Chế độ tiền lương mới sẽ thay đổi thế nào?

GD&TĐ - Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng phương án triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27.

Mức lương đối với đội ngũ nhà giáo vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống. Ảnh minh họa
Mức lương đối với đội ngũ nhà giáo vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống. Ảnh minh họa

Theo đó, sẽ tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng khu vực doanh nghiệp, mở rộng quan hệ tiền lương, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp, cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp, bổ sung quỹ tiền thưởng.

Tăng lương khu vực công, mở rộng quan hệ tiền lương

Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua việc nâng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 1/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Mới đây, Bộ Nội vụ có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Về lĩnh vực tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã đề nghị các bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27.

Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được báo cáo của 16/18 bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo về thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP.

Trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan, Bộ Nội vụ đã hoàn thiện Báo cáo “Kết quả thực hiện và lộ trình triển khai cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng phương án triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27. Mở rộng quan hệ tiền lương, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp, bổ sung quỹ tiền thưởng.

Đồng thời, Bộ Nội vụ đề xuất phương án điều chỉnh các năm tiếp theo. Cụ thể là tiếp tục điều chỉnh mức lương thấp nhất để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi đạt mức lương tối thiểu cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27. Cùng với đó là dự toán nguồn kinh phí, kế hoạch nhiệm vụ đối với các bộ, cơ quan liên quan.

Lộ trình thực hiện

Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành liên quan tiến hành sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 27.

Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kết quả phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước giai đoạn sau năm 2023, Bộ Tài chính chủ trì và báo cáo kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Kinh tế Trung ương, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ và ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Bộ Nội vụ chủ động xây dựng “Báo cáo lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương sau năm 2023 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27” trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ làm căn cứ ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng.

Bên cạnh việc thực hiện Nghị quyết số 75/2022 của Quốc hội, trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang gửi Bộ Tư pháp thẩm định để thực hiện nhiệm vụ “từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng”.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nhiệm vụ “tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. Cùng đó, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”.

Hiện nay, Bộ Nội vụ đang khẩn trương giải trình, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, hoàn thiện Tờ trình và dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 5/2023.

Liên quan mức lương cơ sở, tại họp báo Chính phủ vào chiều tối 5/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, bộ xây dựng nghị định, lấy ý kiến các bộ ngành, người dân và trong tháng 4/2023 đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5 này để ngày 1/7 thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng.

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết nguồn lực dành cho tăng lương đã được Chính phủ bố trí đủ hơn 59.000 tỉ đồng cho tăng lương cơ sở trong 6 tháng cuối năm nay.

Tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương, phụ cấp nhà giáo

Tại buổi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, đánh giá về chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định, tuy tiền lương đối với đội ngũ nhà giáo đã được Nhà nước ưu đãi (mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất 70% và hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo) nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Tiền lương chưa tạo được động lực để giáo viên tâm huyết gắn bó với nghề nghiệp, chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng gắn với chất lượng, hiệu quả công tác của nhà giáo...

Vì vậy, Bộ Nội vụ kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát các địa phương về các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chính sách tiền lương của đội ngũ giáo viên.

Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề giáo (nếu có).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, trong thời gian chưa cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27, trước mắt tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách tiền lương và phụ cấp (nhất là phụ cấp ưu đãi) đối với nhà giáo theo các cấp học đảm bảo tương quan trong cùng đội ngũ nhà giáo, cũng như trong toàn hệ thống chính trị và theo lộ trình phù hợp, đảm bảo theo Nghị quyết số 27, Luật Viên chức, Luật Giáo dục…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ