Chất lượng nhân lực đào tạo là sự cam kết với xã hội

GD&TĐ - Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động là mục tiêu chiến lược của hầu hết các trường Cao đẳng trong quá trình chuẩn hóa nguồn nhân lực.

Cam kết việc làm cho sinh viên là sự khẳng định chất lượng đào tạo với xã hội
Cam kết việc làm cho sinh viên là sự khẳng định chất lượng đào tạo với xã hội

Thời gian qua, để đẩy mạnh những cam kết về chất lượng đào tạo với doanh nghiệp và xã hội, nhiều trường đã song hành thực hiện nhiều giải pháp từ cam kết đầu ra việc làm đến chính sách học bổng.

Chất lượng nhân lực thay đổi từ sự chủ động của đơn vị

Từ năm 2018, Bộ LĐTB&XH phê duyệt danh sách ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ đến năm 2020, tầm nhìn 2025 để tập trung đầu tư, đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực. Trong đó, có 62 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 93 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN; 134 ngành, nghề cấp độ quốc gia.

Đây được xem là bước ngoặt với nhiều trường CĐ-TCCN khi có một bộ khung để bám vào để định hình lại công tác đào tạo nhân lực cho mình, đáp ứng yêu cầu thị trường. TS Lê Lâm- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết: Ngay từ khi Bộ LĐTB&XH phê duyệt nhóm ngành nghề trọng điểm, Nhà trường đã thay đổi chương trình đào tạo, tương thích lại các mô đun giảng dạy, cũng như kiện toàn điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ để hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người học và sức hút của thị trường lao động.

“Đến thời điểm này có thể nói nhân lực các nhòm ngành nghề thuộc thế mạnh của Nhà trường sinh viên sau tốt nghiệp đều nhận được phản hồi rất tích cực từ phía Doanh nghiệp. Không chỉ giỏi nghề, có kỹ năng nhân lực nhóm ngành nghề như: Kỹ thuật Công nghệ, Kinh tế, Du lịch, Y- Dược của trường được đơn vị tuyển dụng đánh giá rất cao ở kỹ năng và thái độ làm việc”- TS Lê Lâm nói. 

Sự chuyển dịch trong khung chương trình đào tạo của các trường CĐ-TCCN theo hướng nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế 3 năm qua là điều thấy rất rõ ràng. Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đào tạo Kinh tế quốc tế (Bộ KHCN) thì thị trường lao động vẫn tồn tại nghịch lý thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Theo ông Tuấn, lao động chuyên môn kỹ thuật có tay nghề thực tế vẫn rất thiếu, doanh nghiệp muốn tuyển nhưng không dễ để kiếm được. Bối cảnh của năm 2020 mở ra một hướng rất mới cho nhu cầu nhân lực. Theo đó, xu hướng tuyển dụng theo bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định trong chuyện dễ hay khó xin việc, mà nhân lực phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, bảo đảm kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề mới là yếu tố chính đưa người lao động đến với thành công.

Thực tế, sau 3 năm thí điểm đào tạo ngành nghề cấp quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài nước, nhiều trường Cao đẳng, TCCN đã bắt đầu khẳng định được chất lượng nguồn nhân lực do mình đào tạo.

 “Hằng năm, doanh nghiệp đến trường đề nghị cung cấp sinh viên tốt nghiệp rất nhiều, nhất là những ngành nghề nằm trong danh mục trọng điểm ở các cấp độ. Một số ngành về điện, điện công nghiệp, cơ khí chế tạo máy, các công ty xuất khẩu lao động đến tuyển mà không đủ người để cung ứng”- TS Lê Lâm- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn nói.

Các hoạt động thực hành, NCKH trong quá trình học được nhà trường chú trọng đẩy mạnh
Các hoạt động thực hành, NCKH trong quá trình học được nhà trường chú trọng đẩy mạnh

Đánh giá về sự chuyển dịch trên, Tiến sĩ Trương Anh Dũng- Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB&XH cho biết: Nhìn một cách tổng thể về hệ thống GDNN ba năm qua đã có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ. Công tác định hướng và phân luồng học sinh đã tốt hơn rất nhiều khi tư duy và định hướng nghề nghiệp của học sinh đã tốt hơn. Đặc biệt là việc định hình và xây dựng được nhóm ngành nghề trọng điểm, tạo tiền đề hình thành và cho ra đời một lực lượng lao động chất lượng cao tại nhiều đơn vị đã có tín hiệu rất đáng mừng.

TS Trương Anh Dũng- Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB&XH
TS Trương Anh Dũng- Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB&XH

"Trong bối cảnh chung của sự thay đổi, hướng đến tiệm cận với trình độ nhân lực trong khu vực, nhiều đơn vị đã có sự chuyển dịch rất lớn từ tư duy đến hành động, có nhiều đơn vị đã tự tin khẳng định chất lượng đào tạo bằng cam kết với xã hội và người học. Đơn cử như Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn ngoài cam kết việc làm với sinh viên, chất lượng nhân lực của đơn vị cũng được phía Doanh nghiệp phản hồi tốt..."- ông Dũng nói.

Chính sách việc làm, hỗ trợ sinh viên “bệ đỡ” nhân lực trẻ

Ngoài việc tìm kiếm nhiều hướng đi trong việc hợp tác với DN để tạo quỹ việc làm cho SV, nhiều đơn vị còn thực hiện việc đào tạo theo đơn đặt hàng của các địa phương, các Tập đoàn đa quốc gia, cũng như học bổng gắn với việc làm từ các quỹ cộng đồng của các DN nhằm tăng thêm nhiều kênh việc làm cho SV của mình. Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn là một ví dụ điển hình.

Năm học 2020, ngoài việc tiếp tục chính sách hỗ trợ học bổng, miễn giảm học phí cho tân sinh viên, sinh viên vượt khó học giỏi, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn sẽ tiếp tục mở rộng quỹ tín dụng với lãi suất vay 0% cho sinh viên để học tập. Theo đó, Quỹ tín dụng sinh viên Đại Việt do HĐQT Nhà trường và các mạnh thường quân xây dựng sẽ được nâng số vốn lên tới 5 tỉ đồng.

“Xác định chính sách học bổng và tín dụng hỗ trợ sinh viên là “xương sống” trong việc giúp sinh viên an tâm học tập, hàng năm ngoài việc thường xuyên mở rộng nguồn quỹ tín dụng, Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên như ngày hội việc làm, phiên chợ việc làm bán thời gian, chương trình thực tập có lương, học kỳ doanh nghiệp… để kết nối và giúp sinh viên có thêm việc làm thêm khi có nhu cầu. Trong hàng loạt chính sách thì chính sách cam kết việc làm với sinh viên sau tốt nghiệp vẫn là chính sách lớn nhất của Nhà trường nhằm mang đến giá trị thiết thực nhất cho sinh viên”- TS Lê Lâm chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia, sự chuyển dịch về chất lượng nguồn nhân lực khối GDNN thời gian qua đến từ sự chủ động quả các trường là chính. Nhưng quan trọng hơn cả nó đến từ chính sách hỗ trợ người học, hỗ trợ sinh viên của Chính phủ.

Các hoạt động vì cộng đồng, sinh viên luôn được Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn quan tâm
Các hoạt động vì cộng đồng, sinh viên luôn được Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn quan tâm

Đồng ý nhận định trên, TS Trương Anh Dũng- Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB&XH cho biết: Phát triển GDNN, kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động không chỉ đơn thuần là giáo dục để trang bị kiến thức, kỹ năng thái độ nghề nghiệp cho người học, mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của DN và của mỗi quốc gia.

Vì vậy, để đạt được các mục tiêu như Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có KNN, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới thì các địa phương cần phải tập trung phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến.

Đặc biệt, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực theo ngành nghề và các cấp trình độ.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ