Chiêu thức cựu Chủ tịch Louis Holdings 'vỗ béo 2 cổ phiếu rác'

GD&TĐ - Cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân cho mở nhiều tài khoản ở các công ty chứng khoán để mua bán chéo nhằm 'vỗ béo' cho 2 mã cổ phiếu.

Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

TAND TP Hà Nội đang mở lại phiên xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân về tội "Thao túng thị trường chứng khoán".

“Vỗ béo” 2 mã cổ phiếu “rác”

Bị đưa ra xét xử về cùng tội danh còn có các bị cáo: Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt (TVB) Phạm Thanh Tùng; Đỗ Đức Nam (Tổng Giám đốc TVB); Lê Thị Thu Hương (Phó Tổng Giám đốc TVB); Vũ Ngọc Long, Ngô Thục Vũ, Trịnh Thị Thúy Linh, đều là lãnh đạo cấp cao của Louis Holdings và Lê Thị Thùy Liên (36 tuổi, trú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM).

Công ty Cổ phần Louis Holding hoạt động kinh doanh chính là xuất nhập khẩu gạo.

Từ 2020 đến cuối 2021, công ty này mua cổ phần sở hữu, chi phối thêm nhiều công ty, trong đó 6 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán để tạo nhóm “hệ sinh thái” Louis Holdings.

Cuối năm 2020, Nhân gặp ông Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty công nghiệp Bảo Thư, mã chứng khoán BII). Do thời điểm này, Công ty Bảo Thư đang hoạt động yếu kém, nguy cơ bị hủy niêm yết nên Nhân cùng người thân, nhân viên đã mua 9 triệu cổ phiếu BII.

Tháng 1/2021, dưới sự tư vấn của Đỗ Đức Nam, Nhân tiếp tục mua bán, thâu tóm cổ phiếu “rác” mã TGG (Công ty cổ phần Trường Giang) trên sàn với khoảng giá 1.800 đồng/cổ phiếu. Nhân sau đó dùng các tài khoản mua bán, tăng tính thanh khoản để “làm giá” 2 mã cổ phiếu trên.

Nhân và Nam đã thống nhất mở, sử dụng các tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, người thân của Nhân để mua bán, thâu tóm cổ phiếu và giao dịch mua bán, khớp lệnh. Việc làm này để tăng tính thanh khoản, đẩy giá cổ phiếu mã BII và TGG tăng cao phục vụ mục đích thu lợi bất chính.

Theo phân chia, Nam sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo nhân viên thuộc Công ty Chứng khoán Trí Việt thao tác khớp lệnh mua, bán nội bộ, mua bán chéo, khớp lệnh tạo giá đóng cửa ATC, mua bán thỏa thuận... với mã chứng khoán BII và TGG cho nhóm tài khoản của Nhân.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Nam đã chỉ đạo Lê Thị Thu Hương và Lê Thị Thùy Liên liên tục đặt lệnh, khớp lệnh mua, bán nội bộ, mua bán chéo, khớp lệnh tạo giá đóng cửa ATC... với cổ phiếu TGG và BII.

Nguồn tiền để thực hiện mua bán, khớp lệnh chủ yếu được Nhân vay của Công ty TVB.

Hàng ngày, khi phát sinh giao dịch khớp lệnh, Nam thông báo và chốt với Nhân danh sách, số lượng tiền vào từng tài khoản.

Tiếp đó, Nhân chỉ đạo bị can Trịnh Thị Thúy Linh thực hiện nhận tiền, chuyển tiền, rút, nộp tiền vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau.

Trong khi đó, Nhân có nhiệm vụ chỉ đạo người thân đứng tên trong nhóm thực hiện nhận tiền, chuyển tiền, nộp rút tiền vào các tài khoản chứng khoán để thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu BII, TGG.

Sau khi bàn và thống nhất về cách thức thao túng, Nhân đăng ký mở 2 tài khoản tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Beta và Công ty Chứng khoán Trí Việt. Cùng lúc, người thân, bạn bè của bị can này đã đăng ký 18 tài khoản mở tại Công ty TVB và các công ty khác. Các tài khoản này sau khi mở xong đều chuyển về cho Nhân và Nam sử dụng.

Nhân còn lập nhóm trên mạng xã hội có tên “Louis Family” với hơn 10.000 người tham gia rồi hô hào đưa ra các mục tiêu giá các cổ phiếu mà bị can này đang nắm giữ.

Thời điểm đó, giá cổ phiếu BII liên tục có các phiên tăng trần với khối lượng khớp lệnh lớn, thanh khoản cao.

Ngay khi cổ phiếu lập đỉnh, nhóm này tiến hành chốt lời. Tương tự, từ tháng 2 - 6/2021, nhóm này mua rồi sử dụng chiêu trò cũ để đẩy giá cổ phiếu TGG từ vùng giá 1.800 đồng/cổ phiếu lên 74.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/9/2021.

Đến 6/10/2021, các bị cáo kết thúc toàn bộ hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu mã BII, TGG và bán các cổ phiếu này thu lợi bất chính được tổng số tiền hơn 154 tỉ đồng.

Cựu Chủ tịch Louis Holdings khai “mù” chứng khoán

Tại phiên xét xử, Nhân phủ nhận cáo buộc là người khởi xướng, chủ mưu vụ án. Bị cáo này mong muốn được HĐXX đánh giá lại vai trò của mình trong vụ án.

Nhân khai nhận đã trả lãi cho Công ty Quản lý tài sản Trí Việt hơn 14 tỉ đồng. Ngoài ra, Nhân cũng khai phải chi tiền % lãi ngoài cho Nam khoảng hơn 3 tỉ đồng (khoảng 4%/khoản vay).

Đối với các cá nhân đứng tên tài khoản, Nhân cho biết họ không được hưởng lợi gì và chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Nhân cũng thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên, người nhà mở loạt tài khoản chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Trí Việt, vì mỗi tài khoản có hạn mức nhất định. Sau đó, bị cáo giao lại các tài khoản này cho TVB.

Nhân khai Nam là người quyết định mua bán chứng khoán, còn bị cáo lo tiền.

Nam phủ nhận cá nhân mình và Công ty TVB tham gia mua bán, quản lý các tài khoản chứng khoán do Nhân chuyển tới.

Trước câu hỏi của chủ tọa rằng các giao dịch chéo mua bán cổ phiếu, bị cáo thấy làm như thế đúng không? Nam thừa nhận hành vi trên là sai nhưng không nói rõ vì sao biết sai mà vẫn giúp sức cho nhóm của Nhân.

Nam khai tiếp, bản thân bị cáo không có thẩm quyền cho nhóm của Nhân vay 748 tỉ đồng mà thẩm quyền này thuộc về Hội đồng thẩm định rủi ro của Công ty TVB (trong đó, Nam và Phạm Thanh Tùng là thành viên).

Khi có thông tin cơ quan chức năng sẽ kiểm tra công ty và các khoản cho vay, Nam cho biết, chính Tùng đã chỉ đạo tiêu hủy các tài liệu, ổ cứng liên quan đến Louis Holdings.

Cuối phần khai báo, Nam phủ nhận cáo buộc hưởng lợi khi giúp sức cho nhóm Nhân. Bị cáo trình bày, số tiền 3 tỉ đồng Nhân chi cho nhóm của Nam là tiền “cảm ơn”, chứ không phải trích phần trăm “hoa hồng”.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch TVB Phạm Thanh Tùng mong được tòa xem xét lại hành vi phạm tội.

Bị cáo này cho rằng bản thân không biết gì về nhóm khách hàng Đỗ Thành Nhân và 2 mã cổ phiếu BII, TGG mà chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết.

Tùng cũng phủ nhận đã chỉ đạo tiêu hủy ổ cứng cũng như xóa tin nhắn khi có thông tin cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hoạt động của công ty.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ