Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không-biểu tượng của sức mạnh ý chí

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 là biểu tượng của sức mạnh ý chí, lòng quyết tâm và trí tuệ của dân tộc Việt Nam.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.
Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Ngày 1/12/2022, Trường Đại học Tài chính-Marketing tổ chức Hội thảo khoa học “Từ chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” đến Hiệp định Paris-Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại”.

Hội thảo nhằm thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, đồng thời công bố những kết quả nghiên cứu mới về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12 ngày đêm cuối năm 1972) và Hiệp định Paris (tháng 1 năm 1973).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hồ Thủy Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường đã ôn lại giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và phát động hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022).

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, trên cơ sở kế thừa những kết quả nghiên cứu của những nhà khoa học đi trước, những tham luận của các nhà khoa học gửi đến tham gia hội thảo đã góp phần phân tích và đi đến khẳng định những giá trị, tầm vóc và ý nghĩa của Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đối với kết quả của Hiệp định Paris nói riêng và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung. Đồng thời qua đó nêu lên được những bài học có giá trị cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” được coi là đỉnh cao trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc Việt Nam bởi tính chất quyết liệt, đóng vai trò quyết định cho sự ngã ngũ của cuộc chiến. Kết quả của Chiến dịch đã buộc Mĩ phải ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam sau gần 20 năm xâm lược, kết thúc hoàn toàn cuộc chiến tiêu biểu nhất trong lịch sử gần 200 năm của Hoa Kỳ. Qua đó đặt dấu chấm hết cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào ngày 30/4/1975.

Tại hội thảo, chủ tịch đoàn đã mời một số nhà khoa học chia sẻ, phân tích, đánh giá về giá trị, tầm vóc của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và Hiệp định Paris: Điện Biên Phủ trên không năm 1972 - khát vọng độc lập, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam; Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và một số bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; Bài học “Thấy trước, bảo vệ trước” trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và sự vận dụng trong tình hình mới ...

Ngoài ra, cũng tại hội thảo, nhiều nhà khoa học cũng trao đổi, thảo luận thêm về bối cảnh lịch sử, các nhân tố tác động đến thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cũng như Hội nghị Paris và Hiệp định Paris.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo.

Được biết, để chuẩn bị cho hội thảo, Ban tổ chức đã tiến hành gửi thư mời đến các nhà khoa học ở các học viện, trường đại học khu vực phía Nam và đã nhận được tham luận từ 10 đơn vị tham gia. Sau quá trình tổ chức thẩm định nội dung, trao đổi với các tác giả, ban biên tập đã tuyển chọn được 25 tham luận tiêu biểu, có chất lượng phù hợp với chủ đề của hội thảo và sắp xếp theo hai chủ đề chính: Thứ nhất, Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” - Hiệp định Paris: biểu tượng của khát vọng độc lập và ý chí tự cường. Thứ hai, Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”- Hiệp định Paris: bài học kinh nghiệm và giá trị thời đại.

Tổng kết hội thảo, TS. Lê Trung Đạo-Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 là biểu tượng của sức mạnh ý chí, lòng quyết tâm và trí tuệ của dân tộc Việt Nam, một chiến thắng làm chấn động lương tri nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới trong thế kỷ XX và âm vang đến tận ngày nay.

Đến nay, Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tuy đã được giới nghiên cứu tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau nhưng vẫn tiếp tục là đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ của một hội thảo khoa học, chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề chưa thể trình bày hết. Những nội dung nghiên cứu của hội thảo là một vấn đề mở, sẽ tiếp tục được phát triển trong các hội thảo, các diễn đàn khoa học khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.