(GD&TĐ) - Mục tiêu tổng quát của giáo dục Việt Nam là đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện.
Đội ngũ GV là nhân tố quyết định chất lượng của nền GD |
1. “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020” đề ra 8 giải pháp, trong đó đổi mới quản lý GD là giải pháp đột phá; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD là giải pháp then chốt. Một trong các nội dung đổi mới quản lý giáo dục là bảo đảm dân chủ hóa trong GD, thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá người dạy, GV và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý.
Bên cạnh đó, phân loại chất lượng GD phổ thông, GD nghề nghiệp và GDĐH theo các tiêu chuẩn chất lượng GD quốc gia, các cơ sở GD chưa đạt chuẩn phải có lộ trình để tiến tới đạt chuẩn. Chú trọng xây dựng các cơ sở GD tiên tiến, trọng điểm, chất lượng cao để đào tạo bồi dưỡng các tài năng, nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế - xã hội.
Cơ chế để bảo đảm thành công chính là việc tập trung vào quản lý chất lượng GD, thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả GD; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng GD, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở GD của các cấp học, trình độ đào tạo và kiểm định các chương trình GD nghề nghiệp, ĐH.
Trên cơ sở đánh giá chương trình GD phổ thông hiện hành và tham khảo chương trình tiên tiến của các nước, thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực HS, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương. Chú trọng nội dung GD đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống; giáo dục kỹ năng sống, GD lao động và hướng nghiệp HS phổ thông.
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học. Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo hướng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khách quan và công bằng; kết hợp kết quả kiểm tra đánh giá trong quá trình giáo dục với kết quả thi...
Có thể thấy ngay rằng, Chiến lược phát triển GD đã bao quát toàn bộ nền GD, vừa đưa ra mục tiêu, vừa đưa ra cách làm và cơ chế để bảo đảm các biện pháp được tiến hành thuận lợi, thống nhất và hiệu quả.
Hoạt động người học đánh giá người dạy là kênh quan trọng để biết thực chất năng lực của GV |
2. Vấn đề về đội ngũ GV luôn được coi là nhân tố quyết định đến chất lượng của một nền GD. Lâu nay, dư luận từng lo ngại về chất lượng nhà giáo, cả về năng lực chuyên môn, kĩ năng truyền thụ kiến thức cũng như sự nhiệt tâm đối với nghề nghiệp, đối với người học. Trong “Chiến lược...”, nhà giáo đóng vai trò trung tâm, để từ đó xoay chuyển và làm nên hiệu quả GD. Gần đây, dư luận lấy làm lo ngại về việc đầu vào của các trường sư phạm thấp, khi mà số thí sinh dự thi ít và số các em tốt nghiệp THPT loại khá giỏi thi vào các trường sư phạm không nhiều. Đó là tâm tư đúng. Tuy nhiên, với “Chiến lược...” này thì tất yếu sẽ dẫn đến giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ ngay từ đầu vào cũng như quá trình đào tạo.
Muốn làm được điều này, từ góc độ vĩ mô Nhà nước cần tiếp tục có những ưu đãi cho người thi vào các trường sư phạm, đặc biệt là khuyến khích HS giỏi vào học trường sư phạm. Bên cạnh đó, bản thân các trường sư phạm cũng cần đổi mới thực sự, tạo ra sự hấp dẫn nội tại cần thiết thu hút người dự thi. Nội dung, chương trình đào tạo cũng cần đổi mới, gắn với thực tiễn cuộc sống. Còn khi đã tốt nghiệp các trường sư phạm, đi dạy, thì lương của Nhà nước cần được cải tiến, ưu tiên cho GV bởi họ không có nguồn thu nhập khác ngoài lương, nên thực tế tổng thu nhập hàng tháng của họ là thấp so với các ngành nghề khác. Kinh tế, sự đãi ngộ cả về vật chất lẫn tinh thần sẽ là đòn bẩy để hình thành và tạo nên chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Chuẩn đối với GV các cấp là rất quan trọng, với phổ thông còn là trên chuẩn- điều đó đã được “Chiến lược...” thể hiện rõ. Như vậy, việc tự đào tạo, ý thức vươn lên trong nghề nghiệp thông qua việc học hành lên cao với mỗi GV là điều rất cần thiết. Trong lúc xã hội phát triển với tốc độ cao, nếu chỉ dựa vào bằng cấp ban đầu và kinh nghiệm thì không đủ, mà còn không ngừng bổ sung, nâng cao kiến thức. Vì thế, với nội dung người GV trong “Chiến lược...”, một mặt cho thấy sự đánh giá đúng, coi trọng người làm nghề dạy học, mặt khác cũng là đòi hỏi buộc họ phải không ngừng phấn đấu vươn lên.
3. “Chiến lược...” xác định, đổi mới quản lý GD là giải pháp đột phá. Từ góc độ từng trường học, thực tế cho thấy, trường nào có đội ngũ quản lý giỏi, đều tay, đoàn kết, nhiệt tình, hiệu trưởng có tư duy tốt... thì trường đó mạnh lên một cách nhanh chóng, uy tín lớn và sức lan tỏa rộng. Lâu nay chúng ta từng tự hào về đội ngũ quản lý các trường học, tuy nhiên cũng cần thừa nhận một thực tế là ở nhiều trường học, ban giám hiệu không mạnh, các tổ chức đoàn thể hoạt động mang tính hình thức. Hiệu trưởng là người đứng đầu nhà trường, được ví như đầu tàu, thế nhưng đây đó vẫn có những hiệu trưởng tư duy cũ, không bắt nhập kịp tốc độ phát triển của xã hội.
“Chiến lược...” đề cao việc bảo đảm dân chủ hóa trong GD, thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá người dạy, GV và giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý.
Đây có thể nói là điểm đột phá để tạo ra chất lượng quản lý GD, chất lượng đội ngũ nhà giáo một cách thực sự. Mô hình trường học truyền thống bắt nguồn từ căn bản của GD phong kiến, cộng với những thói quen trong văn hóa ứng xử đã từng khiến nhà trường rơi vào trạng thái thiếu dân chủ. Thiết nghĩ, việc GV, giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý là điều rất cần thiết. Nhưng để tránh tình trạng e ngại sợ trù dập hoặc nể nang, thì cần có hình thức bỏ phiếu tín nhiệm để từng người thể hiện nhận thức, sự đánh giá của mình.
Về việc người học đánh giá người dạy, đây cũng là một kênh quan trọng để biết thực chất năng lực, trình độ, thái độ của từng GV, giảng viên. GV, giảng viên không thể ỷ vào cái thế “bề trên” của mình mà coi thường người học, vì nghĩ rằng người học không được quyền nhận xét, đánh giá mình. Tôn sư trọng đạo là truyền thống của người Việt, nhưng không hẳn vì thế mà không được quyền thể hiện nhận thức của mình về người dạy. Ở một khía cạnh nào đó, ý kiến đánh giá của người học sẽ làm người dạy điều chỉnh mình, hoàn thiện mình để làm tốt hơn thiên chức nhà giáo.
Tuy nhiên, việc người học đánh giá người dạy cần được tiến hành bài bản, tránh dẫn đến việc xen vào đó những động cơ cá nhân, làm xấu đi hình ảnh nhà giáo, nhà trường.
Hy vọng với việc triển khai “Chiến lược...” này, nền GD nước nhà sẽ vươn tới tầm cao mới.
Với những nền GD tiên tiến, hiệu trưởng cần có những phẩm chất: - Thứ nhất: Có tư duy tốt. - Thứ hai: Có năng lực quản lý. - Thứ ba: Có tinh thần dân chủ thực sự. - Thứ tư: nhiệt tình với công việc. - Thứ năm: biết kết gắn và phát huy các tổ chức đoàn thể trong trường học. - Thứ sáu: chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo trong trường. - Thứ bảy: biết cách phối hợp với các tổ chức ngoài nhà trường để công tác xã hội hóa đi vào bản chất và hiệu quả, tạo thêm sức mạnh cho nhà trường. |
GIA LINH