Bọn buôn người thường dùng nhiều chiêu hứa hẹn để đưa các cô gái nhẹ dạ cả tin sang Thái Lan xin việc với mức lương hấp dẫn, cùng những lời mời gọi cuộc sống trong mơ. Để rồi qua biên, các cô bị ép vào các ổ chứa mại dâm.
Theo chân biên phòng đánh án
Theo thông tin của đồn Biên phòng 563 (Hà Tĩnh), tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em và đưa người vượt biên trái phép qua Cửa khẩu Cầu Treo còn rất phức tạp. Bọn "buôn người" ngày đêm tìm mọi cách để đưa người sang nước bạn bán cho các chủ chứa. Bọn chúng thường tỏ ra hết sức tinh vi và liều lĩnh. Chỉ cần bị phát hiện là sẵn sàng chống trả đến cùng.
Trước sự phức tạp và manh động của bọn buôn người, khoảng 10h một ngày tháng 3, theo chân các chiến sỹ biên phòng đồn Biên phòng 563, chúng tôi bám sát một đối tượng có nhiều dấu hiệu khả nghi xuất hiện tại khu vực cánh gà cửa khẩu, trạm KSBP Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hắn làm nhiệm vụ hướng dẫn viên, dẫn 12 cô gái vượt biên trái phép. Cùng ngày, lực lượng này tiếp tục phát hiện một nhóm đối tượng là phụ nữ sử dụng hộ chiếu giả để vượt biên sang nước thứ ba (Thái Lan).
Nghi vấn đây là nhóm buôn người chuyên nghiệp, thường xuyên hoạt động trên địa bàn, lực lượng biên phòng đã tiến hành tạm giữ và đấu tranh khai thác các đối tượng. Ban đầu, nhóm buôn người tỏ ra hết sức ngoan cố và khá tinh vi nhằm “lách” trả lời trực tiếp những câu hỏi của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, trước sự chắc chắn, quyết liệt của các chiến sỹ biên phòng, bọn tội phạm bắt đầu khai nhận. Nguyễn Thị Cường (SN 1975, quê ở xóm 9, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) khai: Đầu năm 2006, qua mối quan hệ thân quen, Cường được Nguyễn Hồng Quân (SN 1982, ở xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tìm đến gia đình dụ dỗ, hứa đưa sang Thái Lan làm ăn. Với mỗi suất như vậy, Quân nhận 7 triệu đồng.
Sau khi thỏa thuận xong, chiều ngày 28/2/2006, Quân đón Cường cùng các nạn nhân là Nguyễn Thị Kim (SN 1965), Nguyễn Thị Vinh (SN 1985) đều ở Đà Sơn (Đô Lương, Nghệ An), Nguyễn Thị Tâm (SN 1985, ở xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) và nhận các khoản tiền như đã thỏa thuận. Sáng 1/3/2006, Quân cùng cô bồ là Nguyễn Thị Luân (SN 1986, ở xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã đưa các nạn nhân này đến cửa khẩu Cầu Treo để vượt biên thì bị lực lượng biên phòng phát hiện và tạm giữ kiểm tra hành chính.
Lường trước sự kiểm tra gắt gao của lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các đường biên lân cận, trước đó, Quân đã làm thủ tục sang Lào trước, còn Luân chịu trách nhiệm ở lại bên này cửa khẩu, để đưa lần lượt từng người sang. Khi các nạn nhân sử dụng hộ chiếu giả để xuất cảnh đã bị lực lượng bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ. Sự việc không thành, Luân nhảy xe quay trở lại mặc cho các nạn nhân "sống chết mặc bay".
Tại trụ sở làm việc của lực lượng biên phòng, sau khi nhận được tin báo mình sắp trở thành nạn nhân của bọn buôn người, nhiều cô gái tỏ ra hết sức hoảng hốt và bất ngờ. Cô gái Nguyễn Thị K. chia sẻ: "Nghe nói sang đó làm ăn lương cao, thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng tui mới đi. Trước khi đi, tui đã đưa cho Quân 3 triệu đồng và đưa cho Luân 800 nghìn đồng, số còn lại sang Thái thanh toán. Số tiền này gia đình tui phải vay mượn bạn bè và ngân hàng mới có được, ai ngờ...".
|
Một trong những cô gái nhẹ dạ cả tin đã bị lừa bán sang bên kia biên giới. |
“Cất vó” những kẻ cầm đầu
So với rất nhiều nạn nhân bị lừa gạt đưa sang nước ngoài, đây là những nạn nhân may mắn hơn cả, vì họ mới bị mất tiền song vẫn còn cơ hội trở về với gia đình.
Phán đoán về tương lai các cô gái trong trường hợp bị bán trót lọt sang nước bạn, lãnh đạo Đồn 563 cho biết: "Các nạn nhân sau khi sang Thái, nếu bị phát hiện cư trú bất hợp pháp sẽ bị đưa vào trại tị nạn từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó mới được trao trả về nước sau khi làm rất nhiều thủ tục. Nếu ai đó may mắn được các chủ chứa bảo lãnh thì bản thân họ phải trở thành "nô lệ" theo sự sai khiến của các ông chủ, bà chủ. Tất nhiên, việc phải bán dâm lấy tiền để thoát thân là không loại trừ".
Với những đơn thư tố cáo của các nạn nhân và tài liệu nghiệp vụ thu thập được, đồn Biên phòng 563 tiến hành lập kế hoạch, xin ý kiến Bộ chỉ huy phê duyệt, quyết tâm đánh án. Chuyên án mang bí số 306X ra đời. Cũng thời điểm này, các trinh sát ngoại biên ở Lào luôn theo sát đối tượng Nguyễn Hồng Quân.
Một tổ trinh sát được cử về tận gia đình Nguyễn Thị Luân ở Thạch Kim (Thạch Hà, Hà Tĩnh) nằm vùng xác minh thông tin. Khi trinh sát cải trang thành những người nhà có con em muốn đi Thái Lan làm ăn, Luân thể hiện mình là người có bề dày đưa người ra nước ngoài làm ăn. Thị "dụ dỗ" các "trinh sát" rất ngon ngọt, hứa sẽ làm thủ tục đưa sang Thái làm ăn với mức lương rất hấp dẫn.
10 ngày sau, Nguyễn Hồng Quân cũng trốn về nhà mà không hề hay biết các trinh sát biên phòng đang dõi theo từng bước chân của mình. Đến ngày 15/3, Quân chở Luân lên khu vực Cầu Treo để do thám tình hình. Trong lúc 2 người đang dò la, thăm hỏi thì bị lực lượng biên phòng cửa khẩu bắt giữ. Ban đầu, các đối tượng một mực phủ nhận hành vi do mình gây ra, nhưng trước những chứng cứ không thể chối cãi, cả Quân và Luân đều khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Theo lời khai ban đầu, Nguyễn Hồng Quân không được học hành đến nơi đến chốn. Cách đây 3 năm, y từng sang Băng Cốc (Thái Lan) làm thuê và hành nghề cắt may. Do thu nhập thấp, thông qua đường dây "tuyển người", y đã móc nối với nhiều người thân ở quê đưa người sang Thái.
Gần đây, y quen và yêu Nguyễn Thị Luân, từ đó 2 người thường xuyên thay nhau về quê... tuyển người. Ngoài khoản tiền được nhận từ các ông chủ, Quân còn lấy thêm của mỗi nạn nhân từ 5 - 7 triệu đồng làm chi phí. Trong đó, nhiều người y không làm hộ chiếu cho họ mà đưa họ đi qua đường rừng hoặc làm hộ chiếu giả để vượt biên.
Được biết, đường dây của Quân và Luân tồn tại khá nhiều năm trước khi bị lực lượng chức năng “cất vó”. Lần vận chuyển các cô gái qua biên đợt này bán cho các “chủ hàng” người nước ngoài là một mẻ lớn đối tượng thực hiện. May mắn cho các cô gái đã được trở về với gia đình và người thân.