Chỉ một lúc sau, Chris gọi điện cho tổng đài 911 báo tin vợ chết trên giường trong phòng ngủ.
Cảnh sát quân sự thuộc căn cứ quân sự Fort Lewis, bang Washington tới nơi, ghi nhận Dorothy Davis, vợ của Chris, nằm chết trên giường, trong tay phải cầm khẩu súng lục. Thái dương bên phải có một vết đạn. Lọ thuốc chống trầm cảm trống rỗng và ba phong bì thư ở cách không xa. Hôm đó là ngày 13/3/1991.
Cảnh sát thấy không có dấu hiệu có người dùng vũ lực đột nhập, cãi lộn hoặc giằng co xảy ra trong phòng ngủ. Cơ thể Dorothy không có thương tích ngoại trừ vết đạn trên thái dương. Hai con gái nhỏ vẫn ngủ say.
Làm việc với cảnh sát, hạ sĩ Chris khai tối hôm đó đi uống bia với đồng đội. Được một lúc, anh ta nói chạy ra ngoài gọi về nhà bằng điện thoại công cộng ở sảnh. Trong lúc nói chuyện, Chris thấy giọng vợ có vẻ rất chán nản nên lo lắng chạy về thì phát hiện sự việc. Lời khai này của người chồng được nhân chứng tại quán bar xác nhận.
Trong ba phong bì thư viết tay tại giường, có hai lá đề gửi cho Chris, trong đó có đoạn: "Anh yêu, anh từng nói đó là lối thoát của kẻ hèn nhát. Nếu vậy, em chính là kẻ hèn nhát vì không nhìn ra lối thoát nào khác".
Lá thư thứ ba đề gửi cho em gái Dorothy với nội dung: "Khi em đọc được lá thư này cũng là lúc chị không còn nữa. Chị không biết phải làm thế nào nữa. Chị xin lỗi". Nội dung ba lá thư đề cập tới khó khăn trong cuộc sống có chồng trong quân ngũ, cùng với việc Chris không còn yêu mình như trước.
Cả ba lá thư đều có dấu vân tay của Dorothy. Lọ thuốc bên thi thể là thuốc do bác sĩ chỉ định kê đơn cho Dorothy - vốn có tiền sử mắc chứng trầm cảm.
Cảnh sát thấy tay của Dorothy cầm rất chắc khẩu súng, phù hợp với việc cơ bắp lập tức trở nên co cứng nếu người chết hoạt động mạnh hoặc bị stress nặng ngay trước khi tử vong.
Qua giải phẫu, chuyên viên phát hiện vết đạn ở thái dương là vết thương tiếp xúc với mũi súng, phù hợp với thương tích do người chết tự gây ra. Cơ thể Dorothy không có chất độc, nhưng mang bầu khoảng 2-3 tuần.
Các chứng cứ đều chỉ tới việc tự sát. Tuy vậy, cảnh sát vẫn thấy ngạc nhiên vì vài tuần sau khi vợ chết, Chris đã đưa người phụ nữ khác về nhà, nói đây là bảo mẫu cho con nhưng mọi người trong khu căn cứ đều biết người này đã qua lại với Chris được hơn một năm.
Dù bất thường, cảnh sát vẫn tin bản kết luận giám định và cho rằng việc Chris ngoại tình không phải chứng cứ anh ta giết vợ mà chỉ góp phần khiến chứng trầm cảm và ý định tự sát của Dorothy càng nghiêm trọng.
Dựa trên bản kết luận giám định là tự sát, cảnh sát đóng hồ sơ vụ án. Nhưng sự việc không kết thúc ở đó.
Một năm sau cái chết của Dorothy, nữ nhân chứng ngồi cùng bàn với Chris vào tối hôm ra mặt cung cấp lời khai khiến cảnh sát phải mở lại điều tra.
Theo người này, khoảng 20h hôm đó, Chris nói cần ra ngoài gọi cho vợ bằng điện thoại công cộng ở sảnh quán bar. Ít phút sau, nhân chứng cũng ra ngoài gọi điện nhưng không thấy Chris tại bàn điện thoại công cộng.
Khoảng 20 phút từ lúc rời bàn, nhân chứng nói Chris mới quay lại, vẻ mặt đỏ au, hơi thở gấp gáp, không còn mặc áo khoác ngoài như lúc trước.
Với tình tiết này, điều tra viên quân đội xem lại video ghi hình hiện trường, phát hiện chiếc áo giống mô tả của nhân chứng được treo tại nắm đấm cửa phòng ngủ. Cảnh sát nghi vấn: Một người vừa phát hiện thi thể vợ lại có thể treo áo gọn gàng tại đây, thay vì vứt ra đất?
Để xác minh liệu Chris có đủ thời gian quay về nhà, giết vợ rồi quay lại quán bar hay không, cảnh sát thực nghiệm việc di chuyển giữa hai điểm. Qua thực nghiệm, cảnh sát thấy rằng thời gian trung bình cho chuyến đi là 17 phút, như vậy Chris vẫn có đủ thời gian gây án trong 20 phút vắng mặt như nhân chứng cho biết.
Tiếp tục điều tra kỹ hơn, cảnh sát phát hiện khoảng ba năm trước, Dorothy từng một lần chết hụt khi cùng chồng trú tại căn cứ quân sự Fort Polk, bang Louisiana. Chris khai sáng hôm ấy, con gái đầu mất ngủ nên anh ta chở con đi loanh quanh, để vợ mang thai đứa thứ hai ngủ ở nhà. Lúc tỉnh lại, Dorothy nói thấy căn hộ đầy khói, ngoài phòng bốc cháy nhưng chạy được ra ngoài.
Sau vụ cháy, điều tra viên khi ấy xác định vì lý do nào đó, chuông báo cháy của căn nhà không kêu, nguyên nhân vụ cháy do chập điện tivi. Hồ sơ điều tra vụ hỏa hoạn vì thế được đóng lại. Kết nối với vụ "tự sát" lần này, cảnh sát quân đội cho rằng vụ hỏa hoạn không thể là trùng hợp ngẫu nhiên.
Lúc này, cảnh sát tiép tục để ý thấy trong ảnh chụp, tay của Dorothy khi chết chỉ nắm vào báng súng, ngón trỏ không nằm ở cò súng, như vậy tại sao nạn nhân có thể tự bóp cò? Chi tiết này khiến cảnh sát càng quyết tâm tìm hiểu vụ "tự sát" của Dorothy. Nguyên nhân tử vong của nạn nhân được chuyển từ "tự sát" sang "không xác định".
Nếu Chris gây án, cảnh sát cho rằng "thư tuyệt mệnh" được cho là của Dorothy thực tế đã bị Chris làm giả. Đối chiếu với bút tích trước đó của Dorothy, chuyên gia phân tích chữ viết tay lại nhận định cả ba lá thư đều do chính tay nạn nhân viết. Kết luận này khiến giả thuyết của cảnh sát lung lay nhưng họ vẫn tìm hiểu tới cùng.
Vì người sắp tự sát thường đổ nhiều mồ hôi khi viết thư tuyệt mệnh, kỹ thuật viên giám định dùng chất ninhydrin – hóa chất phản ứng với aminoaxit trong mồ hôi con người. Kết quả cho thấy rất ít mồ hôi thấm vào giấy, không giống đặc điểm của người sắp tự sát.
Đúng lúc này, cảnh sát được chị gái của Dorothy cho biết tình tiết chưa từng được công bố. Trước khi chết, Dorothy từng gặp bác sĩ tư vấn tâm lý, một trong những bài tập giảm stress mà bác sĩ dặn viết nhật ký cảm xúc bản thân ra giấy. Bác sĩ tâm lý của Dorothy cũng xác nhận như vậy với cảnh sát. Từ đây, cảnh sát nhận định điều này có thể giải thích được nguồn gốc của lá thư.
Tiếp theo, cảnh sát để ý rằng phong bì thư được dán bằng nước bọt. Nếu Dorothy thật sự để lại thư tuyệt mệnh, chắc chắn chị ta cũng là người cho thư vào phong bì. Cảnh sát liền tiếp tục gửi phong bì thư đi giám định ADN.
Vì thi thể đã bị hỏa thiêu, kỹ thuật viên tái tạo ADN của Dorothy qua ông bà và hai con. Kết quả đối chiếu cho thấy phong bì thư không có ADN của Dorothy. ADN của Chris đã có sẵn trong kho dữ liệu quân đội nên việc lấy mẫu đối chiếu không gặp khó khăn.
Qua giám định, chuyên viên kết luận mẫu nước bọt được dùng để niêm phong phong bì là của Chris. Với chứng cứ này, cảnh sát nhận định chính Chris đã bỏ thư "tuyệt mệnh" của Dorothy vào phong bì rồi niêm phong lại. Nạn nhân hoàn toàn không có ý định tự sát khi viết thư.
Với số chứng cứ trên, Chris bị bắt giữ và khởi tố tội Giết người.
Công tố viên cáo buộc ba năm trước đó Chris đã cố ý phóng hỏa và tắt chuông báo động để giết vợ nhưng không thành. Sau khi đọc trộm nhật ký của vợ viết để giải tỏa stress, Chris dùng chúng để lên kế hoạch tạo hiện trường giả vợ tự sát, thay vì giúp vợ vượt qua trầm cảm. Nếu vợ chết, Chris được thụ hưởng gần 100.000 USD tiền bảo hiểm nhân thọ.
Tối 13/3/1991, Chris đi tới quán bar với đồng nghiệp để tạo chứng cứ ngoại phạm. Giữa buổi, anh ta lấy cớ dùng điện thoại công cộng để chạy về nhà trong lúc vợ ngủ say và gây án. Sau khi tạo hiện trường giả, Chris quay lại quán bar nhưng quên không mặc áo khoác.
Cuối cùng, Chris bị tòa án quân đội kết tội Giết người vào năm 1993, bị đuổi khỏi quân ngũ và lãnh án chung thân không ân xá. Ít lâu sau, Chris tiếp tục nhận bản án chung thân thứ hai sau khi bị kết tội Phóng hỏa và Giết người bất thành liên quan vụ hỏa hoạn xảy ra năm 1987.