Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chính sách học bổng cần minh bạch và thực chất.
Hấp dẫn từ chính sách
Là một trong những sinh viên được nhận học bổng tài năng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đỗ Hải Vân - lớp K67CNTPA Công nghệ thực phẩm chia sẻ: “Học bổng giúp em được miễn học phí toàn phần trong 4 năm học. Đây là món quà vô giá, tiếp thêm động lực để em phấn đấu trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoàn thành giấc mơ đại học với ngành nghề yêu thích. Hải Vân mong muốn, trường đại học có thêm nhiều chính sách học bổng dành cho sinh viên, tạo điều kiện cho các bạn thuộc diện yếu thế được tiếp cận với chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng mục tiêu công bằng trong giáo dục và đào tạo.
Mùa tuyển sinh năm 2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nhiều chương trình học bổng dành cho tân sinh viên K70. Theo đó, học viện dành 20 suất học bổng “Sinh viên tài năng” toàn phần miễn 100% học phí, học bổng “Tôi yêu quê hương” cho sinh viên trúng tuyển vào học viện năm học 2025 - 2026.
Đặc biệt, năm học 2025 - 2026, học viện dành 3 suất học bổng du học nước ngoài dự kiến tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Tây Nam - Trung Quốc. Đạt học bổng này, sinh viên sẽ được miễn học phí học tập; tham gia khóa đào tạo tiếng Trung dự bị đại học tại Trung Quốc; nâng cao trình độ tiếng Trung và tiếng Anh; thực tập và làm việc tại các phòng thí nghiệm của trường du học.
Từ năm học 2025 - 2026, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội triển khai chương trình học bổng kiến tạo dành cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản - lĩnh vực then chốt góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ mang tầm chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới.
GS.TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học bổng kiến tạo được đánh giá dựa trên kết quả học tập cấp THPT của thí sinh dự tuyển và điểm GPA của sinh viên đang theo học với giá trị học bổng cao nhất lên tới 100% học phí toàn khóa học. Học bổng được xét cấp theo từng năm học nhằm tạo động lực lâu dài, khuyến khích sinh viên nỗ lực không ngừng trong quá trình học tập, nghiên cứu tại trường.
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tin rằng, sự cộng hưởng giữa chính sách học bổng của nhà trường và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước sẽ thu hút các sinh viên tài năng có niềm đam mê khoa học công nghệ, đóng góp quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, trong năm học 2025 - 2026, USTH tiếp tục triển khai nhiều chính sách học bổng dành cho tân sinh viên, trong đó có học bổng tài năng với các thí sinh đạt giải quốc gia, quốc tế; học bổng khuyến khích học tập với thí sinh có kết quả học tập THPT xuất sắc và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Theo thông báo của Đại học Phenikaa (Hà Nội), quỹ học bổng dành cho tân sinh viên trên 50 tỷ đồng. Chính sách học bổng được áp dụng với thí sinh nhập học bằng tất cả phương thức xét tuyển và nộp đầy đủ hồ sơ về trường theo đúng quy định.
Học bổng còn dành cho sinh viên hoàn thành khóa học theo quy định của trường và áp dụng với giải học sinh giỏi, học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, và yêu cầu thời gian đạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển. Đối với người học đạt giải văn nghệ, thể thao yêu cầu thời gian đạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển cũng được áp dụng chính sách học bổng của trường.

Thực hiện theo cam kết
Hoan nghênh các cơ sở giáo dục đại học đã kịp thời có chính sách học bổng dành cho sinh viên, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận, cùng với chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập trên cả nước, các ưu đãi về học bổng nêu trên đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Đó là chính sách nhân văn, thể hiện sự ưu việt của chế độ và hợp lòng dân.
Từ thực tiễn, TS Lê Viết Khuyến nhận thấy, nhờ chính sách ưu đãi, học bổng đã giúp nhiều sinh viên thực hiện ước mơ học đại học, nhất là các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, con em hộ nghèo, yếu thế… Song, các trường cần giữ lời hứa và thực hiện đúng cam kết. Không nên lợi dụng chính sách ưu đãi, học bổng để quảng bá quá đà, “nói một đằng, làm một nẻo”.
Việc các trường “tung” chính sách học bổng, ưu đãi về học phí cho thấy chủ trương về tự chủ đại học đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận. Với cơ chế tự chủ, cơ sở đào tạo được quyền quyết định các chính sách ưu đãi về học bổng, học phí. “Tôi mong các trường giữ đúng lời hứa, thực hiện đúng cam kết với người học và xã hội”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khuyến cáo, thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của cơ sở đào tạo; trong đó có các chính sách, chế độ ưu đãi và điều kiện đi kèm của trường. Việc này cần thiết nhằm tránh vướng mắc sau này, dẫn đến khiếu nại không đáng có.
“Nên coi những chính sách ưu đãi của cơ sở đào tạo là “điểm +” cho sự lựa chọn ngành, trường học của mình. Các em nên chọn theo sở thích, đam mê, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của gia đình”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ khuyến nghị.
Theo TS Lê Viết Khuyến, lựa chọn ngành học là việc làm quan trọng, liên quan đến nghề nghiệp tương lai. Vì thế, ngoài các yếu tố như: Sở thích, năng lực, các em cần nghiên cứu về nhu cầu việc làm sau khi ra trường để có lựa chọn hợp lý. Với thí sinh, nên coi chính sách ưu đãi, học bổng là một trong những tiêu chí để lựa chọn đăng ký xét tuyển vào trường.