Gần 12 năm qua nhanh như một cái chớp mắt, sau khi đề án tổng thể của Chính phủ được phê duyệt nhằm “giải cứu” sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê khỏi tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng ngần ấy thời gian vẫn chưa đủ để thực hiện một “nhiệm vụ bất khả thi”.
Sông Cầu vọng tiếng cầu than
Sông Cầu là một trong năm dòng sông dài nhất ở miền Bắc gồm: Sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Đáy và cũng là một trong những lưu vực sông có diện tích lớn ở Việt Nam.
Không chỉ đẹp, nên thơ lưu vực sông Cầu còn có vị trí địa lý đặc biệt, đa dạng, phong phú về tài nguyên và có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh như: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội.
Mặc dù, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hơn chục năm trở lại đây nhắc tới sông Cầu người ta chỉ còn nỗi ám từ một dòng sông đang chết vì ô nhiễm.
Tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá quá nhanh hiện nay, cùng với sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của con người đã khiến sông Cầu, nơi từng là mạch nguồn sống của hàng nghìn người dân phải “oằn mình” kêu cứu. Hệ sinh thái sông Cầu đang bị phá hủy, kéo theo đó là sự tồn tại, mưu sinh của hàng triệu người dân lưu vực sông bị đe dọa.
Cũng như ông cha mình đã mưu sinh và gắn bó với dòng sông Cầu hàng trăm năm nay, anh Nguyễn Thành Du, ở làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh bảo, chưa bao giờ sông Cầu lại ô nhiễm nghiêm trọng như mấy năm vừa qua.
Cứ một thời gian ngắn, cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ sông kéo dài cả chục cây số. Hai bên bờ sông mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cảnh tượng khủng khiếp ấy dần dần không còn là hi hữu. Nhìn xót xa lắm nhưng người dân chẳng biết kêu ai.
Lang thang dọc dài theo những triền sông chảy qua địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, đoạn từ hợp lưu sông Ngũ Huyện Khê, chúng tôi ghi nhận tình trạng ô nhiễm ở đây đang diễn ra nghiêm trọng. Có tình trạng này là do khúc sông Cầu nơi đây tiếp nhận nước của sông Ngũ Huyện Khê...
Phía bên kia sông, các xã Yên Lư, Nham Sơn, Thắng Cương, Tư Mại, Đồng Phúc, thuộc huyện Yên Dũng và xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cũng chịu chung cảnh ô nhiễm của sông Cầu. Nước sông đổi màu, cá chết hàng loạt bốc mùi hôi tanh, khiến người dân không khỏi bàng hoàng về tốc độ và mức độ ô nhiễm.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt trên sông Cầu, giữa năm 2018, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã báo cáo lên cấp trên, những mong sự việc sớm được chỉ đạo giải quyết.
Bởi một điều ai cũng biết, sông Cầu không chỉ là nơi hàng nghìn người dân trực tiếp mưu sinh hai bên bờ, mà còn là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu và canh tác cho hàng triệu người dân từ thượng nguồn đến vùng hạ lưu. Nếu tình trạng ô nhiễm trên sông Cầu vẫn tái diễn, không được giải quyết triệt để hậu quả sẽ khó lường.
Trước đó, năm 2016, Bộ TN&MT đã có kết luận về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sông Cầu. Tuy nhiên, từ đó đến nay, mọi việc không được giải quyết triệt để và sông Cầu vẫn đang dần trở thành dòng sông “chết”.
Bà Đặng Thị Trinh bức xúc vì môi trường sống ô nhiễm suốt một thời gian dài |
Ngũ Huyện Khê một khúc bi thương
Sông Ngũ Huyện Khê là một chi lưu của sông Đuống. Sông bắt nguồn từ địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội), chảy vào Bắc Ninh tại thị xã Từ Sơn và cuối cùng đổ vào sông Cầu tại xã Hòa Long, TP Bắc Ninh. Sông Ngũ Huyện Khê chảy qua 4 đơn vị hành chính của tỉnh Bắc Ninh gồm thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du và TP Bắc Ninh.
Đây là nguồn nước cấp chính phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, sông cũng là nơi tiếp nhận nước thải của thị xã Từ Sơn, các cơ sở sản xuất, làng nghề tái chế kim loại Châu Khê; làng nghề gỗ mỹ nghệ Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang; làng nghề tái chế giấy Phú Lâm, Phong Khê và các cụm công nghiệp trên địa bàn...
Kết quả theo dõi diễn biến chất lượng nước của Tổng cục Môi trường tại sông Ngũ Huyện Khê trong đợt tháng 3 các năm 2014, 2015 và 2016 cho thấy cả 4 vị trí quan trắc tại Cầu Song Thát, Văn Môn, Cầu Lộc Hà, Cầu Đào Xá đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các thông số đo được đều vượt ngưỡng quy chuẩn.
“Tận mục sở thị” đoạn sông chảy qua xã Hoà Long, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi thấy dòng nước đổi màu đen kịt. Chất thải cặn dồn ứ thành nhiều mảng lớp giữa dòng, kèm đó là mùi hôi thối và mùi hoá chất sánh quyện ngột ngạt.
Đưa tay kéo vội chiếc khẩu trang, bà Tấm kể, khoảng hai chục năm trước, những ngày giáp Tết cả làng nô nức kéo nhau ra bờ sông rửa lá dong để gói bánh chưng. Ai cũng rạng rỡ, hân hoan. Ấy thế mà chỉ chục năm sau, không chỉ nước sông mà nước giếng khoan cũng bốc mùi hôi thối nên không nhà nào dám dùng. Người dân phải mua nước máy để sinh hoạt.
Qua bao năm, ô nhiễm cứ chất chồng ô nhiễm, nước bẩn thì cứ lan rộng khắp các khu dân cư khiến nỗi lo về sức khoẻ của người dân cứ đằng đẵng. Không những thế, ô nhiễm cứ “vô tư” phá huỷ môi trường, hệ sinh thái ven sông từ thuỷ sinh, mạch nước ngầm đến cả bầu khí thở.
“Ngày trước, vợ chồng chúng tôi còn cào hến dưới sông để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhưng nhiều năm nay do nước sông ô nhiễm nên chúng tôi không thể làm gì được nữa”, bà Đặng Thị Trinh, thôn Xuân Viên, xã Hoà Long, TP Bắc Ninh nhớ lại. “Từ năm 2018 đến nay, làng tôi đã có bốn người chết vì ung thư, trong đó có cả chồng tôi”, giọng bà Trinh nghẹn lại.
Ông Nguyễn Văn Quyết, trưởng thôn Xuân Viên, xã Hoà Long khẳng định, sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân dọc hai bên sông.
Ô nhiễm tại làng giấy Phù Khê |
Chảy đi sông ơi!
Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm tại sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê đã và đang là vấn đề bức xúc, khó giải quyết. Vì đâu sông “chết”? Câu trả lời đã có.
Ô nhiễm từ chính những hoạt động sản xuất của con người đã “bức tử” những dòng sông. Nguyên nhân gây ô nhiễm đã xác định từ lâu, song việc “giải cứu” những dòng sông đang chết vẫn “bất khả thi”.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trên địa bàn lưu vực sông Cầu có 48 KCN, 84 CCN, 141 làng nghề, 246 cơ sở y tế và hơn 3.500 doanh nghiệp Nhà nước, cơ sở tư nhân hoạt động ở hầu hết các loại hình công nghiệp, thủ công nghiệp.
Xả thải chủ yếu từ các loại hình: Sản xuất kinh doanh (68,88%), khu cụm công nghiệp (6,23%), làng nghề (24,25%) và nước thải y tế (0,64%). Cơ sở dữ liệu nguồn thải đã đưa ra bức tranh tổng thể về các loại nguồn thải, chỉ ra hầu hết các nguồn thải vẫn chưa được xử lý trước khi xả vào lưu vực sông, đặc biệt là nước thải từ sản xuất công nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt.
Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, thì có tới 39 làng nghề có nguồn thải ảnh hưởng trực tiếp trên lưu vực sông Cầu, thuộc các huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh...
Một số làng nghề phát sinh nước thải lớn, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng như: Làng nghề tái chế giấy Phong Khê phát sinh khoảng 10.000m³/ngày, đêm; làng nghề làm bún Khắc Niệm khoảng 3.500m³/ngày, đêm; làng nghề tái chế giấy Phú Lâm khoảng 4.000m³/ngày, đêm...
Ngoài ra, một số làng nghề tái chế kim loại cũng có nguồn thải lớn chủ yếu là nước làm mát và nước thải lẫn với chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường như làng nghề tái chế thép Đa Hội, làng nghề tái chế nhôm Văn Môn...
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh Lưu Xuân Hùng cho biết, dẫu lượng nước thải lớn là vậy nhưng các nhà máy xử lý nước thải tập trung của tỉnh Bắc Ninh đều chưa thể vận hành hết công suất vì đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng hoặc chưa triển khai.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung Phong Khê làm 5.000m³/ngày, đêm, nhưng thực tế vận hành mới đạt khoảng 2.500m³/ngày, đêm. Riêng Nhà máy xử lý nước thải tại CCN Phú Lâm vẫn đang trong quá trình triển khai và chưa đi vào vận hành. Nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn có công suất tối đa 33.000 m3/ngày đêm, nhưng hiện nay cũng chưa vận hành hết công suất.
Hoạt động sản xuất tại các làng nghề đem lại lợi nhuận, sự sung túc cho những miền quê vùng Kinh Bắc, dọc hai bên sông. Thế nhưng, nói như Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng thì tình trạng ô nhiễm môi trường nhức nhối hiện nguyên nhân cũng xuất phát chính từ các làng nghề truyền thống ấy.
Về chủ trương, chẳng ai muốn đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nhưng phát triển “nóng”, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, khói, bụi... tất cả cứ xả thẳng ra sông thì ô nhiễm là điều không tránh khỏi.
Buồn một nỗi, nhiều năm về trước, gần như ở đâu trên đất nước hình chữ S này, khi đầu tư phát triển các dự án kinh tế, xã hội người ta ít quan tâm đến xử lý nguồn xả thải. Chỉ đến khi “sự đã rồi” mới lại mất tiền vào ngăn chặn, khắc phục hậu quả. Và đương nhiên, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng vậy.
Các cơ quan hữu quan vẫn đang tiếp tục triển khai các dự án nạo vét và cải tạo dòng chảy cho Ngũ Huyện Khê, cho sông Cầu còn đang dang dở suốt nhiều năm. Tiền tỷ lại đổ xuống sông, thế nhưng sông có “hồi sinh” được hay không vẫn là hy vọng le lói của hàng triệu người dân sống hai bên lưu vực sông, khi chưa có giải pháp nào thực sự khả quan.
...Chảy đi sông ơi!
Cống xả Đặng Xá phường Vạn An nước đen ngòm, hôi thối |
Trạm quan trắc tại cống xả Đặng Xá, phường Vạn An, TP Bắc Ninh |
TP Bắc Ninh, nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” bộc bạch.