Mục tiêu có 150 triệu liều vắc-xin
Sáng 15/6, GS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, số lượng vắc-xin phòng Covid-19 nhận được của COVAX đã phân bổ đến 63 tỉnh, thành phố, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Đồng thời, bổ sung 200.000 liều đến 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm chủng cho các công nhân trong khu công nghiệp.
Cuối tháng 6, đầu tháng 7, chúng ta sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX. Từ nay đến hết quý 3, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 lần này sẽ có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đang tiếp tục tìm kiếm thêm vắc-xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều.
“Chúng ta sẽ thiết lập 8 kho bảo quản. Trong đó, một kho tại Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô và 7 kho tại 7 Quân khu trong toàn quốc. Khi vắc-xin về sân bay là ngay lập tức vận chuyển về các kho này bảo quản.
Các kho đều phải đạt Tiêu chuẩn thực hành bảo quản lý tốt (GSP). Từ đó, các xe lạnh vận hành chuyển vắc-xin tỏa đi các điểm tiêm chủng trên toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ công khai số lượng người tiêm, cũng như liều vắc-xin được sử dụng.
“Người dân sẽ biết mình đến điểm tiêm chủng nào. Hệ thống sẽ gửi tin nhắn thông báo cho người đăng ký thời gian và điểm tiêm. Khi đến tiêm, sẽ check mã QR code và qua khám sàng lọc sẽ điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn.
Khi đạt yêu cầu về sức khỏe thì tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Như vậy sẽ tiến đến quản lý hồ sơ “hộ chiếu vắc-xin” dễ dàng”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Sau đó, hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng sau tiêm. Đối với những người không sử dụng điện thoại thông minh, sẽ có tổng đài nhắn thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng.
Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, toàn bộ quy trình tiêm đã được rà soát để cắt ngắn, nhưng vẫn tuân thủ bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng quốc gia phải làm việc trực tuyến 24/7 để chỉ đạo, giám sát trực tuyến tiêm chủng an toàn.
Lợi ích “kép”
Trước đó, ông Mene Pangalos - Phó Chủ tịch điều hành Nghiên cứu & Phát triển Dược phẩm Sinh học tại AstraZeneca, cho biết: “Kéo dài khoảng thời gian giữa hai liều thuốc không chỉ làm tăng hiệu lực của vắc-xin, mà còn cho phép nhiều người được tiêm phòng sớm hơn”.
Mới đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng khuyến cáo, Bộ Y tế nên cân nhắc kéo dài thời gian tiêm giữa 2 liều vắc-xin AstraZeneca.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giáo sư Y khoa tại Đại học New South Wales (Australia) dẫn chứng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất AstraZeneca, khoảng cách giữa 2 liều tiêm là từ 4 - 12 tuần.
Tuy nhiên, thời gian 8 tuần trở lên sẽ mang lại hiệu quả cao nhất của vắc-xin. Trong khi đó, tại Australia, hai liều vắc-xin AstraZeneca sẽ được tiêm cách nhau 12 tuần.
“Theo kết quả nghiên cứu báo cáo trên Tập san Lancet, khoảng cách thời gian mà vắc-xin có hiệu quả cao nhất là 3 tháng. Các chuyên gia lý giải rằng, 3 tháng là thời gian đủ để cơ thể chúng ta “làm quen” với vắc-xin trước khi nhận liều mới.
Khi khoảng cách giữa 2 liều là 12 tuần thì hiệu quả vắc-xin lên đến 81%, nhưng khi khoảng cách 6 tuần thì hiệu quả chỉ là 55%”, GS Tuấn cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, chưa có những nghiên cứu cụ thể về việc liệu thời gian bảo vệ sau khi tiêm vắc-xin là bao lâu. Bởi, vắc-xin Covid-19 mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, thời gian bảo vệ phụ thuộc vào từng loại vắc-xin.
“Dựa vào một số bằng chứng miễn dịch trên những người đã tiêm vừa qua, người ta cho rằng, phần lớn các vắc-xin phòng Covid-19 hiện nay có thời gian bảo vệ trên 6 tháng”, chuyên gia nhận định.