Chiến lược triển khai thực hiện khung trình độ Quốc gia Việt Nam

GD&TĐ - Đây là chủ đề buổi tọa đàm do Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) và Hội đồng Anh phối hợp tổ chức sáng nay (24/2), tại Hà Nội.

Chiến lược triển khai thực hiện khung trình độ Quốc gia Việt Nam
Chiến lược triển khai thực hiện khung trình độ Quốc gia Việt Nam ảnh 1Chiến lược triển khai thực hiện khung trình độ Quốc gia Việt Nam ảnh 2Chiến lược triển khai thực hiện khung trình độ Quốc gia Việt Nam ảnh 3Chiến lược triển khai thực hiện khung trình độ Quốc gia Việt Nam ảnh 4

Tham dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; Phó Tổng Cục trưởng - Tổng Cục Dạy nghề Trương Anh Dùng; Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam - bà Cherry Gough; cùng đại diện nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp xây dựng, thực hiện chiến lược.

Trong tham luận báo cáo về Khung trình độ Quốc gia Việt Nam (VQF), TS. Nguyễn Văn Đường - chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - nêu rõ: "Khung trình độ quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10/2016 bao gồm 8 bậc: Sơ cấp (ba bậc), Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, Thạc sỹ và Tiến sỹ. Mỗi bậc học có yêu cầu về khối lượng học tập tối thiểu và miêu tả khái quát về kiến thức và kỹ năng cần đạt được. Việc phê duyệt khung trình độ quốc gia là một dấu mốc quan trọng để tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ (AQRF), tăng cường hội nhập trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao."

Các ý kiến tại tọa đàm đều thống nhất cho rằng: Để Khung trình độ quốc gia Việt Nam đi vào thực tế, sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia quốc tế cũng như các doanh nghiệp sử dụng nhân lực là điều kiện bắt buộc và vô cùng quan trọng.

Trong bài phát biểu tại tọa đàm, bà Cherry Gough - Giám đốc Hội đồng Anh - cho biết: 4 trọng tâm thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam bao gồm: Tăng cường sự tham gia của nhà tuyển dụng; hài hòa giáo dục dạy nghề và giáo dục đại học; khung tham chiếu trình độ ASEAN; quản lý và đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, theo đề nghị của Bộ GD&ĐT cũng như Tổng cục Dạy nghề, Hội đồng Anh Việt Nam đã và đang thực hiện nghiên cứu khả thi để tiến tới việc thực hiện thí điểm phát triển Khung trình độ quốc gia với trọng tâm là xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề thuộc bốn lĩnh vực bao gồm Kế toán, Xây dựng và Vật liệu, Dệt may và Công nghệ thông tin.

Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng được nghe chuyên gia về khung trình độ quốc gia từ Vương quốc Anh - ông Stirling Wood - giới thiệu về cách nước Anh bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng khung trình độ này. Theo đó, tại Anh, việc thực hiện Khung trình độ quốc gia ở cấp dạy nghề trải qua ba giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu tiên, sau khi Khung trình độ quốc gia được thông qua về mặt chính sách, các cơ quan kiểm soát và kiểm định sẽ lập ra các tiêu chí kiểm định để các tổ chức cấp bằng hiểu và nắm vững.

Trong giai đoạn hai, các tổ chức cấp bằng phối hợp cùng các trường và đơn vị đào tạo, tổ chức ngành nghề và các doanh nghiệp phát triển bộ chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề và bằng cấp tương ứng. Chuẩn đầu ra này được trình lên các tổ chức kiểm định phê duyệt và công nhận.

Trong giai đoạn ba, các cơ quan kiểm định sẽ liên tục thanh tra chất lượng để đảm bảo các tổ chức cấp bằng hoạt động hiệu quả nhất. Trong quá trình thanh tra này, các cơ quan kiểm định sẽ phải điều chỉnh chuẩn đầu ra để đảm bảo chuẩn này vận hành theo yêu cầu thực tế, thay vì cố định qua thời gian. Chuẩn đầu ra sau khi được điều chỉnh và cập nhật lại quay trở lại cơ quan kiểm định để thông qua trước khi đưa vào thực hiện.

Để đảm bảo hiệu quả, chuẩn đầu ra được chia nhỏ theo từng tiêu chuẩn kỹ năng cụ thể. Điều này giúp cho tất cả các bên liên quan nắm rõ chuẩn đầu ra cũng như tiêu chí đánh giá, tránh những mơ hồ khi thực hiện.

Ví dụ, với kỹ năng Dịch vụ khách hàng bậc 1 trên khung trình độ, một trong những tiêu chuẩn sinh viên cần đạt là hiểu về những giá trị mà dịch vụ khách hàng tốt mang lại. Tiêu chí đánh giá bao gồm việc sinh viên nêu được những lý do tại sao dịch vụ khách hàng tốt lại quan trọng và đưa ra những ví dụ việc dịch vụ không tốt có thể ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng, tổ chức và nhân viên.

Những ví dụ và tiêu chí trên tuy không phải là mới trong quy trình kiểm tra đánh giá kỹ năng trong các tổ chức đào tạo tại Việt Nam nhưng khi chúng được hệ thống tỉ mỉ thành văn bản, được sử dụng thống nhất trong tất cả các tổ chức đào tạo và được kiểm định liên tục thì giá trị của chúng trong việc chuẩn hóa đầu ra là rõ ràng. Với hệ thống chuẩn đầu ra tương ứng với khung trình độ như vậy, nhân lực của một quốc gia sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi ứng tuyển quốc tế khi từng kỹ năng nhỏ được chuẩn hóa để tiện so sánh và đối chiếu.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: "Việc Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Văn bản này là một tiêu chuẩn quốc gia, quy định các trình độ đào tạo, chuẩn đầu ra của mỗi trình độ, khối lượng kiến thức tối thiểu, văn bằng, chứng chỉ tương ứng. Khung trình độ Quốc gia Việt Nam là cơ sở để phát triển các tiêu chuẩn đào tạo, phát triển chương trình và là thước đo đánh giá năng lực của người học sau khi tốt nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế."

Trong hơn 3 năm qua, Hội đồng Anh Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) trong việc tổ chức các hội thảo quốc tế và các hoạt động tập huấn xây dựng năng lực về khung trình độ quốc gia.

Những hoạt động này giúp chia sẻ những bài học và cách thức thực hiện tốt nhất của quốc tế cũng như cách tiếp cận linh hoạt giúp Việt Nam tiết kiệm nguồn lực trong quá trình đổi mới giáo dục, chuẩn hóa trình độ và tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ