội tiếp cận GD cho tất cả mọi HS dù xuất thân từ nền tảng kinh tế xã hội nào”.

Mục tiêu kép

Mục đích của NEP là cải cách hệ thống GD và thu hẹp khoảng cách giữa kết quả học tập hiện tại và kết quả mong muốn. Nhận thức được nhu cầu bắt kịp với thế giới đang thay đổi nhanh chóng và trong bối cảnh tri thức hiện nay, NEP 2020 nêu rõ mục tiêu của hệ thống GD là phát triển những con người tốt có khả năng suy nghĩ và hành động hợp lý, có lòng trắc ẩn và sự đồng cảm, lòng dũng cảm và khả năng phục hồi, có tinh thần khoa học và trí tưởng tượng sáng tạo, kết hợp với các giá trị và quan điểm đạo đức lành mạnh. Tất cả hướng tới mục tiêu tạo ra những công dân gắn bó, làm việc hiệu quả và đóng góp cho việc xây dựng một xã hội công bằng như trong hiến pháp đề ra.

Tính công bằng, chất lượng và mở rộng phạm vi của “GD chất lượng” được chú trọng trong NEP rất đáng hoan nghênh. Chính sách này đề xuất thay đổi các chương trình giảng dạy nặng về nội dung để “tạo không gian cho tư duy phản biện, tổng thể hơn, dựa trên câu hỏi, dựa trên khám phá, dựa trên thảo luận và dựa trên phân tích”. Mang lại tầm quan trọng ngang nhau cho các hoạt động ngoại khóa (nghệ thuật, thể thao, kỹ năng nghề nghiệp), nó yêu cầu chuyển hướng sang GD đa ngành với trọng tâm mới là Kỹ năng của thế kỷ 21. Đây là một luồng gió mới được chào đón vì hệ thống hiện tại chủ yếu là học vẹt và các kỳ thi dựa trên nội dung lý thuyết, tách rời các ứng dụng thực tế trong cuộc sống.

Những cải cách đáng chú ý

Mở rộng GD đầu đời: GD sẽ bắt đầu cho trẻ từ 3 tuổi thay vì 6 tuổi đối với HS lớp 1 để tập trung vào những năm cơ bản của trẻ (3 - 8 tuổi). Trước đây, quyền học tập của trẻ em được áp dụng từ lớp 1 đến lớp 8 (6 - 14 tuổi); NEP nhằm mục tiêu mở rộng quyền này cho trẻ em từ 3 - 18 tuổi. Điều này đặc biệt liên quan đến các trường công lập – nơi dạy phần lớn trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp và so với các gia đình trung lưu, vốn thiếu GD mầm non, khiến khoảng cách giữa các em càng gia tăng.

Tập trung vào công bằng và hòa nhập: Toàn bộ một phần dành cho các nhóm trẻ thiệt thòi về kinh tế - xã hội (SEDG), chủ yếu là trẻ em gái, trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trẻ em từ vùng nông thôn, nạn nhân của nạn buôn người. Ngoài ra, NEP thừa nhận trẻ em khuyết tật chưa nhận được sự quan tâm cần thiết để học tập và phát triển trong trường học, chủ yếu do GV không được đào tạo hoặc trang bị để đáp ứng nhu cầu học tập của các em. 

Cuối cùng, NEP thừa nhận trẻ em trong SEDG thường là những đối tượng không đi học, bỏ học, học được ít. Đồng thời NEP “đề nghị các chính sách và chương trình được thiết kế để đưa HS vào diện SEDG nên đặc biệt nhắm vào trẻ em gái”.

Một khái niệm mở rộng của “chất lượng”: Trong bối cảnh những kết quả yếu kém trong đọc viết và làm toán được báo cáo, NEP mới nhằm mục đích tạo ra một nền tảng vững chắc cho trẻ em trong giai đoạn phát triển ban đầu bằng cách thiết lập Sứ mệnh Quốc gia về đọc viết cơ bản và toán. Trong đó ưu tiên “sự phát triển giao tiếp và ngôn ngữ, đọc viết và làm toán ở giai đoạn đầu”. 

NEP 2020 đầy tham vọng và tiến bộ, tạo cơ hội lớn giúp dân số trẻ của Ấn Độ hình thành nên sức mạnh lớn nhất của đất nước. Tuy nhiên, để đạt được điều này, chính phủ phải hoàn toàn cam kết thực hiện chính sách với ý chí chính trị và sự cấp thiết mà nó xứng đáng được nhận.

Một số vấn đề cần khắc phục

Trường lớp Ấn Độ thiếu cơ sở vật chất.
Trường lớp Ấn Độ thiếu cơ sở vật chất.

Với độ khổng lồ của hệ thống trường học (hơn 1,5 triệu trường học, gần 8,7 triệu GV và 260 triệu HS) cùng với sự đa dạng về khu vực, ngôn ngữ và văn hóa, việc phổ cập GD chất lượng là một thách thức ở Ấn Độ. Tuy nhiên, chính sách mới nói rất ít về vấn đề quản lý trong bối cảnh hệ thống quản lý hệ thống trường công lập lớn vẫn chưa được phát triển và là thách thức lớn nhất của chính phủ. Hệ thống thu thập dữ liệu, giám sát và trách nhiệm giải trình còn yếu và bất cập. Nếu không có sự quản lý mạnh mẽ và hiệu quả của một hệ thống trường công đang hoạt động tốt, những cải cách nêu trên sẽ thất bại.

Hơn nữa, cam kết chính trị nghiêm túc phải được thể hiện, bao gồm phân bổ ngân sách đầy đủ, đào tạo nhân sự, phát triển chương trình giảng dạy và cơ sở hạ tầng được cải thiện. Tương tự như việc xây dựng chính sách, một cách tiếp cận dân chủ cần được tuân thủ trong quá trình thực hiện NEP. Để cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng GD, đặc biệt là trong hệ thống trường phổ thông, chính phủ nên khai thác các giải pháp sáng tạo, bao gồm thông qua việc sử dụng công nghệ do một số tổ chức phi chính phủ phát triển.

Tuy NEP đã tiến bộ trong việc ủng hộ một hệ thống GD hòa nhập, bình đẳng hơn đặc biệt là đối với trẻ em gái, nhưng điều này vẫn chưa đi đủ xa. NEP không đề cập đến nhu cầu thay đổi mang tính hệ thống trong bối cảnh xã hội còn phân biệt đối xử, bạo hành với phụ nữ cũng như nỗ lực xóa bỏ nó. Chương trình đào tạo GV, chương trình giảng dạy nên tập trung vào việc loại bỏ ý thức phân biệt giai cấp, tăng cường phát triển tư tưởng bình đẳng nam nữ, kể cả từ GD mầm non.

GD mang lại lợi ích cho cộng đồng và người dân là một bên liên quan, do đó họ cần được mời đóng góp để hiện thực hóa tầm nhìn của NEP nhằm làm cho hệ thống GD của Ấn Độ trở nên mạnh mẽ, dễ hòa nhập và công bằng.

Theo Brookings

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.