Charles Dickens: Cái kết buồn của một cuộc hôn nhân

GD&TĐ - Nhà báo trẻ Charles Dickens tổ chức một bữa tiệc ăn mừng bài bút ký vừa được đăng trên báo Evening Chronicle. Đi cùng tổng biên tập là con gái Catherine Hogarth, 19 tuổi. Một cô gái cởi mở, dịu dàng, đứng đắn. 

Charles Dickens.
Charles Dickens.

Với Dickens, cuộc gặp gỡ này thật đặc biệt: Có cảm giác như với Catherine ông có thể xây dựng một ngôi nhà đích thực. Ông đã mơ ước về điều đó trong thời thơ ấu vô gia cư của mình. Ông nhìn thấy những đứa trẻ hồng hào và một người vợ vui vẻ, chu đáo.

Gia đình và sự nghiệp

Catherine Hogarth.

Catherine Hogarth.

Một năm sau, Charles và Catherine kết hôn. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Dickens “Cuộc phiêu lưu của ông Pickwick” được xuất bản. Lần đầu tiên Charles có tiền và mua một ngôi nhà rộng rãi.

Dickens kể cho vợ nghe về nỗi khổ lớn nhất của mình: Năm lên 10 tuổi, bố mẹ gửi ông đến một nhà máy sản xuất xi đánh giày, ở đó ông làm nghề dán nhãn hàng. Catherine từ bỏ sự nghiệp diễn viên, quyết định toàn tâm toàn ý phục vụ chồng và dành cho ông những gì đã mất mát. Cuộc sống của nhà văn khởi sắc từng ngày.

Catherine có một cô em gái mười sáu tuổi tên là Mary. Ngay từ ngày cưới, cô chuyển đến sống trong nhà của vợ chồng Dickens và nhìn nhà văn với đôi mắt mở to đầy ngưỡng mộ. Mary khiến Dickens nhớ tới cô em gái yêu quý của ông là Fanny. Cô có những nét mà ông không tìm thấy ở Catherine: Sự nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ.

Catherine mang thai hết lần này đến lần khác (trong 16 năm, bà sinh 10 đứa con, bị sẩy thai một số lần), nhưng bà vẫn có thời gian tham gia các vở kịch nghiệp dư và thậm chí đã viết một cuốn sách về ẩm thực.

Nhưng sau cái chết của cô con gái Dora 8 tháng tuổi, Catherine bị suy nhược thần kinh nghiêm trọng, và như các nhà tiểu sử của Dickens đã viết một cách trách móc: “Bà càng trở nên thờ ơ, lãnh đạm”. Đến lượt mình, nhà văn không hài lòng nhiều thứ: Sự thờ ơ của vợ và con cái quá đông. Ông nói, tôi chỉ cần 4 đứa con là đủ. Trong hình dung của người đương thời mô tả, Catherine sống rất “an phận”.

Mary

Một lần, khi vợ chồng Dickens và em vợ Mary từ nhà hát trở về, Mary đổ gục xuống sàn nhà bất tỉnh bởi một cơn đau tim đột ngột. Dickens ôm chặt Mary khi cô trút hơi thở cuối cùng trên tay của mình. Ông tháo chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay cô và tự đeo vào tay mình. Trên mộ của Mary, ông dựng một tấm bia với dòng chữ: “Trẻ trung. Tuyệt vời. Đức hạnh”. Và ông đề nghị khi mình chết hãy chôn bên cạnh ngôi mộ này.

Nhiều năm liền, Dickens đem lòng nhớ thương người em vợ Mary vui tính và không giấu giếm nỗi đau của mình. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Dickens lại viết sách, còn Catherine sinh con. Ở bà hầu như không còn gì sót lại từ cô gái niềm nở và dễ thương ngày nào. Dickens tỏ ra bực bội.

Ông muốn vợ vui vẻ, tươi tắn, mảnh mai, chia sẻ những khát vọng tinh thần của ông. Bà thích tã lót trẻ con hơn những bữa liên hoan, tiệc tùng. Còn nhà văn không hiểu được được điều gì đã xui khiến ông kết hôn với người phụ nữ nông cạn và nhàm chán này. Ông thường xuyên chế giễu vợ, so sánh bà với những người phụ nữ khác - không béo và ngu ngốc như vậy.

Georgina

Đúng lúc đó, một cô em gái khác của Catherine, Georgina, vừa trưởng thành: Cô là em út, chưa lập gia đình, và lại đến giúp chị cả chăm sóc các cháu và làm việc nhà. Cô coi Dickens là thần tượng và trung thành với ông một cách vô điều kiện. Từ khi Georgina xuất hiện, Dickens trở nên vui vẻ hơn.

Cô mới 16 tuổi, khi họ ngồi quây quần bên lò sưởi và trò chuyện, có vẻ như những ngày xưa êm đẹp với Mary đang trở lại. Georgina trở thành một nàng tiên tốt bụng của ngôi nhà, lũ trẻ và cả những người hầu đều yêu mến cô. Catherine cam chịu không thoát ra khỏi sự lãnh đạm của mình.

Ellen

Ellen Ternan.

Ellen Ternan.

Thời gian này, Dickens quả là bị hút hồn bởi nữ diễn viên 18 tuổi Ellen Ternan. Một thời gian dài, Ellen không thích tiếp xúc với nhà văn, khiến ông đổ sự bực bội lên người vợ, thậm chí còn ngăn đôi nhà để ít gặp vợ hơn. Một hôm, người đưa thư mang đến một gói bưu kiện là một chiếc vòng tay đắt tiền, rất đẹp. Catherine nghĩ rằng chồng mình muốn làm lành, xin lỗi bà. Nhưng hóa ra bà bị nhầm: Chiếc vòng dành cho Ellen.

Trong khi đó, khắp London người ta đồn ầm lên về nhà văn già và cô tình nhân trẻ của ông. Các họa sĩ vẽ tranh châm biếm. Để dập tắt tin đồn, Dickens bắt vợ đến thăm gia đình Ellen Ternan, để chứng tỏ ở họ không có gì đặc biệt. Chỉ đơn giản là hai gia đình chơi thân với nhau, còn ông thỉnh thoảng gặp Ellen, như một ông bác tốt bụng.

Kathy, con gái của Dickens, bằng tuổi tình nhân của bố, cầu xin mẹ đừng đến gặp gia đình Ternan, đừng làm nhục mình. Nhưng vì Catherine đã hứa nên bà không thể không đến. Sau đó, thiên hạ lại còn đàm tiếu và giễu cợt nhiều hơn.

Dickens đã công bố hai bức thư ngỏ trên các tờ báo và tạp chí hàng đầu của London, trong đó ông yêu cầu mọi người đừng tin vào những lời đồn đại. Dù sao, trong một bức thư, ông vẫn không kiềm chế nổi và chỉ trích vợ đã bỏ mặc những đứa con của mình cho người khác.

Nhìn nhận cuộc sống của mình một cách khách quan, Catherine hiểu ra rằng: Thế là hết. Bà dắt theo cậu con trai út bỏ đi.

Dickens không cho phép những đứa con lớn đi với bà. Cô em vợ Georgina đứng về phía anh rể, không nói chuyện với chị gái nữa và bắt đầu chơi thân với Ellen.

Giọt lệ cuối cùng

Mối tình lãng mạn của Dickens với Ellen kéo dài 14 năm. Trong những năm cuối cùng, Ellen hạn chế tiếp xúc với nhà văn. Trong một bức thư gửi cho linh mục của mình, nữ diễn viên thú nhận rằng ngay cả ý nghĩ gần gũi với Dickens cũng khiến bà khó chịu. Nhưng trong thực tế bà vẫn cho phép nhà văn đến thăm và chu cấp tiền.

Trong một lần đến thăm như vậy, Charles bị ngất. Người quản gia đã giúp Ellen khiêng nhà văn lên xe ngựa và trả ông về với Georgina. Họ đặt nhà văn nằm lên ghế sofa. Ông không tỉnh lại và qua đời một ngày sau đó.

Ngay trước khi chết, một giọt nước mắt từ từ lăn dài trên má ông. Georgina thông báo cho bạn bè và người thân của nhà văn. Catherine cũng đến tiễn biệt chồng cũ.

Trong di chúc của Dickens, Ellen là người đầu tiên được nhắc tới. Nhà văn đã bảo đảm cho cô một cuộc sống sung túc đến cuối đời. Dickens được mai táng không phải bên cạnh Mary (như ông yêu cầu), điều đó bị coi là khiếm nhã trong thời đại Victoria. Catherine không đến dự đám tang của ông, Ellen cũng vậy.

Sau đó, Ellen kết hôn với một giáo viên đẹp trai kém cô 12 tuổi. Catherine sống những ngày còn lại của cuộc đời trong cô độc và vẫn nhớ người chồng đã khuất.

Bà qua đời vì bệnh ung thư, trước khi chết bà đã đưa cho con gái một bó thư của chồng và yêu cầu chuyển tới Bảo tàng Anh: “Hãy cho cả thế giới biết rằng bố đã từng yêu mẹ như thế nào!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.