Trong não người có hàng trăm triệu khớp thần kinh. Các khớp thần kinh chịu trách nhiệm chuyển giao xung thần kinh. Thông qua khớp thần kinh, các nơ ron tiếp xúc với nhau, tạo thành mạng nơ ron. Thông tin từ các nơ ron được thu nhận qua các khớp thần kinh trên sợi nhánh (đoạn kéo dài nguyên sinh phân nhánh từ một tế bào thần kinh).
Sau đó, thông tin được dẫn dọc theo nơ ron và chuyển đến khớp thần kinh ở đầu cuối sợi thần kinh, tức là sợi trục (axon). Đây là hệ thống hóa học chuyển giao thông tin, có thể thực hiện những nhiệm vụ rất phức tạp với lượng năng lượng sử dụng thấp. Chính vì lẽ đó, nghiên cứu khớp thần kinh nhân tạo, bắt chước các khả năng sinh học của não, là đối tượng quan tâm của các nhà khoa học trên toàn thế giới.
Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Myoung-Jae Lee ở Viện Khoa học Công nghệ Daegu Gyeongbuk (DGIST) ở Hàn Quốc đã phát triển thành công thiết bị như vậy. Đây là thiết bị khớp thần kinh điện tử, mô phỏng chức năng các khớp thần kinh trong não. Các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm, trong đó họ tái tạo quá trình hình thành, lưu giữ và xóa bỏ ký ức.
Phương pháp do nhóm các nhà nghiên cứu sử dụng có ưu điểm công nghệ là chiếm diện tích không lớn, sử dụng ít năng lượng. Nhu cầu năng lượng của giải pháp này nhỏ hơn 10 lần so với nhu cầu năng lượng trong các phương pháp dựa trên các hệ thống 0 - 1 (không – một).
Thiết bị do nhóm nghiên cứu của Myoung - Jae Lee phát triển có thể được sử dụng trong các thiết bị hoặc mạch điện có năng suất thấp để tái tạo lượng dữ liệu khổng lồ. Các nhà khoa học cho rằng khớp thần kinh nhân tạo sẽ được sử dụng trong các thiết bị bán dẫn thế hệ mới và thúc đẩy sự phát triển trí tuệ nhân tạo và học sâu (deep learning). “Chúng tôi hi vọng sẽ phát triển được trí tuệ nhân tạo dựa trên hệ thống mô phỏng não người, tạo thành mạch thứ cấp, bắt chước các chức năng của nơ ron” - ông Myoung - Jae Lee cho biết như vậy.