Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và các chuyên gia đều nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và năm 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới nên rất khó lường trong việc phòng chống dịch hiện nay. Số ca nhiễm vẫn có thể tăng cao, việc bao phủ vắc xin của chúng ta cũng đang ở mức còn khiêm tốn.
Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy.
Tại Việt Nam, qua 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, công tác phòng chống dịch của chúng ta đã đạt được những hiệu quả nhất định. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vắc xin ở nước ta vẫn còn ở mức khiêm tốn, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức "Zero Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế- xã hội.
Song song áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả ở các thời điểm, nhất là thời điểm hiện nay, là rất đúng thời điểm, để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin.
Đồng thời cũng cần phải phát hiện sớm các ca bệnh, không để sót ca bệnh. Khi phát hiện thì phải tiến hành khoanh vùng và cách ly ở diện hẹp nhất có thể, thậm chí có thể khoanh vùng một vài hộ gia đình...
Cùng với đó, hạn chế khoanh vùng cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Các trường hợp F1 cũng phải cách ly phù hợp, không chỉ cách ly tập trung mà có thể cách ly tại hộ gia đình, tại nơi lưu trú, để ngăn chặn nguồn lây. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm các biện pháp "5K+vắc xin+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân".
Cùng với đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, du lịch, giáo dục và đào tạo, sản xuất các ngành nghề... để từng bước có lộ trình đưa ra các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hoạt hiệu quả phòng chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, vì vậy, thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.
Nghị quyết 128 ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình
GS. Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch hội Huyết học và Truyền máu Việt Nam cho biết, cho biết, Nghị quyết 128 ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; hướng dẫn cách thức bảo đảm tích ứng an toàn, linh hoạt để phòng chống dịch hiệu quả.
Đáng chú ý, Nghị quyết này thay thế cho các Chỉ thị trước đó là 15,16, 19. Đây là một dấu mốc cho việc cả nước chúng ta chuyển qua giai đoạn bình thường mới, từ nay cơ bản là coi như vùng xanh, đang an toàn, thay cho việc nhiều vùng đỏ trước kia, không còn phù hợp.
Tất nhiên, thực tế, chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới (F0), vẫn có những điểm đỏ, vùng đỏ nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan…
Gần đây, Thanh Hoá, Phú Thọ vẫn xuất hiện ca mắc nhưng không chủ quan nhưng không hoảng sợ, lo lắng quá mức.
Nghị quyết xây dựng dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất, số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần; thứ hai, số người đã tiêm; thứ ba là khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc.
Tuy nhiên khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 cần phải thống nhất trong cả nước. Các địa phương không tự ý quy định xét nghiệm chỗ 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ mà phải thống nhất mới giải quyết được mọi việc.