1. Bóng đá Việt Nam và Thái Lan cùng đón hai cột mốc trên hành trình xuất khẩu cầu thủ trong ngày 2/8. Ở Việt Nam, Văn Hậu hạ cánh xuống sân bay, kết thúc 11 tháng khoác áo SC Heerenveen. Ở Nhật Bản, Chanathip Songkrasin đeo băng thủ quân Consadole Sapporo khi đội bóng của anh gặp Vissel Kobe của huyền thoại Andres Iniesta.
Tất nhiên, so sánh hai sự kiện để nói tương quan thành công - thất bại giữa Văn Hậu và Chanathip là không đúng. Heerenveen ở đẳng cấp cao hơn các đội châu Á, là cái nôi của nhiều cầu thủ lớn như Van Nistelrooy hay Klaas Hunterlaar, là ứng viên chạy đua dự cúp châu Âu.
Văn Hậu tuổi 20 không có cơ hội cạnh tranh tại một trong những nền bóng đá tiên tiến nhất. Từ V-League sang Eredivisie (hơn tới gần 80 bậc trên bảng xếp hạng FIFA), đòi hỏi một cầu thủ trẻ ngay lập tức ra sân là bất khả thi.
Trái lại, Chanathip xuất ngoại ở tuổi 24. Anh tới Nhật Bản sau 120 trận ở Thai League, gia nhập đội bóng vừa phải. Khoảng cách giữa bóng đá Thái Lan và Nhật Bản không quá chênh lệch như Việt Nam và Hà Lan. Do đó, xác suất thành công của "Messi Thái Lan" cao hơn Văn Hậu.
2. Thực tế là Chanathip đã thành công, còn Văn Hậu thì không, xét trên khía cạnh số liệu thuần túy. Chi tới 450.000 euro chỉ để đổi 4 phút ra sân thủ tục ở Cúp Quốc gia (khi đã chắc thắng), Heerenveen không thể hài lòng. Trung bình, mỗi phút ra sân của Hậu có giá 112.500 euro, khoảng 3 tỷ đồng.
Trải nghiệm của Văn Hậu ở tuổi 20 sẽ rất giá trị trong phần còn lại của sự nghiệp. Gần một năm thi đấu tại Hà Lan, Hậu được tập luyện, thi đấu (với đội trẻ), hưởng chế độ dinh dưỡng vượt trội và có mức đãi ngộ hầu hết các đồng nghiệp phải trầm trồ. Hậu tiến bộ, bóng đá Việt Nam hưởng lợi.
Nhưng khi Văn Hậu hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn, cách ly và thi đấu phần còn lại của V-League cho Hà Nội FC trong năm 2020, những ký ức trời Âu đã ở lại phía sau. Giờ không phải lúc nói về trải nghiệm, mà cần đặt câu hỏi: Sau chuyến đi Hà Lan của Văn Hậu là gì?
Đây là cầu thủ có triển vọng xuất ngoại cao bậc nhất ở Việt Nam hiện tại. Rất có khả năng Hậu sẽ tiếp tục xuất ngoại, nhưng là lộ trình thế nào, sang châu Âu hay đá ở Hàn Quốc, Nhật Bản, ưu tiên đánh bóng tên tuổi hay lựa chọn phát triển chuyên môn?
Bởi xuất ngoại không phải chuyện của riêng Văn Hậu. Đó là vấn đề chiến lược của nền bóng đá. Ngoài Văn Hậu, những cầu thủ ưu tú nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại đều đã ở ngưỡng 24, 25 tuổi - bằng đúng tuổi của Chanathip khi cầu thủ này xuất ngoại.
Họ không thể sang nước ngoài chỉ để tập gym, hưởng lương cao và trải nghiệm. Xuất ngoại ở độ tuổi ấy phải đồng nghĩa với thi đấu và chứng minh, nếu không thì có thể xem như thất bại.
3. "Bóng đá Việt Nam phải thực tế, đưa cầu thủ đến nền bóng đá gần gũi hơn. Gần ở đây là cả về mặt trình độ, văn hóa, địa lý, thói quen, diễn biến với các giải để đồng bộ với bóng đá Việt Nam.
Đá ở Hàn, Nhật là tốt lắm rồi, chơi ở các đội hàng đầu châu Á là giỏi lắm rồi. Không có mong muốn nào là sai cả. Sau lần này, các đội phải thực tế, biết mình ở mức nào. Ở trình độ cao đẳng thì học cao đẳng hay học nghề thôi, học đại học làm gì. Ước mơ thì đúng thôi, nhưng phải tính toán và thực tế hơn", BLV Quang Tùng nói với VTC News.
Cái "thực tế" mà chuyên gia nhắc đến, là điều mà Thái Lan có thừa, mà Việt Nam lại rất thiếu. HAGL của bầu Đức từng vội vã đưa Xuân Trường Công Phượng xuất ngoại khi bản thân những cầu thủ này còn chưa chứng tỏ được gì ở V-League.
Văn Hậu tới Heerenveen - đội bóng thuộc nền bóng đá một trời một vực so với Việt Nam. Những chuyến đi của Huỳnh Đức, Công Vinh trước đây không có gì khác ngoài đánh bóng tên tuổi.
Ngược lại, những ngôi sao Thái Lan như Chanathip, Theerethon đều thành công với lộ trình bài bản. Sapporo (Chanathip khoác áo) là đội cũ của Công Vinh, còn Vissel Kobe, Yokohama (Theerathon cống hiến) là những CLB tầm trung ở Nhật. Teerasil Dangda sau 1 mùa ở Almeria cũng trở về Thái Lan, trước khi lại sang Nhật xuất ngoại.
Không thể phủ nhận Chanathip, Theerethon rất đẳng cấp, song nếu không lựa chọn bến đỗ vừa vặn và chờ thời điểm thích hợp, cầu thủ dễ thất bại. Thái Lan xuất khẩu nhân tài sang nền bóng đá gần gũi về lối chơi như Nhật Bản, chỉ đưa cầu thủ đi khi đã ở độ chín và đến những đội phù hợp. Ngược lại, Việt Nam thường "ngã đau" vì cố trèo cao.
Khi hàm lượng chuyên môn quá thấp, cầu thủ coi như thất bại từ trước khi lên đường. Một học sinh đi du học với đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm cộng sẽ tốt hơn những học sinh xuất ngoại mà thiếu... đủ đường, hay đi nhờ "quan hệ" của phụ huynh.
Chanathip (áo trắng) tỏa sáng ở J-League.
Cầu thủ Việt duy nhất chứng tỏ được mình ở nước ngoài là Văn Lâm - người chọn bến đỗ kém tiếng nhất so với các đồng nghiệp khi xuất ngoại. Văn Lâm thực chất được đào tạo ở Nga, từng đá tại Lào. Anh "chai sạn" hơn nhiều so với những đồng đội được o bế, bao bọc từ nhỏ. Nhưng quan trọng nhất, Lâm "tây" biết đâu là đội bóng vừa tầm với mình.
Chanathip cũng hưởng trái ngọt nhờ sự khiêm nhường nhưng vừa vặn. Không cần tuyên bố nhiều, "Messi Thái" đã có 1 bàn, 4 kiến tạo mùa này, được bầu vào đội hình tiêu biểu của J-League và giờ đeo băng đội trưởng Sapporo.
Chanathip không cần một điều khoản nào đó để được chọn thi đấu, bởi anh tự đứng trên đôi chân của mình và tồn tại nhờ thực lực. Đó vẫn là giấc mơ của bóng đá Việt mỗi khi cầu thủ sang nước ngoài.