Châu Âu ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong lịch sử

GD&TĐ - Đảo Sicily (Italy) có thể vừa trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử châu Âu, theo báo cáo sơ bộ từ các nhà khí tượng địa phương.

Châu Âu ghi nhận nắng nóng kỷ lục trong lịch sử

Syracuse, một thành phố trên bờ biển đảo Sicily đã ghi nhận nhiệt độ là 48,8 độ C vào ngày 11/8. Nếu phép đo được Tổ chức Khí tượng Thế giới xác nhận, nó sẽ phá vỡ kỷ lục 48 độ C trước đó của châu Âu được ghi nhận tại Athens vào năm 1977.

Phép đo được thực hiện trong đợt nắng nóng kinh hoàng đã thiêu đốt khu vực Địa Trung Hải trong hơn một tuần, gây ra những trận cháy rừng tàn khốc hủy diệt nhiều nhà cửa và cướp đi nhiều sinh mạng ở Ý, Hy Lạp, Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng tin AP.

Thị trưởng Syracuse Francesco nói với tờ La Repubblica rằng: Nhiệt độ nóng kỷ lục khiến nhiều người lo lắng. Hệ sinh thái của chúng tôi - một trong những hệ sinh thái giàu có và quý giá nhất ở châu Âu - đang gặp nguy hiểm.

Theo số liệu thống kê của chính phủ, các nhân viên cứu hỏa đã xử lý 44.442 vụ cháy rừng kể từ ngày 15/6 - một con số tăng đáng kể so với 26.158 vụ cháy được báo cáo trong mùa hè năm ngoái.

Dịch vụ cứu hỏa và cứu hộ của Ý đã viết trên Twitter rằng các nhân viên cứu hỏa của họ đã chiến đấu với hơn 500 ngọn lửa ở Sicily và Calabria chỉ riêng từ đêm thứ Tư đến sáng thứ Năm (ngày 12/8), sử dụng 5 máy bay để dập tắt ngọn lửa từ trên cao.

Đã có 4 trường hợp tử vong liên quan đến các vụ hỏa hoạn trong tuần qua ở miền Nam nước Ý, trong đó có một người chăn cừu 77 tuổi được tìm thấy trong tình trạng tử vong ở vùng Calabria. Người đàn ông bị nạn được cho là đang tìm kiếm nơi ẩn náu trong một ngôi nhà ở trang trại cùng với đàn gia súc của mình khi chết, theo hãng tin AP.

Theo các nhà khí tượng học, đợt nắng nóng ở miền Nam nước Ý là do một vùng xoáy nghịch - một vùng có áp suất cao khiến không khí bị mắc kẹt bên trong nó chìm xuống - hình thành trên Bắc Phi.

Vùng xoáy nghịch đã được truyền thông Ý đặt biệt danh là Lucifer. Lucifer dự kiến sẽ tiếp tục di chuyển về phía Bắc trên khắp nước Ý, tiếp tục tình trạng nắng nóng trong hành trình tiến về phía Rome.

Cháy rừng tiếp tục lan rộng nhiều khu vực khác của Nam Âu và Bắc Phi trong tuần này, phá hủy nhiều ngôi làng ở Hy Lạp và buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Ngày 11/8, Tổng thống Algeria đã tuyên bố quốc tang 3 ngày sau khi số người chết vì cháy rừng tăng lên 65. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một vụ cháy rừng xảy ra gần nhà máy nhiệt điện than ở bờ biển phía Tây Nam cũng khiến quốc gia phải triển khai lệnh sơ tán.

Ngày 9/8, một báo cáo từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo rõ ràng rằng, Trái đất dự kiến sẽ đạt đến ngưỡng tới hạn của mức tăng nhiệt độ là 1,5 độ C (2,7 độ F) do biến đổi khí hậu trong 20 năm tới.

Báo cáo mà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres mô tả là “mã đỏ đối với nhân loại”, cảnh báo rằng các đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt sẽ ngày càng phổ biến hơn khi hành tinh tiếp tục nóng lên.

Ông Guterres nói trong một tuyên bố: “Những hồi chuông báo động đang vang lên và bằng chứng mà chúng ta thấy là không thể chối cãi: Khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đang làm hành tinh của chúng ta nghẹt thở và khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm. Nếu kết hợp các lực lượng ngay bây giờ, chúng ta có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu. Nhưng không còn thời gian để trì hoãn và không có chỗ cho lời bào chữa”.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ