Chạy đua ở 'thánh địa dạy thêm'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - K-drama đang sốt bộ phim “Crash Course in Romance” lấy bối cảnh giáo dục tư nhân.

Với “bà mẹ Daechi”, bỏ việc là… nghĩa vụ đầu tiên. Ảnh: Koreajoongangdaily.joins.com
Với “bà mẹ Daechi”, bỏ việc là… nghĩa vụ đầu tiên. Ảnh: Koreajoongangdaily.joins.com

Mặc dù không tập trung vào nỗi ám ảnh thành tích như “Sky Castle” từng làm mưa làm gió mấy năm trước, song nó vẫn phản ánh chính xác hiện thực của Daechi, phường được mệnh danh “thánh địa dạy thêm” ở Hàn Quốc.

Bỏ việc, quản con học

Không phụ huynh Hàn Quốc nào lại không biết đến Daechi, phường giàu có bậc nhất nằm trong quận trung tâm thương mại thượng lưu - Gangnam, Seoul. Trong diện tích chỉ 3,53 km2 của nó, có tới hàng nghìn học viện, trường tư thục, nhận dạy toàn bộ các môn học.

Hàn Quốc gọi hệ thống dạy tư là hagwon. Tuy có mặt từ năm 1885 nhưng phải đến thế kỷ XXI, hagwon mới được cho phép. Theo số liệu thống kê năm 2020, Hàn Quốc có trên 73 nghìn hagwon và 1/2 tập trung ở thủ đô.

Trong Seoul, Daechi-dong khét tiếng “đường hagwon số 1” vì không chỉ dày đặc trường tư, mà còn quy tụ những chuyên gia dạy thêm năng lực nhất. Mỗi hagwon và chuyên gia đều có giáo án cũng như phương pháp giảng dạy riêng, hứa hẹn nâng cao kiến thức, thành tích cho học sinh.

Mỗi ngày, trên các con đường của Daechi đều đầy trẻ em được cha mẹ đưa đến các hagwon. Trong khi các em vào học, nhiều phụ huynh còn đậu xe, ngồi chờ đón về ngay ở bên ngoài. Khoảng 10 năm trước, Tổng thống đương nhiệm là ông Lee Myung-bak (1941) phải ban hành quy định mới, cấm hagwon mở cửa quá 10 giờ tối.

Phụ huynh Hàn Quốc bị ám ảnh nặng với thành tích học tập của con em. “Nhiều gia đình bất chấp giá thành bất động sản Daechi siêu đắt đỏ, cố gắng chuyển nhà tới đây chỉ để thuận tiện cho con cái đi học thêm”, chị Park (48 tuổi) phản ánh.

Mới 2 năm trước, chị Park vẫn còn là giám đốc điều hành ở một công ty nhưng bây giờ, chị đang dốc toàn tâm toàn sức vào việc… quản lý 2 con gái ăn học. “Phải mất cả 20 năm, tôi mới lên được chức giám đốc song, với tư cách là mẹ, tôi luôn cảm thấy tội lỗi vì không chăm lo tử tế được cho các con”, chị giải thích lý do nghỉ việc, trở thành người phụ nữ nội trợ toàn thời gian.

Tại Daechi, những phụ huynh từ bỏ sự nghiệp cá nhân để chăm lo chuyện ăn học cho con em là rất thường thấy. Người Hàn Quốc gọi họ là những “bà mẹ Daechi”. “Tôi từng tự nhủ, mình không đời nào trở thành bà mẹ Daechi”, chị Park nhớ lại. Tuy nhiên, nhìn 2 con gái ngày càng không theo kịp các bạn học được cha mẹ chăm lo toàn thời gian, chị càng bứt rứt và… hổ thẹn. “Làm giám đốc thì có gì hay, khi mà con cái mình học kém hơn con người ta”, chị tự trách.

Bây giờ, như tất cả các “bà mẹ Daechi” khác, thời gian biểu của chị Park dựa theo lịch trình học tập của các con. Mỗi ngày, chị thức dậy vào 6 giờ 30 phút, đưa con đến trường rồi trở về, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng rồi đón con tan học, giục chúng ăn uống xong lại chở đến hagwon, cuối cùng đón về vào lúc 10 giờ đêm.

Ngay cả kỳ nghỉ Hè và nghỉ Đông, lịch trình của chị Park cũng vẫn là đưa đón con đến các hagwon và nội trợ. Chỉ khi 2 con gái đi ngủ, một ngày của chị mới kết thúc. “Trước khi quá muộn, tôi muốn giúp các con học hết cấp ba và vào được một trường đại học tốt”, chị chia sẻ quyết tâm.

Từ bỏ cuộc sống và sự nghiệp để dốc toàn lực đưa con vào đại học có thể không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất. Ảnh: Lee Sang Sub, The Korea Herald

Từ bỏ cuộc sống và sự nghiệp để dốc toàn lực đưa con vào đại học có thể không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất. Ảnh: Lee Sang Sub, The Korea Herald

Con giỏi, mẹ mới là người thành đạt

“Cơ hội để một học sinh không có phụ huynh kèm cặp toàn thời gian vào được các trường đại học hàng đầu là rất thấp”, Park In Yeon, chủ sở hữu một hagwon đánh giá. Bởi vì, ngoài thành tích học tập, học sinh Hàn Quốc còn cần phải có hồ sơ tuyển sinh “đẹp”, thì mới giàu khả năng đáp ứng được điều kiện tuyển sinh khắt khe.

Nhiều “bà mẹ Daechi” thực sự là những “bà mẹ trực thăng”, chỉ tập trung vào duy nhất một mục tiêu là đưa con cái vào đại học. “Tôi cũng từng là học sinh và tôi biết, việc thi tuyển vào đại học khó khăn đến mức nào. Trẻ con không thể tự làm chuyện đó một mình. Nếu người làm mẹ như tôi không đứng ra lo liệu, thì con cái của tôi biết dựa vào ai?”, Oh Myeong Jin (42 tuổi), mẹ của 2 học sinh (1 lớp 7, 1 lớp 10) chất vấn.

Trong khi học sinh cạnh tranh điểm số trong hagwon, các “bà mẹ Daechi” cũng “đấu đá quyết liệt” để giành giật cơ hội cho con cái và chính mình. “Đây là đại chiến. Chỉ những người đưa được con em vào 1 trong 3 trường đại học hàng đầu là Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei mới là người thắng, còn lại chỉ là những kẻ thua”, chị Jin nhấn mạnh.

“Việc bạn sống ở đâu, tốt nghiệp trường nào, làm công việc gì… không quyết định thành công của một người mẹ, nhưng thành tích của con cái bạn thì có”, chị Jin tuyên bố. Chỉ có điều, cái giá phải trả của “thành công” này không dừng lại ở việc từ bỏ sự nghiệp cá nhân.

Từ lâu, chi phí hagwon đã khét tiếng đắt đỏ, chỉ 1 môn học cũng đã ngốn khoảng 1 triệu won/học sinh/tháng (tương đương 19,05 triệu đồng). Chưa hết, ngay sau khi thành công đưa con cái vào đại học, nhiều “bà mẹ Daechi” đột nhiên thấy… mất phương hướng. Không ít người rơi vào trầm cảm nặng, vì không còn mục tiêu và khó quay lại cuộc sống bình thường hoặc xin việc làm.

Các tòa nhà ở Daechi-dong được phủ kín bởi các bảng hiệu hagwon. Ảnh: Lee Sang Sub, The Korea Herald

Các tòa nhà ở Daechi-dong được phủ kín bởi các bảng hiệu hagwon. Ảnh: Lee Sang Sub, The Korea Herald

Tiến thoái lưỡng nan

“Trước khi là mẹ của ai đó, các bà mẹ Daechi cũng đều từng là phụ nữ độc lập, có cuộc sống cá nhân và sự nghiệp, ước mơ riêng. Tôi không cho rằng, bỏ việc để quản con em ăn học là quyết định khôn ngoan”, Huh Chang Deog - Giáo sư Đại học Yeungnam bày tỏ quan điểm.

Trái với Giáo sư Deog, không chỉ “các bà mẹ Daechi” mà cả xã hội Hàn Quốc đều đề cao nỗ lực theo đuổi thành tích. Theo số liệu từ cơ quan Thống kê Hàn Quốc năm 2022, trong tổng số 4,2 triệu dân thuộc độ tuổi 18 – 29 không hoạt động kinh tế, có tới 40% đang ôn thi. Với thanh niên Hàn Quốc, không gì quan trọng hơn là đậu đại học. Tại Gangnam và Seocho, hơn 1/2 thí sinh thi tuyển vào các trường đại học mỗi năm là người thi lần 2, 3 và nhiều hơn.

Hàn Quốc gọi thí sinh thi lần 2 là jaesoosaeng. Càng ngày, tỷ lệ jaesoosaeng càng tăng. Không ít jaesoosaeng còn là sinh viên, nỗ lực thi lại vào trường khác vì không hài lòng với trường đã đậu.

“Ở đất nước của chúng tôi, giới trẻ dành trọn thanh xuân để học và thi là chuyện hết sức bình thường”, phóng viên Park Jun Hee xác nhận. Cựu Trưởng công tố viên nổi tiếng nhất Hàn Quốc, ông Yoon Suk Yeol (1960) cũng từng 8 lần thi trượt trường luật, phải tới lần thứ 9 mới thành công.

Nguyên nhân khiến thí sinh Hàn Quốc bằng mọi cách vào đại học nổi tiếng là tương lai dễ xin được việc tại các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai… Chênh lệch tiền lương giữa các tập đoàn lớn này và doanh nghiệp, công ty vừa và nhỏ cực rộng. Ngoài ra, tấm thẻ nhân viên tập đoàn cũng nâng cao vị thế cá nhân của một người trong xã hội.

“Bằng cử nhân quyết định địa vị xã hội”, chị Jin nhấn mạnh, “Đây chính là hiện thực tàn khốc trong đất nước tôi. Để các con tôi có cơ hội bước vào giới thượng lưu, xin được công việc công sở như ý, tôi không còn cách nào khác là hy sinh cuộc sống riêng của mình”.

Một số “bà mẹ Daechi” còn nhắm mục tiêu giúp con thi đậu vào trường đại học nổi tiếng thế giới như Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Oxford (Anh)… Bà mẹ 3 con - Kim Eun Hye (Seoul) đã bất chấp tốn kém, gửi con cả tới trường quốc tế trên đảo Jeju. “Tôi biết, cơn sốt học thêm bắt nguồn từ tham vọng của chính phụ huynh, nhưng cũng không có cách nào buông bỏ được. Nếu không chạy đua theo các bà mẹ Daechi khác, tôi sợ con cái mình sẽ bị rớt lại”, chị Hye trần tình.

Giống như phụ huynh Daechi, học sinh trung học Hàn Quốc đang vất vả hơn bao giờ hết. Suốt kỳ nghỉ Đông, Koh Yoo Jin (16 tuổi) đều đặn tới hagwon học thêm toán, học từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Buổi tối, cô bé vẫn miệt mài làm bài tập và đọc sách đến tận 1 giờ sáng.

Chỉ tính riêng tại phường Daechi, số lượng thanh, thiếu niên đang cắm đầu vào học giống như Jin cũng đã lên tới hàng chục nghìn người. Ngay cả các jaesoosaeng cũng đặt lòng tin vào các cụm trường luyện thi tư nhân, cần được phụ huynh chăm sóc, đôn thúc để chuyên tâm ôn tập, thi thử, cuối cùng thành công vượt qua kỳ tuyển sinh khắc nghiệt.

“Tôi cũng muốn để con cái được tự do lắm chứ. Chỉ là, trong bối cảnh Daechi – nơi ai ai cũng đặt trọn hy vọng và không nề hà “hy sinh đời mẹ, củng cố đời con”, tôi không cách nào “bình chân như vại” được”, chị Hye giải thích. Dự kiến, số lượng “bà mẹ Daechi” còn tiếp tục gia tăng.

Theo Koreaherald

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ