Chị gái nghi phạm khủng bố Paris: "Em trai tôi bị tẩy não"

Cuộc trò chuyện cuối cùng hồi tháng 8 giữa Samy Amimour và chị gái của y không khác gì mọi lần. Y nhờ chị gửi nụ hôn tới gia đình và con mèo cưng rồi cúp máy vì còn nhiều việc phải làm và hứa sẽ sớm gọi lại.

Chị gái nghi phạm khủng bố Paris: "Em trai tôi bị tẩy não"
Nghi phạm khủng bố Paris Samy Amimour. Ảnh: CNN

Nghi phạm khủng bố Paris Samy Amimour. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, điều tiếp theo mà Anna Amimour được nghe về em trai của mình đó là y cùng hai kẻ khác đã xả súng vào nhà hát Bataclan ở Paris tối 13/11, làm chết 89 người trước khi tự sát bằng đai bom.

"Lúc đầu, tôi bị sốc nặng. Tôi gào thét trong cơn tuyệt vọng và buồn bã. Nhưng rồi tôi bình tĩnh lại và nghĩ rằng: có điều gì đó không đúng, chắc chắn người ta nhầm lẫn rồi", Anna kể lại khoảnh khắc cô nghe tin dữ.

Nhưng không, người ta không hề nhầm lẫn. Samy, người em trai 28 tuổi của cô, là một trong những nghi phạm khủng bố đã cướp đi sinh mạng của 130 người và làm hàng trăm người khác bị thương, gây nên cuộc tấn công kinh hoàng nhất ở Pháp kể từ sau Thế chiến II.

"Chàng trai liều lĩnh"

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Anna đã kể lại cú sốc của gia đình và cảm giác tội lỗi mà theo lời cô là "khiến chúng tôi nhức nhối tới tận tâm can".

"Hàng ngày chúng tôi cứ tự hỏi nhau chuyện gì đã xảy ra vậy? Tại sao? Nó và tôi cùng một mẹ đẻ ra, cùng lớn lên với nhau, sao cuộc đời của tôi và nó giờ đây quá khác biệt như vậy?", cô nói.

Anna vẫn không thể tin được rằng đứa em trai bé bỏng trong trí nhớ của cô lại có thể gây nên tội ác như thế. "Nó là người tốt. Nó rất nhạy cảm, hơi nhút nhát một chút nhưng là người có thể trông cậy được. Nó hào phóng, thích cười đùa và là một chàng trai hơi liều lĩnh", người chị gái kể.

chi-gai-nghi-pham-khung-bo-paris-em-trai-toi-bi-ty-nao-1

Samy khi còn bé. Ảnh: CNN

"Chàng trai liều lĩnh" của Anna đã trở thành một kẻ sát nhân sau khi tới Syria để gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vài năm trước. Khi ra đi, Samy nói với gia đình rằng y sẽ tới miền nam nước Pháp cùng bạn bè. Họ không hề biết rằng y sẽ không bao giờ trở lại nữa.

Ngồi trong căn hộ nhỏ nơi cô lớn lên cùng Samy, bố mẹ và một người em gái nữa, Anna nói rằng hành động cực đoan của em trai cô bắt nguồn từ Internet. Gia đình cô chưa bao giờ quá ngăn cấm việc thể hiện tín ngưỡng nhưng họ để ý thấy Samy bắt đầu thay đổi từ khoảng 4 năm trước.

"Nó thay đổi trong cách ăn mặc, gu nghe nhạc, cách nó đi ra ngoài và cách nó thể hiện bản thân", Anna nói.

"Tẩy não"

Samy từng là một tài xế xe buýt ở Paris. Anna nhớ lại một cách đầy tự hào về em trai cô, rằng y từng đạt điểm cao thứ hai trong cuộc thi về mạng lưới phương tiện giao thông công cộng của thành phố. Cô nói rằng Samy bị những kẻ tuyển binh ở khu Drancy ngoại ô Paris, nơi họ sinh sống, để mắt tới. Cô tin rằng em trai cô đã bị "tẩy não".

"Chúng đến nói chuyện với nó ngày càng nhiều hơn và nói rằng nó nên tham dự các buổi giảng đạo tại nhà thờ Hồi giáo thường xuyên hơn. Chúng nói rằng Samy nên nỗ lực hết mình để tu luyện đạo Hồi. Sau đó, chúng dẫn Samy tới những nhà thờ Hồi giáo, những nơi ấy còn cực đoan hơn", cô kể.

Sự cực đoan hóa của Samy được giới chức an ninh Pháp lưu tâm tới hồi năm 2012 sau khi y có ý định tới Yemen và bị kết tội "cấu kết với tổ chức khủng bố".

Gia đình Amimour nói rằng họ đã cố gắng tìm sự giúp đỡ từ hàng xóm trong vân đề này.

"Chúng tôi cố gắng cảnh báo, nói chuyện với những người xung quanh và gõ cửa để cầu xin sự giúp đỡ", Anna kể. Cô từ chối nói rõ những người này là ai nhưng cho biết họ không nhận được một sự giúp đỡ nào.

Sau khi bị kết tội năm 2012, Samy bị giám sát pháp lý và thường xuyên bị chính quyền yêu cầu trình diện. Sau đó, y vi phạm những điều khoản giám sát và trở thành đối tượng truy nã quốc tế vào năm 2013. Tại thời điểm đó, y được cho là đang trên đường tới Syria.

Samy Amimour. Ảnh: Ilta sanomat

Samy Amimour bị các phần tử cực đoan lôi kéo. Ảnh: Ilta sanomat

Theo Le Monde, cha của Samy từng đích thân tới khu vực nằm dưới sự kiểm soát của IS tại Syria để thuyết phục con trai ông trở về. Anna từ chối xác nhận về chuyến đi đó.

Ông Amimour kể lại rằng con trai ông lạnh lùng và không hề mỉm cười. Y đã tham chiến và kết hôn. Chuyến đi của ông với hy vọng đưa con trai trở về đã thất bại. Một năm rưỡi sau, gia đình Amimour đang phải gánh chịu những gì mà con trai họ làm.

"Về một phần nào đó, chúng tôi nghĩ rằng đây là lỗi của gia đình mình, rằng chúng tôi đã có thể làm điều gì đó khác. Chỉ có thể mà thôi", Anna nói.

Anna hiểu rằng những lời lẽ của mình lúc này cũng không thể giúp gì cho người nhà các nạn nhân. "Chúng tôi hiểu nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu, chúng tôi cũng biết rằng không gì có thể làm cho người thân của họ sống lại, dù chúng tôi có nói gì đi nữa", cô nói.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ