Chất lượng phải là lương tâm, lẽ sống của ngành Giáo dục

Chất lượng phải là lương tâm, lẽ sống của ngành Giáo dục

Đây là Hội nghị thứ 2 (HN trước đó diễn ra tại TP. HCM) được tổ chức nhằm lấy ý kiến chuyên gia, các nhà quản lý GD đại học và lãnh đạo một số trường cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội và TP.HCM nhằm hoàn thiện Dự thảo báo cáo giám sát trước khi trình UBTVQH vào phiên họp tháng 4/2010.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Dự thảo báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học giai đoạn 1998 – 2009” trình bày tại Hội nghị đã cho thấy những kết quả, thành tựu cũng như những mặt hạn chế, bất cập của giáo dục đại học nước ta từ năm 1998 đến năm 2009.

Đánh giá về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với giáo dục đại học, dự thảo giám sát nhận định: các cơ quan nhà nước đã ban hành được số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật với phạm vi điều chỉnh bao quát các vấn đề chủ yếu về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đối với GDĐH. Nhiều QPPL đã được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Dự thảo báo cáo cũng nêu rõ, việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ nói chung phù hợp với định hướng quy hoạch, góp phần phát triển nhanh quy mô GDĐH. Quá trình thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ đã chú ý đến cơ cấu vùng miền và tạo điều kiện cho các đối tượng ở địa bàn khó khăn. Công tác xã hội hóa GDĐH được đẩy mạnh, nguồn lực trong xã hội đầu tư cho GDĐH huy động ngày càng nhiều. Phần lớn các trường mới được thành lập đều cố gắng thực hiện những cam kết trong đề án thành lập trường.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho GDĐH, những năm qua, nhà nước đã đầu tư đáng kể cho GDĐH. Chính sách xã hội hóa đã huy động được nguồn lực lớn và đa dạng ngoài ngân sách nhà nước cho GDĐH. Việc quản lý và sử dụng NSNN cho GDĐH về cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật, từng bước được đổi mới theo hướng tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH và đã đạt được hiệu quả thiết thực.

Về thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng đào tạo đối với GDĐH, dự thảo báo cáo của đoàn giám sát cho thấy, bước đầu, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đã được cải thiện, công tác quản lý chất lượng đào tạo cũng có bước đổi mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, dự thảo báo cáo giám sát cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập của GDĐH như: Ban hành văn bản QPPL chưa kịp thời, đồng bộ, nhiều QPPL thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi, nhiều vấn đề chưa có QPPL điều chỉnh; việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới chưa sát yêu cầu; việc thành lập trường chưa căn cứ vào nhu cầu về nhân lực cũng như khả năng đầu tư của cả nước và từng địa phương, chưa chú trọng tới chất lượng, hiệu quả đào tạo; quy trình, thủ tục và điều kiện thành lập trường chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; việc thực hiện cam kết nêu trong đề án thành lập trường còn chậm và gặp nhiều khó khăn; NSNN chưa đảm bảo được yêu cầu tối thiểu của GDĐH; cơ chế, chính sách xã hội hóa trong GDĐH còn chậm được bổ sung, đổi mới; phương thức phân bổ kinh phí cho GDĐH còn mang nặng tính bình quân, dàn trải và có nhiều bất hợp lý; cơ chế tự chủ về tài chính còn thiếu đồng bộ; quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo; chất lượng tuyển sinh thấp; chương trình, nội dung, phương pháp và quản lý đào tạo nhìn chung còn lạc hậu…

Chương trình, nhân sự - 2 vấn đề cần làm ngay để nâng cao chất lượng GDĐH

Nhấn mạnh đến yếu tố chương trình, tại Hội nghị, GS.Nguyễn Đức Chính (ĐHGD – ĐHQG Hà Nội) khẳng định, thiết kế, thực thi chương trình giáo dục là yếu tố đảm bảo chất lượng quan trọng nhất trong giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong khi khoa học về phát triển chương trình giáo dục thế giới đã trải qua 4 giai đoạn phát triển thì chúng ta nay đang ở giai đoạn đầu, tức là khâu thiết kế và khâu thực thi bị tách rời, trong đó ở mỗi khâu đều bộc lộ những bất cập tác động lớn tới chất lượng đào tạo.

GS.Nguyễn Đức Chính
GS.Nguyễn Đức Chính

Hiện một khóa đào tạo 4 năm chúng ta có quá nhiều môn học (50-60 môn). Những môn học 2-3 tín chỉ chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức đơn lẻ. Lịch trình giảng dạy thì chưa phù hợp ở chỗ sinh viên năm 1, 2 lẽ ra phải được học nhiều thì thực tế lại chỉ học các môn thuộc khối kiến thức đại cương.

Về qui trình dạy học, giảng viên đọc những bài giảng mà thầy có, bỏ qua khâu tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người học cũng như yêu cầu của xã hội đối với kiến thức môn học. Nhiều giảng viên dùng một bài giảng cho nhiều năm…

Khẳng định vấn đề chương trình và nhân sự (gồm nhân sự quản lý, thầy giáo, sinh viên) là 2 vấn đề cấp bách và quan trọng nhất cần làm ngay để giải quyết vấn đề chất lượng của đào tạo đại học, GS.TSKH.Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho rằng, chương trình khung hiện còn nhiều bất cập, chúng ta đã có nhiều lần thay đổi chương trình khung nhưng các lần thay đổi đều không hiệu quả.

Đối với chương trình các môn học, sự bất cập chủ yếu là do người biên soạn là các thầy, cô giáo chứ không phải cơ chế là chính. Còn về nhân sự, chúng ta đang có một đội ngũ các công chức, các thầy giáo, cô giáo và sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu.

GS.TSKH.Đỗ Trần Cát cho rằng, để cải thiện thực trạng trên, có 5 việc chúng ta cần làm ngay. Trước hết là, sau phổ thông trung học thực hiện một khung chương trình thuộc GDĐH chỉ gồm 3 trình độ tương ứng với 3 bằng cử nhân, thạc sĩ (hoặc kỹ sư, kiến trúc sư, dược sĩ, bác sĩ…) và tiến sĩ. Mỗi ngành học có một chương trình duy nhất không có các môn học lặp lại ở các mức trình độ khác nhau.

Tuyển chọn và sử dụng công chức quản lý và giảng viên phải căn cứ trên năng lực thực sự và phẩm chất của mỗi người. Đãi ngộ gồm tiền lương và các quyền lợi tinh thần, vật chất khác cho công chức quản lý và giảng viên phù hợp với năng lực và đóng góp của họ. Đãi ngộ phải ở mức đủ để họ yên tâm làm việc và để họ phải suy nghĩ khi có nguy cơ bị đuổi việc. Song song với việc đãi ngộ thích đáng phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người quản lý, lãnh đạo và giảng viên không đủ năng lực và kém đạo đức.

Giảm quy mô đào tạo hiện nay vì quá khả năng thực tế của Việt Nam. Quy mô đào tạo phải phù hợp với khả năng thực tế của đất nước, không thể căn cứ vào chỉ tiêu số sinh viên/số dân của các nước phát triển hơn Việt Nam để đặt ra quy mô đào tạo. Chỉ tiêu này chỉ để tham khảo nhằm đạt mức phấn đấu đạt được trong tương lai.

Thực hiện nghiêm túc việc thi, kiểm tra các môn học của sinh viên và tiến hành thanh lọc các sinh viên khong đạt yêu cầu hàng năm. Tiền hành kiểm tra thường xuyên việc thi và kiểm tra của các trường.

Quốc hội thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện khảo sát việc đáp ứng các yêu cầu xã hội của sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH trong thời gian qua.

Phát triển các ĐH tư thục “nửa vì lợi nhuận”

Ở Việt Nam, ĐH tư thục ở dạng “dân lập” đã có từ năm 1988 – ĐH Thăng Long. Đến nay, đã có 81 trường ĐH và CĐ ngoài công lập với số sinh viên chiếm gần 15% tổng số SV. Theo nhận định của GS.Phạm Phụ, chính sách phát triển ĐH ngoài công lập là một quyết sách hết sức đúng đắn khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, GS. Phạm Phụ cũng cho rằng, qua hơn 20 năm ĐH ngoài công lập xuất hiện những tồn tại. Về mặt pháp lý, đến nay chúng ta vẫn chưa có cơ chế “không vì lợi nhuận”. Tiếp nữa là quản lý, chưa chặt từ khâu lập trường, mở ngành tuyển sinh cho đến giám sát chất lượng đào tạo… Mặt khác, thị trường dịch vụ GDĐH chỉ là “thị trường của niềm tin”, “thông tin bất đối xứng”… nên nhiều lắm cũng chỉ là gần như thị trường. Hơn nữa, cung trong GDĐH hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 40% cầu nên chất lượng dù chưa tốt vẫn có người “mua”.

GS. Phạm Phụ kiến nghị, cần khuyến khích phát triển các đại học tư thục “nửa vì lợi nhuận”, ví dụ có mức lãi tối đa bằng 150% lãi suất huy động của ngân hàng chẳng hạn. Có thêm 50% lãi suất là để “bù đắp rủi ro” cho một số rủi ro có thể có. Khi cung trong GDĐH lên gần bằng cầu, mức rủi ro sẽ cao hơn, có thể hiệu chỉnh cao hơn con số 50% nói trên. Phần lợi nhuận cao hơn 150% sẽ trở thành “sở hữu cộng đồng”.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân
GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân

Theo cơ chế này, có thể phát triển ĐH tư thục công – tư phối hợp như khuyến khích của WB. Khi đó, nhà nước (và có thể cả những ĐH công lập) có thể góp vốn bằng đất đai và các nguồn vốn sẵn có của mình. Mặt khác, vẫn có cơ sở ĐH tư là “vì lợi nhuận”, các cơ sở đó cần ở trạng thái của một công ty, ngay cả với chính sách đất đai và thuế, dù có ưu đãi. Cần làm rõ cơ chế “không vì lợi nhuận” để tránh những lợi dụng.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội thì cho rằng, một trong những việc cần tiến hành sớm là xác lập rõ ràng hai loại hình trường đại học tư thục hoạt động phi lợi nhuận và có lợi nhuận với những quy định rõ ràng sở hữu tài sản, về vốn và phân bổ lợi nhuận mà hoạt động của trường làm ra. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các trường hoạt động thực sự phi lợi nhuận và cần xây dựng một khung pháp lý cho loại hình này. Đối với các trường vì lợi nhuận, theo GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân “xin hãy hoạt động theo Luật Doanh nghiệp”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Chúng ta phải thay đổi cách làm”, làm sao để vấn đề chất lượng phải trở thành động lực, thành mong muốn của mỗi trường, của mỗi giảng viên và sinh viên; chất lượng đào tạo là niềm tự hào vinh dự của chính các thầy cô giáo; là vinh dự, niềm tự hào, uy tín của nhà trường trước xã hội; chất lượng phải là lương tâm, lẽ sống của ngành Giáo dục. 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.