Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia

Chính phủ ban hành Nghị định về Đại học Quốc gia
Trường ĐHQG Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội

(GD&TĐ) - Chính phủ vừa chính thức ban hành Nghị định về đại học quốc gia (ĐHQG), áp dụng đối với ĐHQG Hà Nội, ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý và hoạt động của ĐHQG.

Theo Nghị định này, ĐHQG chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT về GD&ĐT; của Bộ Khoa học và Công nghệ về khoa học và công nghệ; của các bộ, ngành khác và UBND cấp tỉnh nơi ĐHQG đặt trụ sở trong lĩnh vực được phân công theo quy định của Chính phủ và phù họp với pháp luật.

Quyền tự chủ cao

Nghị định nêu rõ: ĐHQG được quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy theo Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở giáo đục ĐH thành viên và có cơ chế tài chính đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Được thí điểm mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, ngoài danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo đã được quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và thực hiện trên cơ sở có đủ các điều kiện theo quy định; báo cáo Bộ GD&ĐT theo dõi, kiểm tra.

Được phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ tổ chức tại ĐHQG theo quy định của pháp luật.

Được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi cần thiết, Giám đốc ĐHQG báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của ĐHQG.

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Giám đốc ĐHQG

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường ĐH thành viên, viện nghiên cứu khoa học thành viên của ĐHQG; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng ĐHQG, bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc ĐHQG. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Phân hiệu (nếu có) của ĐHQG.

Hội đồng ĐHQG có những nhiệm vụ và quyền hạn: Phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ĐHQG; Quyết nghị về phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học của ĐHQG; Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng phát triển của ĐHQG;

Quyết nghị về việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức và thông qua đề án thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức của ĐHQG theo quy định của Luật giáo dục đại học, Luật khoa học và công nghệ; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng ĐHQG, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của ĐHQG.

Thành viên Hội đồng ĐHQG gồm: Thành viên Hội đồng ĐHQG gồm: Giám đốc, các Phó Giám đốc; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của ĐHQG; Hiệu trưởng các trường đại học thành viên; Viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học thành viên; Đại diện cơ quan quản lý nhà nước; một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh. Nhiệm kỳ của Hội đồng ĐHQG là 5 năm.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014 và thay thế Nghị định số 07/2001/NĐ-CP ngày 1/2/2001 của Chính phủ về ĐHQG.

Hiếu Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ