Chính phủ họp phiên họp thường kỳ tháng 11

GD&TĐ - Sáng 1/12, Chính phủ họp phiên họp thường kỳ tháng 11/2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

13/13 chỉ tiêu đạt và vượt

Điểm lại các kết quả đạt được trong tháng 11 và 11 tháng của năm 2017, Thủ tướng cho rằng “những con số mà chúng ta ước báo cáo Quốc hội thì qua tình hình tháng 11 khẳng định chúng ta đã nhận định đúng”. Trong quá trình xây dựng báo cáo, các cơ quan chức năng đã xem xét con số một cách khách quan, chính xác, cụ thể.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - cho biết: Tháng 11 có nhiều sự kiện lớn của đất nước. Quốc hội họp kỳ họp thứ 4, có những nghị quyết quan trọng cho năm 2018 và một số nghị quyết khác về giám sát tối cao, thông qua 6 luật.

Phục vụ kỳ họp với tinh thần chủ động, các thành viên Chính phủ đã tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt, đồng thời cũng đưa ra một số vấn đề về bất cập, tồn tại mà cơ quan điều hành cần tiếp tục phấn đấu tốt hơn nữa, triển khai tốt hơn nữa các nghị quyết của Quốc hội.

Trong tháng 11, chúng ta đã chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, từ nội dung đến công tác lễ tân, hậu cần, an ninh…, được nhiều đại biểu từ các nền kinh tế đánh giá cao.

Một vấn đề nữa nổi lên trong tháng 11 là thiên tai, bão lũ lớn diễn ra. “Cơn bão số 12 đã tàn phá nặng nề 9 tỉnh miền Trung, đặc biệt là Khánh Hòa, Phú Yên”, Thủ tướng nói và cho biết, hôm qua (30/11), Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra khắc phục hậu quả tại Khánh Hòa thì thấy mức độ thiệt hại rất lớn.

Thủ tướng nêu một số tồn tại, bất cập và đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý kiến một cách thẳng thắn nhất. Ảnh: VGP
Thủ tướng nêu một số tồn tại, bất cập và đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý kiến một cách thẳng thắn nhất. Ảnh: VGP

Nhìn thẳng vào những hạn chế, bất cập

Tại phiên họp, Thủ tướng nêu một số tồn tại, bất cập để “các thành viên Chính phủ góp ý kiến một cách thẳng thắn nhất”. Đó là thiên tai gây thiệt hại lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành tập trung khắc phục, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tiếp tục triển khai “chứ không phải qua bão là thôi”.

Giải ngân vốn đầu tư còn chậm, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như bạo hành trẻ em, nhất là cấp mẫu giáo; lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo; đầu tư tiền ảo, vấn đề hàng giả, hàng nhái; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; hóa chất nhỏ lẻ độc hại…

“Chúng ta chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm 2017, khối lượng công việc còn rất lớn nên không được chủ quan”, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo để hoàn thành toàn diện mục tiêu đề ra.

Thủ tướng đề nghị phân tích, lý giải rõ mặt tồn tại để có biện pháp khắc phục tốt hơn, nhất là chuẩn bị cho năm 2018, đồng thời lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với từng ngành, từng lĩnh vực để đưa vào Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế-xã hội năm 2018, “không để có tình trạng lấy nghị quyết năm ngoái để làm năm nay”.

Các bộ, ngành liên quan xem xét, chốt lại các vấn đề quan trọng trong điều hành để thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện kế hoạch, nhất là thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương, Quốc hội đề ra.

Thủ tướng cũng đặt vấn đề các ngành, các cấp cần làm gì để tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành? Nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí là gì?...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát biểu về các vấn đề phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để Chính phủ thảo luận, thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện.

Dự thảo Nghị quyết 01 sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương vào cuối tháng này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại Hội nghị, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng ký ban hành và triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%, bình quân tăng 3,61%; lạm phát cơ bản tăng 1,42%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, 11 tháng tăng 9,3% (cùng kỳ 2016 tăng 7,4%).

Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 10,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng qua đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%.

Vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, theo đó, vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52%; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4%. Xuất khẩu đạt hơn 193 tỷ USD, xuất siêu 2,8 tỷ USD.

Sau 11 tháng, có 116.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 41,9%; trên 24 nghìn DN trở lại hoạt động.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được tập trung chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ