Chiến khu sau 30 năm vẫn... "4 không"

Chiến khu sau 30 năm vẫn... "4 không"
Dây điện kéo dang dở, vài tháng nay không thấy bóng dáng của công nhân xây dựng, đành nằm bất động- ảnh Nguyên Khang
Dây điện kéo dang dở, vài tháng nay không thấy bóng dáng của công nhân xây dựng, đành nằm bất động- ảnh: Nguyên Khang

Khu căn cứ Tiểu Tây cao hơn 300m so với mực nước biển gồm 27 hộ và hơn 100 khẩu. Nếu từ trung tâm xã đi bộ băng rừng thì mất gần 1 giờ đồng hồ, còn đi xe máy phải vòng xuống hồ Phú Ninh rồi đi ngược lên xã Tam Dân theo đường ĐT 615 khoảng hơn 20 km, rồi từ đó vượt đèo dốc hơn 5 km bằng xe máy mất hơn 30 phút.

Ngay đầu thôn, chúng tôi rẽ vào nhà ông Nguyễn Văn Minh (56 tuổi) để nghỉ chân. Ông Minh cũng là người chiến sĩ cách mạng đã từng sống và chiến đấu nơi đây, sau ngày giải phóng ông tiếp tục bán trụ lại với mảnh đất này. Những người như ông còn sống ở đây chỉ còn vài người.

Ông Minh cho biết: Đây là khu căn cứ cách mạng với các các địa danh khét tiếng như đồi 300, Dương Mừng Quân, đồi Đá Chát... do quân Mỹ đóng quân bốn phía còn bộ đội ta đóng chính giữa nhưng rất bí mật nên nơi đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt và tiêu diệt được không ít tên địch.

Trước năm 1964, trạm xá Tam Kỳ nằm ngay trong thôn (trước đây là thôn 7, xã Kỳ Quế, thuộc Tam Kỳ, Quảng Nam), là nơi chữa trị cho bộ đội bị thương trong chiến tranh, hiện dấu tích còn lại của trạm xá chỉ là một nền đất hoang tàng nhiều cây cối mọc um tùm. “Hồi xưa tôi bám trụ ở đây đến giờ. Năm 1969, tôi được công nhận là dũng sĩ diệt Mỹ với các chiến công hiển hách như gài mìn bắn bia đồn Dương Mừng Quân chết mấy tên địch rồi lấy ba lô, thắt lưng và vũ khí của nó” - ông Minh nhớ lại.

Phòng học bỏ hoang, cỏ mọc um tùm học sinh nghỉ học - ảnh Nguyên Khang
Phòng học bỏ hoang, cỏ mọc um tùm học sinh nghỉ học - ảnh: Nguyên Khang

Trong chiến tranh ở đây có trụ sở trạm xá nhưng từ sau giải phóng đến nay, mỗi khi đau ốm người dân phải dùng võng khiêng ra xã Tam Dân cách hơn 20 km sơ cứu rồi mới chở xuống Tam Kỳ vì đường quá dốc và không thể chở bằng xe máy.

Không những thế mà chuyện học hành cho con em nơi đây cũng vất vả không kém. Trước đây trong thôn cũng có một phòng học hơn 40m2 cho 15 em lớp 1 và 2 học chung nhưng sau cơn bão lũ số 9, phòng học này đã bị phá tan tành, nay bỏ hoang cỏ mọc um tùm.

Điện là một nỗi khổ khác của người dân nơi đây. Tháng 5-2009, đường điện kéo từ đường ĐT 615 dài hơn 5km với vốn đầu tư 2,1 tỉ đồng được thi công nhưng không hiểu sao đến nay đã trồng gần xong trụ nhưng dây thì chưa thấy kéo và đóng điện cho người dân dùng. Người dân chỉ biết đứng nhìn mấy trụ điện được trồng trước nhà nhưng chờ dài cổ vẫn không thấy “nhúc nhích” gì thêm.

Trao đổi với ông Nguyễn Thế Vinh - Phó Chủ tịch xã Tam Lãnh đi cùng chúng tôi lên thôn Tiểu Tây cho biết: Dứt khoát năm nay điện phải làm cho xong rồi đóng điện cho bà con, sau đó tập trung vào làm đường mới có thể phát triển kinh tế được.

Theo tính toán của ông, con đường khoảng 5km từ trung tâm xã làm cấp phối tốn khoảng 3 tỉ, còn bê tông thì thêm 5 tỉ nữa nhưng trước mắt làm cấp phối cho bà con đi. Điện chậm thì người dân cũng chịu được chứ đường phải ưu tiên trước để thúc đẩy người dân phát triển kinh tế. Với con đường từ ĐT 615 dẫn vào xã, mỗi năm người dân phải bỏ ra hàng trăm ngày công để tu sửa mới đi được, vào mùa mưa thì chỉ có một cách là lội bộ chứ không thể đi xe máy.

Đối với trường học, vì thôn cách xa trung tâm xã Tam Lãnh nên người dân đành phải gửi con em ở các xã gần trọ học, sau này có đường rồi mới tính. Còn trạm y tế, theo ông Vinh, trước đây cũng có xây dựng trạm xá phục vụ cho dân nhưng lại cách thôn đến hơn 7km và không có điều kiện điều trị như thuốc men, bác sĩ... đành phải chuyển qua làm nhà sinh hoạt thôn.

35 năm trôi qua người dân thôn Tiểu Tây vẫn gắn bó thủy chung với chiến khu xưa, nơi vẫn còn 27 hộ dân đều là những gia đình có công cách mạng, trung bình mỗi gia đình có một liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ không rời bỏ núi rừng ngay cả khi cuộc sống đầy khó khăn vất vả, vẫn trụ bám trụ chỉ mong muốn có được cuộc sống thuận lợi hơn. Hiện người dân ở chiến khu 4, không biết bao giờ mới có điện, còn đường, trường, trạm y tế để dùng và tiện lợi hơn.

Nguyên Khang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ