Chính phủ ban hành giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường

Chính phủ ban hành giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường

(GD&TĐ)-Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn,  đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư...là những chính sách vừa được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Với những chính sách trên, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp sẽ được cải thiện
Với những chính sách trên, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp sẽ được cải thiện (ảnh MH)

Về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng: Chính phủ cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2012 đối với 2 nhóm doanh nghiệp sau đây đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ:

1- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

2- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:Chính phủ gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước (không bao gồm số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn theo Quyết định số 04/2012/QĐ-TTg ngày 19/1/2012 về việc gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý I, quý II năm 2011 của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động) của doanh nghiệp quy định tại nhóm 1 và nhóm 2 nêu trên và của doanh nghiệp sản xuất sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, vận tải đường thủy (bao gồm cả vận tải thủy nội địa và vận tải biển), sản xuất thép, xi măng.

Bên cạnh đó, miễn thuế môn bài năm 2012 đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.

Về việc giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế: Chính phủ quyết nghị giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 theo quy định tại Quyết định số 2093/QĐ-TTg ngày 23/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định tại Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Bên cạnh đó, gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án sau khi báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp.

Bên cạnh việc miễn giảm một số loại thuế, Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ (thời hạn trả nợ, lãi suất, cho vay mới trả nợ cũ,...) và các giải pháp khác cần thiết, phù hợp với từng loại hình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay được vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đối với những doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính.

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, cần đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm hiệu quả trong tái cấu trúc ngân hàng thương mại, kiên quyết xử lý các ngân hàng yếu kém, hoạt động kém hiệu quả bằng các biện pháp phù hợp nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật, ổn định hệ thống và quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân tiền gửi và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Ngoài các giải pháp trên, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình trong phạm vi quản lý, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả và theo đúng quy định.

Thực hiện các biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...

Thực hiện các biện pháp để huy động 2.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề ở nông thôn.

Cho phép mua sắm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đối với khoản kinh phí năm 2011 đã được bố trí nguồn nhưng chưa sử dụng vì thực hiện theo quy định của Nghị quyết 11/NQ-CP và đã được chuyển sang năm 2012.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ theo hướng chủ động tích cực, bảo đảm hiệu quả.

Để thực hiện Nghị quyết trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện Nghị quyết theo quy định.

Hải Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vườn thực nghiệm sâm cau tại huyện Củ Chi (TPHCM) của nhóm nghiên cứu.

Nuôi cấy sâm cau bằng công nghệ mô

GD&TĐ - Các nhà khoa học Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã nuôi cấy thành công giống sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô.
Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.