'Chìa khóa vàng' của nữ thủ khoa đầu ra đại học

GD&TĐ - Để có thành tích tốt trong những năm ĐH, nhiều thủ khoa đầu ra đã xây dựng kế hoạch cho từng năm học và nỗ lực rèn luyện đạt mục tiêu đề ra.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn - sinh viên tốt nghiệp xuất sắc năm 2024 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC
Nguyễn Thị Thanh Nhàn - sinh viên tốt nghiệp xuất sắc năm 2024 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trân trọng từng mục tiêu

Hoàng Lan Hương - sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, thủ khoa đầu ra chương trình chất lương cao, Học viện Ngân hàng (Hà Nội) năm 2024 với điểm rèn luyện 3,93. Điểm số này là kết quả của 4 năm học tập nỗ lực không ngừng của em.

Lan Hương chia sẻ: “Em luôn đặt ra mục tiêu nhỏ và thực tế cho mỗi môn học. Ví dụ: Bài kiểm tra thành phần môn, em đặt mục tiêu đạt điểm trên 9. Bài kiểm tra kết thúc môn, em cố gắng đạt điểm A. Ngoài học tập trên lớp, em tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và đi thực tập. Việc phân bổ thời gian hợp lý giúp em cân bằng giữa học tập, hoạt động ngoại khóa, sở thích cá nhân, tránh cảm giác quá tải”.

Nữ thủ khoa cho rằng, như bạn bè đồng trang lứa, thời điểm mới bước chân vào giảng đường đại học bất kỳ ai cũng gặp khó khăn, bỡ ngỡ. Đầu tiên, các bạn phải đối mặt chính là phương pháp học tập mới, đòi hỏi sự chủ động và tự giác cao hơn so với cấp THPT.

“Ban đầu, em cảm thấy mất phương hướng và loay hoay tìm cách thích nghi. Tuy nhiên, nhờ có nền tảng rèn luyện kỹ năng mềm từ thời THPT, em dần lấy lại tự tin, tìm ra phương pháp học tập phù hợp. Em bắt đầu bằng việc đọc tài liệu trước khi lên lớp để nắm bắt kiến thức cơ bản; tích cực trao đổi với giảng viên và bạn bè để giải đáp thắc mắc và hoàn thiện bài tập. Nhờ vậy, quá trình ôn thi của em trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn”, Lan Hương cho biết.

Trong 4 năm học ở Học viện Ngân hàng, đối với những môn học khó như Quản trị Tài chính doanh nghiệp, nữ thủ khoa chú trọng dành thời gian ôn luyện, nhớ kỹ công thức, luyện tập nhiều dạng bài tập khác nhau. Việc ôn tập nhiều lần giúp Lan Hương ghi nhớ kiến thức sâu sắc và tự tin hơn khi làm bài thi.

Lan Hương quan niệm, mỗi người có phương pháp học tập riêng. Em cũng phải trải qua nhiều thử nghiệm mới rút ra được “chìa khóa vàng” cho bản thân.

Cùng đó, Lan Hương tích cực làm việc nhóm, học cùng bạn bè. Phương pháp này giúp nữ sinh có thêm động lực, dễ dàng trao đổi khúc mắc học tập với bạn bè. Lan Hương còn tận dụng tối đa những ưu điểm của phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy hay điểm nổi bật ở những phần kiến thức quan trọng để ghi nhớ. “Em may mắn có hội bạn cùng chí hướng nên giữ được lửa nhiệt huyết đối với việc học”, nữ sinh thủ khoa tự hào chia sẻ.

chia khoa vang cua nu thu khoa dau ra dai hoc (2).JPG
PGS.TS. Bùi Hữu Toàn - Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện trao Giấy khen thưởng Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp cho tân cử nhân Hoàng Lan Hương. Ảnh NVCC.

Chủ động thời gian học tập

Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng gây ấn tượng khi trở thành thủ khoa, tốt nghiệp loại xuất sắc - ngành Kỹ thuật Dệt, Khoa Dệt May – Da giầy & Thời trang, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 với điểm rèn luyện 3,62.

Là con gái nhưng lựa chọn theo học tại ngôi trường hàng đầu cả nước về lĩnh vực kỹ thuật nên hành trình chinh phục tấm bằng xuất sắc của Thanh Nhàn không hề đơn giản. Để vượt qua chặng đường này, Thanh Nhàn cho biết: “Quá trình học em chia nhỏ mục tiêu lớn. Chẳng hạn, chương trình kỹ sư 160 tín chỉ học trong 10 kỳ sẽ ra trường đúng hạn, mỗi kỳ đăng ký 16 tín chỉ. Kỳ đầu tiên, em đăng ký 16 tín chỉ, qua kỳ học này em cũng đánh giá được năng lực học tập của mình và rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Dựa vào kết quả đó, ở kỳ học tiếp theo, em sẽ thay đổi kế hoạch học tập đăng ký nhiều hoặc ít hơn”.

Ngoài chủ động phân chia thời gian học tập, lên kế hoạch, chia nhỏ mục tiêu, theo Thanh Nhàn sự thành công của em ngày hôm nay nhờ vào hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ giảng viên. Trước mỗi kỳ học, thầy cô thường có định hướng về những môn cần học và sinh viên thường lấy đó làm bản tham khảo để xây dựng kế hoạch học tập.

“Bạn có thể sắp xếp môn học theo thứ tự ưu tiên dạng: Khẩn cấp (1), quan trọng (2), bình thường (3) và không quan trọng (4). Sau đó đánh giá từng mục tiêu công việc để hoàn thành. Xây dựng mục tiêu nên đi liền với tính kỷ luật bám sát. Ngoài ra, trong khung kế hoạch nên phân bổ thời gian giải lao, thư giãn hợp lý để có thể học tập và làm việc hiệu quả nhất”, Thanh Nhàn chia sẻ.

Nhìn lại hành trình dài đã vượt qua, cô nữ sinh cho rằng, môi trường đại học hoàn toàn mới, nhiều khó khăn mà mỗi sinh viên cần vượt qua. Cụ thể như phải đối mặt với cuộc sống xa gia đình, cảm giác ngại ngùng khi bắt đầu các mối quan hệ, môi trường mới. Khó khăn khi kiến thức học quá rộng (học 1, thi 10); khó khăn trong quản lý chi tiêu, giữ mình trước những cám dỗ bên ngoài xã hội, thậm chí là những căng thẳng, áp lực khi không hoàn thành mục tiêu của bản thân….

“Từ năm thứ nhất, em luôn cởi mở, chủ động kết bạn với nhiều người, tham gia các câu lạc bộ, gặp gỡ bạn học, anh chị khóa trên… điều này giúp cuộc sống tinh thần phong phú hơn. Các tiền bối khóa trên cũng là kho báu kinh nghiệm, kỹ năng để em có thể học hỏi.

Sinh viên là khoảng thời gian đẹp và đáng quý đối với mỗi người trải qua nó. Dù những khó khăn của thời sinh viên đôi khi khiến ta áp lực và cảm thấy tuyệt vọng… nhưng đừng chán nản, hãy tự tin đối diện với mọi thứ, cố gắng, nỗ lực vượt qua từng chút một. Khi nhìn lại, đó sẽ là hồi ức vui vẻ và đáng tự hào về bản thân”, Thanh Nhàn nhắn nhủ tới sinh viên khóa sau.

“Khác với cấp THPT, hầu hết môn học đại học có bài tập nhóm và bài thuyết trình. Nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong môi trường học tập mới, em dành nhiều thời gian để rèn luyện và trau dồi các kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm...

Nhìn lại hành trình đã qua, em nhận ra những kỹ năng mềm đã rèn luyện không chỉ giúp bản thân hoàn thành tốt việc học tập, mà còn là hành trang quý giá để tự tin bước vào thị trường lao động”, Hoàng Lan Hương - thủ khoa chương trình chất lương cao, Học viện Ngân hàng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ