Chế độ cho giáo viên kiêm nhiệm

GD&TĐ - Với lãnh đạo tổ chuyên môn, nhiều kiến nghị cho rằng cần tăng số tiết được giảm trừ (4 tiết/tuần với tổ trưởng, 2 tiết/tuần với tổ phó)...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hiện nay, căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phân công, bố trí, sử dụng giáo viên là Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đứng trước những thay đổi về nội dung, phương thức giáo dục và đào tạo trong bối cảnh mới, một số quy định tại hai thông tư này không còn phù hợp.

Do đó, Bộ GD&ĐT triển khai xây dựng Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học để thay thế. Dự thảo Thông tư này được công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi ngày 21/6/2024.

Dự thảo có nhiều điểm mới liên quan đến quy định về thời gian làm việc của giáo viên, số tiết dạy, định mức tiết dạy, bổ sung quy định đối với trường hợp dạy liên trường và nhiệm vụ kiêm nhiệm của giáo viên…

Trong đó, một nội dung được quan tâm là quy định “các nhiệm vụ kiêm nhiệm nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc phụ cấp thì không được giảm định mức tiết dạy và không quy đổi nhiệm vụ đó ra tiết dạy (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường)”. Lý do của thay đổi này để tránh việc chi trả trùng chế độ, chính sách cho cùng một nhiệm vụ.

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy, giáo dục học sinh, nhiều giáo viên được phân công kiêm nhiệm một số công việc khác về chuyên môn; công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức trong nhà trường; kiêm nhiệm một số vị trí việc làm khác như công tác giáo vụ, tư vấn học sinh, văn thư, thư viện.

Riêng các vị trí kiêm nhiệm công việc chuyên môn có: Giáo viên chủ nhiệm lớp; tổ trưởng/tổ phó chuyên môn, hoặc tổ trưởng/tổ phó tổ quản lý học sinh; giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn; giáo viên kiêm trưởng phòng/phó phòng chức năng trường dự bị đại học.

Nhiều giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn bày tỏ tâm tư vì quyền lợi sẽ bị ảnh hưởng nếu Thông tư nói trên được ban hành, thực thi. Hiện nay, người ở vị trí này ngoài được giảm 3 tiết/tuần (với tổ trưởng tổ chuyên môn), 1 tiết/tuần (với tổ phó tổ chuyên môn) còn được hưởng phụ cấp lần lượt theo vị trí là 0,25 và 0,15.

Về vấn đề này, thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị cho rằng: Tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong trường học là việc làm kiêm nhiệm, không phải vị trí lãnh đạo quản lý.

Tuy nhiên, từ lâu giáo viên kiêm nhiệm vị trí này được hưởng phụ cấp chức vụ (0,25; 0,15) và mọi người thường ngầm hiểu là tương đương với trưởng, phó phòng ở vị trí cùng cấp. Phụ cấp này cũng được tính hưởng vào lương hưu. Do đó, việc bỏ phụ cấp chức vụ với tổ trưởng, tổ phó chuyên môn về nguyên tắc thì hợp lý và đúng với quy định vị trí việc làm.

Tuy nhiên, công việc của tổ trưởng chuyên môn hiện nay khá nhiều: Tham mưu về phân công chuyên môn; xây dựng các kế hoạch chuyên môn; dự giờ để tư vấn, kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ đồng nghiệp; nghiên cứu triển khai các chuyên đề; họp giao ban cốt cán, thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất; chủ trì các phiên sinh hoạt chuyên môn định kỳ…

Do đó, nhiều kiến nghị cho rằng cần tăng số tiết được giảm trừ (4 tiết/tuần với tổ trưởng, 2 tiết/tuần với tổ phó) để tương xứng với sức lao động bỏ ra, đồng thời động viên sự cống hiến của lực lượng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ