Những quan niệm cổ hủ về dinh dưỡng mùa thi
Các kỳ thi thường diễn ra vào những ngày hè nóng nực. Vì vậy, tiết trời oi nóng dễ khiến các sĩ tử có cảm giác chán ăn. Đặc biệt, việc phải "thức khuya, dậy sớm" ôn bài cũng khiến nhiều học sinh cảm thấy mệt mỏi. Những yếu tố này có thể dẫn tới sự suy giảm sức khoẻ và gây ảnh hưởng xấu đến quá trình thi của người học.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, trong những ngày hè oi nóng, người học nên ăn các loại thực phẩm được chế biến dưới dạng nhiều nước, giúp dễ tiêu hóa và hấp thu hơn. Bên cạnh đó, phụ huynh đặc biệt lưu ý không nên cho con ăn các món rán, xào hoặc kho khô, mặn.
Để bảo đảm sức khoẻ, các sĩ tử nên ăn nhiều bữa trong một ngày. Cụ thể, các em nên có bữa ăn phụ vào mỗi buổi tối. Buổi sáng, sĩ tử nên có bữa ăn chính trong ngày. Do bữa ăn từ chiều hôm trước cách một khoảng thời gian khá xa, nếu nhịn ăn hoặc ăn ít, người học có thể bị hạ đường huyết.
"Vấn đề lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng. Cần chọn thức ăn tươi, sạch để tránh ngộ độc. Đặc biệt, những ngày đi thi, sĩ tử không nên ăn đồ ngoài hàng, quán hoặc đã được chế biến sẵn như pa-tê, xúc xích, lạp sườn. Những loại thực phẩm này dễ mang lại nguy cơ ngộ độc do đã được chế biến lâu ngày", Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.
Bên cạnh đó, phụ huynh và học sinh cũng được khuyến khích xóa bỏ quan niệm cổ hủ. Các suy nghĩ ăn chuối bị trượt, xơi trứng điểm 0, món đậu đen không gặp may... là những quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi chuối là thức ăn bổ, sạch, an toàn, chứa nhiều vitamin và muối khoáng. Trong khi đó, trứng, đậu đen, đậu xanh hay đậu đỏ đều chứa nhiều chất đạm như nhau.
Chị Vũ Thị Thủy - phụ huynh một học sinh lớp 12 tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, do phải thức khuya ôn bài, con chị thường uống trà để tỉnh táo hơn.
"Tôi cũng khuyên cháu không nên sử dụng trà vào buổi tối. Thay vào đó, con có thể đi ngủ sớm và ôn bài vào sáng sớm hôm sau, tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên, cháu vẫn không áp dụng phương pháp này", nữ phụ huynh cho hay.
Cũng theo chị Thủy, không chỉ con chị, mà rất nhiều phụ huynh khác than thở rằng, các sĩ tử thường xuyên uống trà hoặc cà phê để thức khuya ôn bài. Tuy nhiên, hành động này được cho là gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người học.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các loại đồ uống như trà hay cà phê dễ gây mất ngủ, khiến người dùng vô cùng mệt mỏi vào ngày hôm sau. Do đó, học sinh được khuyến cáo không nên thức quá 12 giờ đêm, vì giấc ngủ ban đêm rất cần thiết cho lứa tuổi này.
"Nên uống mỗi ngày 1 - 2 ly sữa để cung cấp thêm chất đạm và các vi chất cần thiết. Ngoài ra các em cần uống thêm các loại nước rau và hoa quả để cung cấp thêm cho cơ thể vitamin và muối khoáng. Tổng lượng nước uống hàng ngày nên đạt 1,5 - 2 lít", Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh.
Bí quyết tăng cường sức đề kháng
Bên cạnh một chế độ sinh hoạt và ăn uống khoa học, việc nâng cao hệ miễn dịch trong mùa Covid-19 cũng là điều vô cùng cần thiết, giúp các sĩ tử "vượt vũ môn". Theo TS.BS Mai Thị Hằng - chuyên gia dinh dưỡng, Tổng Giám đốc Công ty ZenHealth, điều quan trọng nhất khi Covid-19 bùng phát là mỗi người cần trang bị cho mình hệ miễn dịch tốt. Có miễn dịch, cơ thể sẽ vượt qua nhiều bệnh tật.
"Giải pháp tăng cường hệ miễn dịch đều thông qua bữa ăn, thức uống dinh dưỡng, cây cỏ thảo dược quanh ta", bác sĩ Hằng cho hay.
Theo chuyên gia, để tăng cường sức đề kháng, các sĩ tử có thể pha một bình nước chanh với tinh nghệ tươi và mật ong. Cứ 2 tiếng nên uống 200ml nước pha với một thìa tinh nghệ tươi, 1/2 quả chanh và một thìa cafe mật ong. Thức uống này có thể được sử dụng liên tục trong ngày, từ sáng đến 17 giờ.
"Mỗi ngày, hãy uống 2 - 3 quả chanh. Chanh giúp chúng ta tăng miễn dịch, thải độc, tiêu diệt virus", bác sĩ Mai Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tỏi được mệnh danh là thực phẩm giúp tăng miễn dịch nhanh nhất. Vì vậy, mỗi ngày, các sĩ tử có thể ăn tỏi ngâm mật ong, hoặc sử dụng nước sốt chế biến từ tỏi tươi.
Ngoài ra, uống gấc tươi mỗi ngày hoặc nước ép từ những loại rau có màu xanh đậm cũng giúp tăng cường sức đề kháng. Một số loại nước ép rau tốt cho sức khoẻ là: Cỏ lúa mì, rau bó xôi, bông cải xanh.
Không ít học sinh năm cuối THPT chia sẻ, do quá bận rộn ôn bài, các em hiếm khi có thời gian tập thể dục. "Hiện tại, một ngày của em chỉ xoay quanh việc ăn, học và ngủ. Phần lớn chúng em chỉ tập thể dục khi học ở trường", Thái Anh - học sinh lớp 12 tại Trường THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết.
Tuy nhiên, bác sĩ Mai Hằng khuyến cáo, để tăng cường hệ miễn dịch, việc vô cùng quan trọng chính là tập thể dục mỗi ngày. Ngoài ra, các sĩ tử có thể dành 30 phút phơi nắng.
"Chúng ta nên thực hiện những việc trên mỗi ngày để tăng hệ miễn dịch. Hãy trang bị cho mình áo giáp để phòng chống dịch mọi lúc, mọi nơi", chuyên gia nói.