Đến tham dự tọa đàm có ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu QH TP Hà Nội, ông Vũ Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non cùng nhiều đại biểu, chuyên gia giáo dục.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Ngô Thị Minh cho biết, thực hiện nhiệm vụ thẩm tra Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD và Dự án Luật sửa đổi bổ sung của Luật Giáo dục Đại học, Ủy ban Giáo dục Văn hóa Thanh niên, Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tọa đàm với mong muốn các đại biểu bày tỏ quan điểm về những nội dung trong bản dự thảo, những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau để ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện chỉnh sửa bản dự thảo Luật Giáo dục, đặc biệt là những quy định liên quan đến giáo dục mầm non.
Bà Ngô Thị Minh , Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm |
Coi giáo dục mầm non là vấn đề an sinh xã hội
Góp ý cho sửa đổi Luật Giáo dục, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, tham khảo kinh nghiệm của các nước thì nhiều nước không đưa giáo dục mầm non điều chỉnh trong Luật Giáo dục mà điều chỉnh trong lĩnh vực an sinh xã hội, vì giáo dục mầm non chủ yếu là chăm sóc y tế, phát triển thể chất, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, thông qua vui chơi, giải trí để các cháu nhận biết xung quanh.
Chính sách nhà nước tập trung cho tạo điều kiện để người mẹ chăm sóc con trong độ tuổi mầm non đó là tăng thời gian nghỉ đẻ và thực hiện chế độ phụ cấp bằng tiền cho người mẹ khi đẻ và nuôi con. Ở những nơi nhà nước có nhu cầu, nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân thành lập các cơ sở tư thục chăm sóc trẻ ở tuổi mầm non. Chi phí do cha mẹ đảm nhận thông qua học phí.
PGS.TS Trần Thị Tâm Đan khuyến nghị, đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em độ tuổi mầm non là một yêu cầu có ý nghĩa quyết định đến phát triển giáo dục mầm non theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng. Cần có chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngời công lập ở những nơi có nhu cầu cao nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp.
Đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục mầm non công lập, ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình, cha mẹ tổ chức chăm sóc tại gia đình. Cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các tiêu chuẩn thành lập cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phù hợp với từng loại cơ sở giáo dục.
Đối với lao động trực tiếp chăm sóc trẻ ở các cơ sở ngoài công lập phải có bằng hoặc chứng chỉ đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ mầm non và có phẩm chất đạo đức phù hợp.
Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục mầm non có trách nhiệm chỉ đạo, xây dựng chương trình và tổ chức bồi dưỡng cho những lao động chưa qua đào tạo. Nghiêm cấm tuyển dụng người chưa qua đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp chăm sóc trẻ mầm non.
Bà Trần Thị Tâm Đan phát biểu góp ý tại tọa đàm |
Khuyến khích GV có bằng tốt nghiệp cao đẳng giảng dạy ở các cơ sở GD mầm non
Đồng quan điểm giáo dục mầm non giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách, thể chất và trí tuệ của con người, GSTS Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho rằng: “Giáo dục mầm non là tiền học đường. Chăm lo giáo dục mầm non là sự kết hợp giữa gia đình và xã hội. Mầm non có thể hiểu từ lúc người mẹ mang thai đến khi trẻ chào đời đến 6 tuổi vào lớp 1. Mầm non cần được đầu tư chăm lo ngay từ thời kỳ thai giáo, về dinh dưỡng và trí tuệ. Do đó vai trò người mẹ và xã hội hết sức quan trọng đối với việc hình thành thể chất của người công dân tương lai”.
Luật hiện hành quy định giáo dục mầm non từ 3 tuổi đến 6 tuổi. Qui định này chưa hợp lý vì trong thực tế từ lúc thai nghén đến 1 tuổi phần lớn là do gia đình chăm lo, nuôi dưỡng. Do đó, Điều 21 Luật Giáo dục mầm non nên phân chia trẻ em theo nhóm tuổi để có chính sách đầu tư hợp lý. Giáo dục mầm non cần được coi là chiến lược đầu tư phát triển nguồn nhân lực về thể chất và trí tuệ.
Cần quy định GV mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. GV mầm non có bằng tốt nghiệp càng cao càng tốt. Lương của GV mầm non được hưởng theo năng lực và trình độ đào tạo. Khuyến khích GV có bằng tốt nghiệp cao đẳng giảng dạy ở các cơ sở GD mầm non.
Tuổi mầm non cần được chăm sóc đặc biệt
PGS.TS Chu Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), cho rằng tuổi mầm non là tuổi rất đặc biệt, cần được chăm sóc đặc biệt.
Chúng ta chưa có sự ưu tiên đặc biệt trong luật GD mầm non hiện nay và kể cả trong dự thảo luật sửa đổi. Thậm chí có những quy định chung chưa thấy hết đặc thù của của giáo dục mầm non, chưa phù hợp, chưa đáp ứng đúng yêu cầu của giáo dục mầm non.
Tại Điều 10 của Luật xác định bình đẳng về cơ hội học tập và các ưu tiên đối với người nghèo, người có năng khiếu phát triển tài năng, con em dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách khác…trong đó không hề nhắc đến ưu tiên cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, mầm non. Điều 10 sửa đổi nên nhấn mạnh quyền được hưởng thụ giáo dục của trẻ em đồng thời là nghĩa vụ của Nhà nước, trẻ em dưới 6 tuổi phải đương nhiên có đủ quyền và không có bất cứ nghĩa vụ hay bổn phận kèm theo.
Tại Điều 4, cần có chương trình riêng phù hợp với từng lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo. Do giáo dục mầm non mang đậm nét của cộng đồng dân cư nên khoản 2 điều này cần bổ sung vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở trong việc tham gia xây dựng các chương trình giáo dục mầm non phù hợp địa phương.