Chạnh lòng thưởng Tết giáo viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều giáo viên gắn bó cả đời với sự nghiệp trồng người nhưng chưa biết đến khái niệm thưởng Tết.

Giờ thực hành của thầy – trò Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC
Giờ thực hành của thầy – trò Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, ở khối đại học, câu chuyện thưởng Tết cho cán bộ, giảng viên có phần khởi sắc hơn.

Đôi chút chạnh lòng

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, song cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên Trường Tiểu học xã Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) chưa bao giờ biết đến khái niệm thưởng Tết. “Tết này, nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể về “thưởng Tết” nhưng có lẽ vẫn là “đặc sản” như mọi năm, đó là những lời động viên, chúc mừng năm mới của mọi người dành cho nhau. Với giáo viên vùng cao, thưởng Tết là điều xa xỉ và xa vời. Ước mong giản dị là có mức lương đủ sống, như thế là tốt lắm rồi” – cô Bình trải lòng.

Dù chưa bao giờ đòi hỏi chuyện này nhưng nghe thông tin ngành nọ, doanh nghiệp kia thưởng Tết lương tháng 13; thậm chí có đơn vị thưởng vài chục triệu cho nhân viên, người lao động khiến cô Bình không khỏi chút chạnh lòng. “Tết Dương lịch, giáo viên được thưởng 200 nghìn nhưng ai nấy đều vui và hân hoan đón nhận. Theo quy định, ngành Giáo dục không có quỹ thưởng Tết cho giáo viên. Vì vậy, đội ngũ đều thông cảm cho nhà trường. Và không vì không có thưởng Tết mà giảm đi động lực phấn đấu, tình yêu thương học trò luôn đong đầy” – cô Bình quả quyết.

Thầy Đỗ Trung Quyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Bắc Quang, Hà Giang) cho hay: Tết này, nhà trường dự kiến thưởng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên từ 300 – 500 nghìn/người, tuỳ theo mức độ tài chính tiết kiệm được. Để có số tiền này, nhà trường phải “co kéo” khéo lắm. Vài trăm nghìn chẳng thấm vào đâu so với những gì giáo viên đã cống hiến nhưng đó là món quà thay lời muốn nói, để động viên thầy, cô giáo trong những ngày Tết đến Xuân về” – thầy Quyết bộc bạch.

Dù chưa có kế hoạch cụ thể nhưng bà Hoàng Thúy Hằng - Nhà sáng lập - Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục Happytime (Hà Nội) đã dự trù tiền thưởng Tết cho giáo viên, người lao động. Ước tính người thấp nhất cũng được thưởng trên 3 triệu và cao nhất khoảng 10 triệu đồng. “Với phương châm, không để giáo viên nào không có Tết nên dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm dành một khoản kinh phí nhất định để làm quà Tết cho cán bộ, giáo viên. Qua đó, tạo không khí vui tươi, đầm ấm để mọi người vui Xuân, đón Tết” - bà Hằng trao đổi.

Cô Hoàng Thị Thanh Bình trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Cô Hoàng Thị Thanh Bình trong một giờ lên lớp. Ảnh: NVCC

Phụ thuộc vào mức lương và thâm niên công tác

Ở khối đại học, mức thưởng Tết cho cán bộ, giảng viên có phần khởi sắc. PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, theo chế độ, giảng viên được thưởng 2 tháng lương, tuỳ theo hệ số nên sẽ có người được thưởng cao, người được thưởng thấp. Hiện, mức lương của giảng viên dao động từ 8 - 30 triệu đồng/tháng, tuỳ vào vị trí, thâm niên công tác. Ngoài ra, trường có thêm khoản hỗ trợ 13 triệu đồng/người. Khoản này thực hiện chi cào bằng. Như vậy, một giảng viên Ngoại thương sẽ nhận khoảng 29 - 73 triệu đồng thưởng Tết năm nay.

Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, dự kiến mức thưởng Tết Nguyên đán cho cán bộ, giảng viên khoảng 2 tháng lương cơ bản. “Dù không cao nhưng đó là nỗ lực lớn của nhà trường” - GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Theo GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, mức thưởng Tết Nguyên đán của giảng viên, cán bộ và nhân viên là một tháng lương, kèm theo khoản hỗ trợ của trường. Lương trung bình của giảng viên khoảng 10 - 35 triệu đồng/tháng. Về phía nhà trường, dự kiến hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng/người. Tổng tiền thưởng Tết của cán bộ, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dao động 30 đến hơn 50 triệu đồng/người.

Quỹ thưởng Tết của Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP Hồ Chí Minh năm nay khoảng 5 tỷ đồng, tương đương năm ngoái. Theo đó, mức thưởng tùy vào mức lương từng người nhưng nếu tính bình quân, mỗi người được khoảng 18 triệu đồng.

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh dự kiến thống nhất mức thưởng Tết là 20 triệu đồng/người. Mức thưởng này cào bằng từ hiệu trưởng đến lao công. Ngoài ra, khi gặp mặt đầu Xuân, nhà trường sẽ lì xì mỗi người 2 triệu đồng. Tính cả thưởng Tết và tiền lì xì, người nhận mức tiền cao nhất là 30 triệu đồng.

Ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa nhìn nhận, thưởng Tết cho giáo viên không phải là yêu cầu bắt buộc. Tùy vào điều kiện, nhà trường cân đối về tài chính để có quà cho giáo viên. Thứ nữa, hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống người lao động; trong đó, có trường học. Do vậy, giáo viên cũng không đứng ngoài khó khăn chung này.

“Trong bối cảnh chung, thiết nghĩ mỗi địa phương nên dành một phần kinh phí để tặng thưởng cho giáo viên trong ngày Tết. Đó là nguồn động viên tinh thần đối với các thầy, cô giáo khi Tết đến, Xuân về, để họ không cảm thấy chạnh lòng trước bạn bè, người thân và đồng nghiệp” – ông Tứ trao đổi.

Chăm lo Tết cho giáo viên là điều mà ngành Giáo dục luôn đau đáu. Công đoàn ngành Giáo dục đã có nhiều chương trình chăm lo cho giáo viên vào dịp Tết. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, Công đoàn cũng chỉ hỗ trợ được một phần rất nhỏ cho giáo viên khó khăn. Vì vậy, rất mong địa phương, các cấp, ngành quan tâm, chăm lo cho nhà giáo nhiều hơn nữa trong dịp Tết đến, Xuân về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ