Chẩn đoán sớm ung thư gan nhờ chỉ thị gen F12

GD&TĐ - Dựa vào biểu hiện của F12 có thể cho biết một người có nguy cơ bị ung thư gan hay không, nếu có thì tiên lượng sẽ ra sao.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

F12 là một chỉ thị có thể giúp chẩn đoán ung thư gan. Dựa vào biểu hiện của F12 có thể cho biết một người có nguy cơ bị ung thư gan hay không, nếu có thì tiên lượng sẽ ra sao.

Phát hiện sớm bằng chỉ dấu sinh học

ThS Bùi Thị Phường - Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM với sự hướng dẫn của TS Nguyễn Minh Nam đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng sử dụng F12 như chỉ thị sinh học trong chẩn đoán sớm, tiên lượng và phát triển chiến lược điều trị ung thư gan nguyên phát”.

Ung thư gan nguyên phát là một trong những biến chứng chính của bệnh gan mãn tính, phần lớn xảy ra trên nền xơ gan và là một trong những loại ung thư phố biến nhất trên thế giới.

Đáng lo ngại hơn, ung thư gan nguyên phát khó điều trị và kiểm soát do được phát hiện muộn, bệnh có tiên lượng kém, tỷ lệ tái phát khối u cao, kháng với các liệu pháp hóa trị và xạ trị truyền thống, đặc biệt là các khối u không đồng nhất.

Trong khi bệnh ở giai đoạn đầu có tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 36%, tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn trung gian hoặc muộn khi mà tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn từ 3 đến 13%. Việc phát hiện sớm ung thư gan nguyên phát bằng cách sử dụng hình ảnh và các chỉ dấu sinh học có thể cải thiện đáng kể kết quả của bệnh nhân.

Theo ThS Bùi Thị Phường, gen F12 mã hóa cho yếu tố đông máu XII (FXII) là một glycoprotein được tổng hợp bởi gan và được lưu thông trong máu dưới dạng zymogen. F12 là một protease serine tuần hoàn, được kích hoạt thành F12a bởi kallikrein huyết tương và các bề mặt tích điện âm.

F12 vừa là prothrombotic thông qua F11 để kích hoạt con đường đông máu nội tại, vừa là tiền viêm bằng cách kích hoạt con đường kallikrein-kinin để giải phóng peptide bradykinin. Sự liên kết của bradykinin với thụ thể kinin B2 kết hợp với protein G bắt đầu các con đường truyền tín hiệu nội bào có thể đẩy nhanh quá trình hình thành mạch và phát triển một số loại ung thư.

Trong nghiên cứu này, hồ sơ biểu hiện gen và thông tin lâm sàng của bệnh nhân ung thư gan được sử dụng để chứng minh F12 là chỉ thị sinh học tiềm năng trong chẩn đoán sớm, tiên lượng và xây dựng chiến lược điều trị ung thư gan dựa vào dữ liệu được thu thập từ cơ sở dữ liệu TCGA và GEO. Sau đó, chỉ thị sinh học này được thử nghiệm trên mẫu mô và mẫu máu của người Việt Nam bằng phương pháp RT-qPCR.

Xây dựng chiến lược điều trị

Kết quả cho thấy F12 là chỉ thị giúp chẩn đoán ung thư gan tốt hơn AFP (Alpha-fetoprotein) là một loại protein được tổng hợp bởi tế bào gan và túi noãn hoàng của bào thai. AFP có thể được sử dụng như một chỉ số xét nghiệm y tế để đánh giá các vấn đề sức khỏe liên quan đến tình trạng ung thư gan.

Trong khi đó, F12 có biểu hiện thấp ở mô ung thư và có thể chẩn đoán tốt ở các nhóm xơ gan, AFP thấp và đặc biệt là nhóm bệnh nhân ở giai đoạn rất sớm và sớm. Ngoài ra, F12 giúp tiên lượng bệnh và dự đoán đáp ứng điều trị của bệnh nhân với liệu pháp TACE và sorafenib.

Những bệnh nhân có chỉ số tiên lượng cao sẽ có thời gian sống và thời gian tái phát lâu hơn so với những bệnh nhân có chỉ số tiên lượng thấp. Hơn nữa, những bệnh nhân ung thư gan có chỉ số tiên lượng thấp thì phù hợp với liệu pháp điều trị bằng Sorafenib.

Còn những bệnh nhân ung thư gan nào có chỉ số tiên lượng cao thì sẽ đáp ứng tốt với liệu pháp TACE. Điều này có thể giúp phát triển chiến lược điều trị cho bệnh nhân ung thư gan, mở ra hướng nghiên cứu mới và có ý nghĩa quan trọng trong thời đại y học cá nhân hoá và y học chính xác ngày nay.

ThS Bùi Thị Phường cho biết, để tìm kiếm chỉ thị sinh học vừa có thể giúp chẩn đoán sớm, tiên lượng bệnh và dự đoán đáp ứng điều trị, các tập hồ sơ dữ liệu được phân tích độc lập bằng ứng dụng bigdata và học máy.

Sau đó, các chỉ thị riêng lẻ này được giao với nhau bằng sơ đồ Venn để tìm ra chỉ thị có đặc tính chung. Sơ đồ Venn cho thấy tất cả các mối quan hệ logic có thể có giữa một số lượng hữu hạn các tập hợp. Đây là một hướng đi mới mà chưa có nghiên cứu nào trước đó thực hiện.

Từ giản đồ Venn, cho thấy gen F12 có tiềm năng trong việc chẩn đoán sớm ung thư gan nguyên phát, đặc biệt, F12 được tiết vào trong máu và có thể được phát hiện trong huyết tương, một đặc điểm quan trọng cho việc phát triển phương pháp chẩn đoán sớm ít xâm lấn.

Dựa vào biểu hiện của F12 có thể cho biết một người nào đó có nguy cơ bị ung thư gan hay không, nếu có thì tiên lượng của người đó ra sao và ứng dụng với tiên lượng đó thì bệnh nhân nên được điều trị bằng phương pháp nào sẽ có hiệu quả tốt hơn. Hướng nghiên cứu mới này áp dụng cả chẩn đoán, tiên lượng và dự đoán đáp ứng điều trị trên bệnh nhân ung thư gan.

Gần đây, sự tiến bộ về cơ chế bệnh sinh phân tử của ung thư gan dẫn đến việc phát triển các liệu pháp điều trị mới đã được phê duyệt, nhưng các lựa chọn điều trị cho bệnh ở giai đoạn muộn vẫn còn hạn chế.

Mặc dù bước đầu đã có những kết quả lâm sàng đầy hứa hẹn với các chất ức chế điểm kiểm tra miễn dịch, nhưng vai trò của chúng trong bệnh ung thư gan nguyên phát vẫn chưa rõ ràng.

Chính vì những lý do đó, việc nghiên cứu và phát hiện ra một chỉ dấu sinh học có thể giúp chẩn đoán sớm, tiên lượng và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan là vấn đề cần được quan tâm hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...