Dòng người chạy trốn
Họ rời ngôi làng trong hoảng loạn, đứa lớn bế đứa nhỏ, lếch thếch đi bộ suốt 7 giờ để trốn chạy khỏi nơi nguy hiểm. Những đứa trẻ nhỏ nhất run rẩy, hai má ửng hồng vì lạnh. May mắn thay, một chiếc xe dừng lại để họ đi nhờ. Cả gia đình vội leo lên xe với những chiếc túi chỉ chứa một bộ quần áo mà họ đã vội vã mang đi trong đêm.
Trong hai tháng qua, sau chiến dịch không kích dai dẳng và một cuộc tấn công nhanh chóng của chính quyền Syria và những người ủng hộ Nga, hơn 832.000 người đã chạy trốn khỏi vùng đất cuối cùng do phe đối lập nắm giữ ở Syria. Hàng chục nghìn người vẫn đang di chuyển. Gần 700.000 phụ nữ và trẻ em đã phải rời khỏi nơi cư trú.
Chiếc xe đưa Samar và sáu đứa trẻ đến nhà của chị dâu của bà tại một ngôi làng gần thị trấn Atarib. Nó không xa nơi họ ở là mấy, nhưng họ đành chấp nhận nơi trú ẩn mới này, vì chưa thể tìm được phương tiện giao thông nào có thể đưa họ đi xa hơn, còn đi bộ thì thật vô vọng.
Cách đó vài ngôi nhà, những đứa trẻ của Umm Abdo trong những chiếc áo khoác mùa đông đứng chờ mẹ chất chăn và nệm lên chiếc xe tải. Họ đang chuẩn bị rời đi vì các cuộc không kích đang đến quá gần… Người mẹ bước vào phòng ngủ lần cuối và lấy đồ chơi của bọn trẻ ra khỏi tủ.
Bé út là Betoule, mới hai tuổi, nắm lấy một con gà vàng. Bé Dima tám tuổi lấy món đồ yêu thích của mình - một chú gấu bông màu hồng tên là Hamze. Con gấu bông màu hồng của Dima không được mang theo, vì họ chỉ có thể mang theo những thứ cần thiết nhất.
Họ đã kịp có những ký ức mới và cảm giác ổn định trong 2 năm ở đây, sau khi rời khỏi ngôi nhà cũ của mình. Bọn trẻ đi học và họ có bạn bè. Giờ đây, tất cả lại xáo trộn và đối mặt với tương lai ảm đạm.
Cuộc chiến dai dẳng
Mặc dù phe đối lập đang tan rã, nhưng cuộc sống người dân Syria vẫn không ổn định hơn, khi cuộc chiến giữa chính quyền Syria và quân đối lập với hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn dai dẳng. Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sự hiện diện quân sự, gửi hàng trăm xe bọc thép và xe tăng trong nỗ lực ngăn chặn bước tiến của chính phủ.
Mười ba binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và một nhà thầu dân sự đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của chính phủ Syria trong hai tuần qua. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng những loạt pháo kích và cảnh báo rằng sẽ còn đáp trả gay gắt hơn nếu binh lính của mình lại bị bắn.
Các quan chức ở Ankara nói rằng, họ sẽ không còn dung túng cho máy bay nhắm vào dân thường ở Idlib, nhưng không rõ Thổ Nhĩ Kỳ có thể chấm dứt các cuộc không kích như thế nào, khi mà chính quyền Syria và Nga đang kiểm soát không phận.
Suốt 9 năm qua, chính phủ Syria chiến đấu với những kẻ khủng bố. Ở Idlib, Hayat Tahrir Al Sham (HTS), được coi là “hậu thế” của Jabhat al-Nusra liên kết với al-Qaeda, đã trở thành lực lượng thống trị. Nhưng sự năng động đó đang thay đổi khi dấu chân quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực gia tăng.
Biết đi đâu về đâu?
Umm Abdo cùng hàng nghìn người khác trên những con đường kẹt cứng ở Idlib. Tất cả đều không chắc họ sẽ đi đâu, đến lúc nào họ có thể có một giấc ngủ bình an. Người dân kẹt giữa cuộc chiến và khó có thể đến vùng an toàn do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát bên ở Syria.
Mặc dù biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa để viện trợ vào Syria, nhưng lại không cho phép người Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc tấn công của chính quyền Syria ở Idlib có thể đẩy gần 3 triệu người qua biên giới vào Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước vốn đã tiếp đón gần 4 triệu người tị nạn Syria.
Con đường hai làn dẫn đến khu trại bán kiên cố dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tắc nghẽn bởi dòng người tuyệt vọng chen chúc trong những chiếc xe hơi và xe tải. Thỉnh thoảng, tiếng pháo xuyên qua tiếng còi của những chiếc xe. Sau 9 năm chiến trận, hơn một triệu người đã sống trong các khu trại ngày càng mở rộng.
Các lực lượng chính phủ Syria đã chiếm được hầu hết đường cao tốc M5 chạy qua khu vực do phe đối lập nắm giữ. Trước đó, nơi đây được gọi là khu vực “xuống thang”, nhưng bây giờ các trường học và nhà thờ Hồi giáo đã được chuyển đổi thành nơi trú ẩn và các gia đình nhồi nhét vào những ngôi lều khi họ có thêm người thân đến.
Người dân Syria vẫn tiếp tục dồn ứ trong những căn lều lạnh cóng, trên những con đường tắc nghẽn ở vùng đất đối lập cuối cùng của Syria, trước một tương lai mờ mịt chưa lối thoát.