Tiếp cận nhiều nguồn vắc-xin
Tối ngày 16/6, tại sân bay Quốc tế Nội Bài đã diễn ra lễ tiếp nhận lô vắc-xin phòng Covid-19 gần 1 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản. Vắc-xin này có tên VAXZEVRIA Intramuscular Injection (Covid-19 Vaccine AstraZeneca Injection). Đây là dung dịch tiêm bắp, 1 lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml.
“Việt Nam cam kết sử dụng lô vắc-xin này hiệu quả và nhanh nhất”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo ngành y tế, sáng 17/6, lô vắc-xin này được chuyển vào TPHCM để tiêm cho người dân và công nhân. Qua đó, phục vụ nhu cầu phòng chống dịch tại đây. Bộ trưởng Long cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được Nhật Bản viện trợ vắc-xin phòng Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đàm phán với Cuba về vấn đề cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 Abdala do nước này sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất, cũng như đóng ống vắc-xin tại Việt Nam. Cuba cho biết có thể một năm, nước này có thể sản xuất khoảng 100 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 Abdala. Trong đó, Cuba sử dụng khoảng 30 triệu liều cho thị trường trong nước.
Tiêm với tốc độ nhanh
Vắc-xin Việt Nam (VNVC) đã nhận từ AstraZeneca.
Chiều 16/6, Bộ Y tế đã làm việc và thống nhất phân bổ lô hàng 288.100 liều vắc-xin VNVC đã nhận được từ AstraZeneca. Theo đó, lượng vắc-xin này sẽ ưu tiên cho các tỉnh đang có dịch Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế dẫn chứng: “Theo báo cáo của ngành y tế, tỷ lệ người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng chiếm 60% trong các đợt dịch trước. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, có 80% người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng”.
Cũng theo PGS Nga, những người hồi phục khỏi Covid-19 hầu hết đã có miễn dịch, nhưng chỉ với biến thể họ nhiễm. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tiêm phòng vắc-xin Covid-19 để được bảo vệ khỏi các biến thể khác của virus.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, thuộc Đại học Sydney (Australia) nhận định, điều quan trọng là trong tương lai, Việt Nam có đạt miễn cộng đồng không và duy trì được tình trạng đó trong bao lâu.
Lý giải về điều này, chuyên gia dẫn chứng, nếu xung quanh có 100 người, nhưng chỉ 1 người được tiêm vắc-xin, 99 người còn lại vẫn sẽ bị nhiễm virus.
“Khi đó, virus sẽ sinh sôi, biến chủng. Rất có thể chủng đó dễ lây hơn và có độc lực mạnh hơn. Kháng thể sinh ra khi tiêm vắc-xin có thể không còn đặc hiệu. Hay, nói cách khác là không có tác dụng với biến chủng mới”, TS Thu Anh giải thích. Đó là lý do người dù đã tiêm vắc-xin vẫn có thể nhiễm bệnh.
Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, cần tiêm vắc-xin cho nhiều người với tốc độ nhanh. Như vậy, virus sẽ chưa kịp biến chủng. Tuy nhiên, dù 80/100 người được tiêm, có thể vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là tình trạng xảy ra trong trường hợp hiệu quả của vắc-xin không cao.
“Ví dụ, vắc-xin chỉ bảo vệ được 40/80 người, 60 người còn lại cũng đủ để virus phát tán, biến chủng”, TS Thu Anh cảnh báo.
Chọn vắc-xin hiệu quả
Vì vậy, yếu tố “then chốt” là cần lựa chọn vắc-xin có hiệu quả.
“Đến nay, vẫn chưa có thông tin là sau mũi tiêm số 2, có cần tiêm nhắc lại không. Nếu có, bao lâu lại tiêm 1 mũi”, chuyên gia chia sẻ.
Do đó, TS Thu Anh cho biết, các “từ khóa” cần thiết cho một chiến lược vắc-xin thông minh bao gồm: Nhiều, nhanh, vắc-xin hiệu quả, dài hơi. Chuyên gia này nhấn mạnh, điều cần thiết là đầu tư dài hơi. Đồng thời, tự chủ vắc-xin, cũng như xây dựng kế hoạch tiêm chủng nhanh, an toàn.
Ưu tiên cho các cá nhân có nguy cơ cao bị nhiễm và tử vong. Linh hoạt đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của tình hình dịch và các chủng virus lưu hành trên thế giới. Trong thời gian chờ đợi, 5K là yếu tố cần thiết để bảo vệ những người chưa có miễn dịch cộng đồng.
Để tự chủ vắc-xin, theo TS Thu Anh, cần đầu tư cho nghiên cứu và phát triển vắc-xin nội địa theo công nghệ mới, đối với Covid-19 cũng như các dịch vụ khác trong tương lai. Bên cạnh đó, đầu tư để tiếp nhận chuyển giao và sản xuất vắc-xin công nghệ mới.
Tìm kiếm nguồn cung cấp các vắc-xin đã được phê duyệt. Đồng thời, tìm kiếm, theo dõi và đặt hàng các ứng viên vắc-xin tiềm năng nhưng ít được các quốc gia khác chú ý.