Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là giải pháp thiết thực nhất để chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.
Trăn trở từ tâm can
Là giáo viên mầm non huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cô Lê Thị Tuyết Hường - Trường Mầm non xã Thanh Nưa chia sẻ, quy định thời gian làm việc của giáo viên mầm non là 8 giờ/ngày. Nhưng thực tế giáo viên thường làm việc ở trường từ 10 - 11 giờ/ngày nên không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình.
“Tuy chế độ tiền lương của giáo viên mầm non đã được quan tâm nhưng còn ở mức thấp. Giáo viên mới ra trường dưới 5 triệu đồng/tháng. Mức lương này chưa tương xứng với thời gian, công sức mà chúng tôi đang làm, cũng như không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cuộc sống”, cô Tuyết Hường trải lòng.
Lương và chính sách nhà giáo là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều trong các phiên chất vấn của Quốc hội khóa XIV, XV. Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Bình) cho hay, giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho thấy, mức lương giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non còn rất thấp trong khi áp lực công việc lớn. Tại cuộc đối thoại của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với nhà giáo, đã có 6 nghìn câu hỏi gửi tới Bộ trưởng, trong đó phần lớn liên quan đến vấn đề này. Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cũng nhấn mạnh, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Từ phân tích trên, đại biểu đoàn Quảng Bình đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Nội vụ, chủ trương của Đảng có được cụ thể trong cải cách tiền lương năm 2024 hay không? Và giải pháp về chính sách cho nhà giáo thế nào? Đây cũng là mối quan tâm của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo đại biểu, qua phản ánh của cử tri, giáo viên THCS và THPT có cơ cấu theo tiết, giờ, còn giáo viên mầm non và tiểu học thì xuyên suốt.
Đặc biệt, với giáo viên mầm non, cường độ làm việc không phải theo cơ chế nặng nhọc nhưng rất vất vả. Tuy nhiên, tiền lương và thu nhập chưa tương xứng công sức, thời gian làm việc của đội ngũ này.
Cần nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên nói chung, giáo viên mầm non vùng khó nói riêng. Ảnh minh họa: ITN |
“Có thực mới vực được đạo”
Viện dẫn thống kê của Bộ GD&ĐT, đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nhắc lại, kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước thiếu 118 nghìn giáo viên, trong khi làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, với gần 9.300 người nghỉ việc trong năm học qua.
Qua giám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội cho thấy, tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng 10% với ngành đặc thù như giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành Giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên đứng lớp. “Khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn. Nhiều thầy cô xin chuyển công tác về xuôi, trong khi việc tuyển khó khăn bởi nhiều người không dự tuyển, thậm chí khi trúng tuyển cũng không nhận công tác”, đại biểu Dương Văn Phước nêu thực trạng.
Từ thực tế trên, đại biểu đoàn Quảng Nam đề nghị Chính phủ sớm có chính sách ưu tiên đãi ngộ, chế độ tiền lương tương xứng với công sức nhà giáo. Trước mắt, là giáo viên ở miền núi, hải đảo, khu vực điều kiện kinh tế khó khăn để các thầy, cô giáo yên tâm công tác, đảm bảo chất lượng dạy học.
Ngoài ra, cần có chủ trương xét tuyển giáo viên ở các cấp học thay cho thi tuyển để kịp thời bổ sung, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay ở khu vực miền núi. “Việc đào tạo sinh viên sư phạm cần đáp ứng yêu cầu dạy và học, tránh tình trạng mất cân bằng giữa các ngành học, vùng. Tinh thần là, ở đâu có trường, lớp, học sinh, thì ở đó phải có giáo viên đứng lớp”, đại biểu Dương Văn Phước nhấn mạnh.
Theo bà Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, công việc của giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng rất đặc thù, đòi hỏi sự tận tụy, tỉ mỉ, thời gian làm việc gò bó. Về lâu dài, để cải thiện đời sống, khắc phục tình trạng giáo viên chuyển việc, bỏ nghề, cần cơ chế chính sách tiền lương và phụ cấp ưu đãi riêng dành cho nhà giáo, bởi “có thực mới vực được đạo”.
“Tôi hoan nghênh đề xuất của Bộ GD&ĐT với 8 mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo, từ 25% đến 100%. Theo đó, nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và 50% lên 70%. Giáo viên mầm non công tác vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%. Hy vọng đề xuất này sớm thành hiện thực”, bà Tăng Thị Ngọc Mai bày tỏ.
Theo các chuyên gia, để thu hút, giữ chân giáo viên cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền lương. Đây là giải pháp thiết thực nhằm chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.
“Nhà giáo là nghề đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên thầy, cô giáo được các thế hệ học trò tôn kính, xã hội tôn vinh”, TS Trịnh Thanh Huyền – Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính) nói và nhấn mạnh, ở bất kỳ xã hội nào, nhà giáo cũng được trân trọng, tin cậy. Hy vọng, các cơ chế, chính sách cải thiện, nâng cao thu nhập cho giáo viên sớm được ban hành, đi vào cuộc sống. Qua đó, giúp thầy, cô giáo gắn bó với nhiệm vụ “trồng người” cao cả.
Trả lời chất vấn của đại biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, thời gian tới, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng bảng lương mới cho nhà giáo. Trên cơ sở Nghị quyết 29, đảm bảo tiền lương cơ bản, cộng với phụ cấp sẽ cao hơn trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp.