Sau hơn 1 năm triển khai lớp học số giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học tại 2 Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi), TPHCM không chỉ giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, mà còn đưa công nghệ đến với thầy trò các trường vùng sâu, xa.
Giáo viên cùng lúc dạy học sinh 2 trường
Tiết học Âm nhạc theo mô hình lớp học số của học sinh Trường Tiểu học Thạnh An, xã Thạnh An (Cần Giờ, TPHCM) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (Củ Chi, TPHCM) diễn ra đầy hào hứng. Dù học sinh 2 lớp và cô giáo chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình máy chiếu nhưng các em tương tác rất nhịp nhàng, không khí lớp học trở nên sôi nổi với những tràng vỗ tay, lời nhận xét của học sinh hai trường dành cho nhau.
Được biết, từ năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Thạnh An và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng được TPHCM lựa chọn thí điểm triển khai lớp học số ở 2 bộ môn là Tiếng Anh và Tin học. Qua đó giải quyết bài toán thiếu giáo viên cũng như đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin. Việc đưa lớp học số vào giảng dạy đã giúp “phủ” môn Tiếng Anh ở các khối lớp của 2 trường.
Theo thầy Lê Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, trường có hơn 260 học sinh. Do đặc thù khoảng cách, nhiều năm liền, các vị trí tuyển dụng giáo viên thường xuyên bị bỏ trống. Trong khi đó, nhà trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, thiếu 1 giáo viên so với yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Một giáo viên Tin học có mong muốn xin chuyển công tác về đất liền. Các môn Mỹ thuật, Âm nhạc chưa có giáo viên dạy chính.
“Với kết quả đạt được cũng như sự hào hứng, thích thú của học sinh khi tham gia tiết học, năm học này nhà trường mạnh dạn triển khai lớp học số ở bộ môn Âm nhạc, để học sinh được học bài bản nhất. Trợ giảng của lớp học là giáo viên chủ nhiệm, còn học sinh sẽ kết nối với giáo viên bộ môn qua màn hình trực tuyến. Lớp học số được trang bị đầy đủ phương tiện kết nối cũng như tương tác, đảm bảo học sinh có thể dễ dàng tiếp thu, tương tác với giáo viên trong suốt tiết học dù chỉ qua màn hình”, thầy Bình cho hay.
Thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Tiểu học Trung Lập Thượng thông tin, mô hình lớp học số có sự tham gia giảng dạy của các giáo viên giỏi, có kinh nghiệm dạy học trực tuyến do Sở GD&ĐT TPHCM phân công, giúp giải quyết bài toán thiếu giáo viên năng khiếu của trường ở khu vực vùng ven, ngoại thành, nhất là các môn Tiếng Anh, Tin học.
“Lớp học số đã giúp nhà trường giải quyết được bài toán thiếu giáo viên, học sinh có cơ hội được học tập ở các bộ môn theo Chương trình GDPT 2018, hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Tới cho hay.
Tiết Tin học tại lớp học số của học sinh Trường Tiểu học Trung Lập Thượng. Ảnh: NTCC |
Tiếp tục nhân rộng
Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM, mô hình lớp học số được TPHCM triển khai trong năm học 2022 - 2023, thí điểm ở 2 trường tiểu học ở vùng sâu, xa của TPHCM vừa là thách thức, vừa là thời cơ giúp thầy cô, học sinh thay đổi mạnh mẽ tư duy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học.
Lớp học số không chỉ giải quyết thiếu đội ngũ tại TPHCM mà còn đưa công nghệ về các trường vùng sâu, xa, thay đổi quan điểm của giáo viên ứng dụng công nghệ trong dạy và học, chia sẻ đội ngũ giáo viên giỏi đến trường vùng khó để nâng cao chất lượng dạy và học. Học sinh ở nhiều nơi tham gia tiết học diễn ra trong cùng thời điểm, giúp các trường tiết kiệm nguồn tuyển giáo viên, qua đó kéo gần khoảng cách giữa trường ở vùng ven, ngoại thành với trường ở nội thành.
“Lớp học số sẽ tiếp tục được TPHCM đẩy mạnh triển khai ở các quận, huyện, cùng việc xây dựng trường học thông minh, nhân rộng thêm ở môn Âm nhạc, Mỹ thuật bên cạnh môn Tin học, Tiếng Anh ở các trường còn thiếu giáo viên. Đồng thời qua đó tận dụng đội ngũ giáo viên giỏi ở môn học này chia sẻ giảng dạy cho các trường tiểu học ở vùng xa, đảm bảo 100% học sinh lớp 3 và lớp 4 được học môn Tiếng Anh, Tin học và các khối lớp được học Mỹ thuật, Âm nhạc theo quy định”, bà Thúy cho biết.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, mô hình lớp học số bước đầu đáp ứng yêu cầu về dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo định hướng Chương trình GDPT 2018. Thông qua hoạt động “học mà chơi, chơi mà học”, tính tương tác giữa học sinh với giáo viên, học sinh cùng lớp học với nhau được đẩy mạnh, giúp không khí lớp học sôi nổi, phát huy vai trò chủ động của học sinh.
Sở GD&ĐT TPHCM đã yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức lập danh sách đội ngũ giáo viên cốt cán có năng lực, chuyên môn tham gia giảng dạy trực tuyến; Rà soát các trường, điểm trường, số lớp không có đủ điều kiện để thực hiện lớp học số đối với môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc; Bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán có năng lực dạy học trực tuyến tham gia thực hiện, triển khai lớp học số,…
“Trên cơ sở báo cáo của các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học số, đồng thời thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát tư vấn và hỗ trợ các đơn vị còn gặp khó khăn; Phối hợp Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển đổi số TPHCM tư vấn giải pháp hoặc tổ chức khảo sát các lớp học số tại cơ sở giáo dục..., đảm bảo thực hiện tốt nhất dạy học môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc cho học sinh tiểu học từ năm học 2023 - 2024 theo Chương trình GDPT 2018”, ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay.
“Lớp học số là chương trình thiết thực gắn liền với chủ đề ‘Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số’ của TPHCM năm 2023. Với những kết quả ban đầu của mô hình lớp học số, khoảng cách giữa trẻ em ở xã đảo so với các quận trung tâm TP đã xích lại gần hơn”, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đánh giá.
Bình luận