Bảo kê bảo hiểm gian lận
Cuối cùng, sự sụp đổ của doanh nhân này đã đến khi anh ta bị buộc tội đánh chìm một con tàu và giết chết sáu người. Thảm kịch sau cùng đã dẫn đến phiên tòa và kết cục bi thảm khi Proksch chết trong nhà tù tại Karlau, Graz, vào năm 2001.
Sau khi học tại Học viện Nghệ thuật Ứng dụng ở Vienna (Áo), Proksch làm việc như một nhà thiết kế và Giám đốc nghệ thuật từng đoạt giải thưởng cho Công ty Wilhelm Anger. Dưới biệt danh Serge Kirchhofer, Proksch đã thiết kế mẫu kính mà ngày nay đã trở nên nổi tiếng với tên gọi Carrera. Có tới 13 triệu chiếc kính này đã được bán ra trên thị trường.
Udo Proksch là chủ sở hữu của hãng chocolate Demel nổi tiếng của Vienna, một người nổi tiếng và là một nhà tài trợ chính cho đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền. Doanh nhân này có hai “ý tưởng” vô lý và gây tranh cãi, trong đó có việc thành lập một hội gồm những thành viên đồng ý được chôn cất theo chiều dọc khi họ qua đời. Người chết sẽ được thu nhỏ - bọc trong nhựa và sau đó chôn theo chiều dọc để tiết kiệm không gian cho các nghĩa trang đã quá tải và thúc đẩy ngành công nghiệp nhựa. Những người ủng hộ bao gồm vợ của Proksch, nữ diễn viên Erika Pluhar và chính trị gia Helmut Zilk, sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thị trưởng Vienna.
Proksch thường nói về quyền lực, mà ông ta tin rằng quan trọng hơn tiền bạc. Với Proksch, quyền lực là công cụ thiết yếu nhất. Ngoài ra, doanh nhân này còn có cảm hứng đặc biệt với súng đạn. Tình bạn thân thiết với Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Karl
Lütgendorf đã cho phép Proksch tiếp cận một căn cứ quân sự của Áo ở Tyrol, nơi Proksch tổ chức các cuộc tập trận kiểm soát chất nổ và có thể thực hiện giấc mơ của mình. Doanh nhân kỳ quặc này thường rao giảng: “Chiến tranh là cha đẻ của mọi thứ”, có lẽ triết lý này cũng lý giải phần nào cho sự chọn lựa hành vi phạm tội của Proksh sau này.
Năm 1977, do eo hẹp về tiền bạc, Proksch đã thuê một tàu vận tải nhỏ để đưa một số thiết bị nhà máy nguyên tử đắt tiền sang Hồng Kông. Nhưng thực tế, số hàng hóa vốn chỉ là một đống kim loại phế liệu cũ và một quả bom hẹn giờ lớn. Quả bom phát nổ đã đánh chìm con tàu ở giữa Ấn Độ Dương, giết chết thành viên đoàn thủy thủ.
Kế hoạch của Proksch là thu một khoản thanh toán 20 triệu đô la, nhưng công ty bảo hiểm nghi ngờ đã từ chối thanh toán. Thay vào đó, họ đã thuê thám tử và nhiều chuyên gia ưu tú khác, để cuối cùng đã tìm thấy xác con tàu và phanh phui sự thật. Proksch đã chạy trốn trong nhiều năm, nhưng sớm bị phát hiện ở Philippines và bị bắt khi đang cố gắng trở về Áo.
Đến thời điểm này, các nhà điều tra phát hiện Proksch có mối quan hệ khăng khít với nhiều thành viên chính phủ và nhiều bộ trưởng cao cấp có liên quan tới hoạt động tội phạm này. Chẳng hạn như để cứu Proksch khỏi “vận hạn”, Bộ trưởng Ngoại giao Áo khẳng định đã chứng kiến các thiết bị hạt nhân được chất lên con tàu, trong khi đây hoàn toàn là sự gian trá.
Bộ trưởng Nội vụ nước này cũng đã ra lệnh cho cảnh sát ngừng tất cả các cuộc điều tra có liên quan tới Proksch, sau đó đã phải từ chức trong sự hổ thẹn sau khi lệnh này bị rò rỉ. Và tai tiếng nhất là đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Áo đã yêu cầu quân đội cung cấp chất nổ được sử dụng trong quả bom của Proksch. Khi vụ bê bối nổ ra, vị chính khách này đã tự vẫn bằng súng.
Nhiều người cho rằng, trong cả quá trình thực hiện các mánh khóe không ai thực sự biết Proksch thực sự là ai. Tuy nhiên, nó tạo nên một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn với một bộ phim về cuộc đời gây tranh cãi của Proksch tại các rạp chiếu phim của Áo vào giữa năm 2010. (Còn tiếp)