Cháo thay cơm vì nặng tình con chữ

Cháo thay cơm vì nặng tình con chữ

(GD&TĐ) - Những giáo viên vùng xuôi lấy sức trẻ đem con chữ lên vùng sâm Ngọk Linh (Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam) chưa một lần thôi gác tay lên trán trằn trọc mỗi khi vào giấc ngủ... Những gian nan vất vả không thể ngăn được nhiệt huyết của những tấm lòng vững vàng như đá Ngọk Linh.

v
Đường vào Trà Linh, mùa mưa luôn bị chia cắt

Gập ghềnh con chữ Trà Linh

Chúng tôi về  Trà Linh vào một ngày nắng oi bức. 50km từ thị trấn Pắc Pỏ lên Trà Linh thêm dài ra vì những hố lầy do cơn mưa nguồn cứ chiều lại xối về làm sạt lở đất.

Nguy hiểm hơn là những cung đường đá trơn, dốc ngược, nhỏ hẹp với 2 bên là vực thẳm, xe và người cùng “liều mạng” băng qua.

Đứng ở triền dốc nhìn sang bên kia  lưng chừng núi, màn sương tựa như những chiếc võng trắng lênh đênh trên không trung. Mờ mờ ảo ảo, ngôi trường nhỏ bé THCS Trà Linh hiện ra trước mắt chúng tôi.

Thấy khách lưng đẫm mồ hôi, thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Linh cười: “Nghĩa lý gì từ xuôi lên mà mệt. Giáo viên ở đây còn phải lội bộ hàng mấy tiếng đồng hồ lên từng “Nók” (làng) để vận động con em đi học đấy…  Còn từ xuôi lên mà trúng mùa mưa thì phải xuống xe nhờ người đẩy xe máy hàng ngày liền. Thuê xe ôm phải tốn trên 1 triệu đồng nhưng vẫn phải nghiến răng đi vì không có phương tiện khác”.

Biến bát cơm thành nồi cháo!

Đêm xuống, cái lạnh nơi núi rừng như cắt vào da thịt. Ngồi dùng bữa cơm đạm bạc, những cơn gió thổi vào khe cửa lạnh dựng cả tóc gáy. Nhiều giáo viên ăn cũng phải cố thu người lại cho đỡ lạnh. Đã thế, khuya về, sương xuống nhiều hơn, bao nhiêu chăn ấm cũng chẳng đủ. “Phải mượn rượu cần nơi đây để uống cho ấm bụng rồi giấc mới ngon được!” – Thầy Sơn cười lớn kể trong cái lắc đầu đầy ngao ngán.

Gạo và thức ăn cũng rất khó khăn từ vùng xuôi đưa lên nên rất hiếm, giá cao ngất ngưởng. Vì thế nên món mỳ tôm được những thầy cô nơi đây dùng đến phát ớn. Nhưng đến mùa mưa thì bát cơm, thúng gạo cũng lại càng túng thiếu.

Thầy Sơn nhớ lại mùa lũ năm 1999. Thầy kể: “Hồi đó, đường vào xã làm gì có! Lũ về là nhịn đói dài dài.  Có tháng, cả chục ngày không có hột cơm chắc ruột. Ngày ăn chỉ 1 bữa. Còn lại toàn là uống nước. Đi dạy mà cái bụng cứ kêu ọt ọt, mấy đứa học sinh biết chuyện nên cười phá cả lên.  

Thầy Lê Văn Vĩ tiếp lời: “Nói đâu xa xôi, mới năm 2011 đây,  hồi đó là chỉ có một con đường vào Trà Linh thôi, thế mà sạt lở gần hết. Một tháng trời dài cổ chờ gạo với thực phẩm lên, đến nỗi đói run nguyên cả tuần!”

Cầm cự được là nhờ những lon gạo tích góp của dân làng phải chắt chiu, tính toán. Bữa trưa thay vì ăn cơm thì chuyển sang húp cháo.

Tranh thủ khi dạy xong, nhiều giáo viên lội bộ cả chục cây số lên rẫy mót củ khoai, củ sắn, vào rừng nhặt mớ rau dại. Sẽ hạnh phúc lắm khi những thứ mang về ngoài rau củ còn có thêm vài con thú rừng hay chim chóc.

Người dân nơi đây cũng rất có lòng với người gieo chữ, mỗi lúc xuống núi không quên biếu các thầy, các cô vài ba củ sắn củ khoai, đôi khi là vài ký thịt heo rừng.

Vùng “mù thông tin” này không có Internet thì đã đành, lại thêm cái cảnh không có sóng điện thoại. Nhiều thầy cô lúc nhớ gia đình phải lội bộ hàng chục cây số mới xuống được huyện gọi điện thoại.

…Có lầm lũi theo dấu chân của những người nặng tình con chữ với vùng sâm Ngọk Linh thì mới thấu hết được nỗi khốn khó mà họ phải trải qua. “Đâu phải vùng sâm là người ta giàu có và đầy đủ đâu. Mấy học sinh tội lắm, lên đây rồi cũng chẳng muốn về, chỉ mong Nhà nước quan tâm một chút đến nơi đây cho bà con đỡ khổ” – Lời thầy Tùng tâm sự khi tiễn chúng tôi đến chân núi.

Hà Kiều - Phước Vinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ