Tôi năm nay đã ngoài 30 tuổi, cái tuổi có thể quyết định mọi việc, thế mà... Cuộc sống của tôi nhìn từ bên ngoài ai cũng thấy là rất hạnh phúc.
Vợ chồng đều là dân trí thức, nhà cửa, con cái ngoan... là niềm mơ ước của nhiều người. Đáng lẽ tôi phải vui và tự hào. Thế nhưng, tôi thấy cuộc sống ngày càng tẻ nhạt.
Giữa chúng tôi không còn tiếng nói chung. Thường là im lặng. Cả tôi và anh không ai muốn mở lời trước. Lúc đầu, tôi thấy rất khó chịu nhưng lâu dần lại quen như một việc bình thường.
Nếu tôi không gặp lại người ấy thì đã không phải đau khổ, dằn vặt như bây giờ. Nhiều lúc muốn tự mình giải phóng cho chồng và cho cả mình nữa nhưng lại sợ. Rất mâu thuẫn trong lòng nên tôi bị trầm cảm nặng. Tôi phải làm gì? (Nguyễn)
Ảnh: couplemapping.com |
Trả lời
Con người chỉ nhận ra mọi điều khi có sự so sánh. Nếu không có người xấu thì làm sao biết mình đẹp, nếu không có ác thì lấy đâu ra thiện, nếu không có đêm làm sao có ngày...
Sự so sánh đó nếu thiếu quan điểm sống, thiếu lý tưởng hoặc không có tư tưởng vững vàng thì có khi nhớ ngày mà quên đêm, thấy thiện mà không nhận ra ác...
Đây là những hiện tượng muôn hình muôn vẻ, muôn màu muôn sắc. Tuy nhiên, người xưa dạy “chồng ta áo rách ta thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người”, tức là khi nói đến tình yêu, tình vợ chồng thì phải đổi sang phạm trù khác - phạm trù không so sánh.
Cái nguy hiểm của vợ chồng bạn là do “vợ chồng đều là dân trí thức”. Khi “dân trí thức” dùng lý luận để nói với nhau thì vấn đề đơn giản trở nên phức tạp, còn vấn đề phức tạp thì trở thành quá phức tạp. Các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là hiện tượng “cái tôi của dân trí thức”.
Hiện tượng này dễ đẩy đến sự khẳng định mà quên mất “mình sống ở đâu”. Chính sự quên mất mình sống ở đâu đã dẫn đến không còn yêu quý môi trường sống của mình hoặc chỉ vì khoa học mà làm hỏng môi trường đang sống.
Hiện tượng trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường... khi xét về tận gốc đều do khoa học, trí thức làm ra đấy thôi. Bạn đã có môi trường đang sống tốt quá, “nhà cửa, con cái ngoan...” và đúng như bạn đánh giá “là niềm mơ ước của nhiều người”.
Thế nhưng tâm lý lại chạy theo con đường tâm lý mà có khi chính các nhà tâm lý cũng mất kiểm soát nên có thể dẫn đến “đáng lẽ phải vui vẻ tự hào" thì "cuộc sống lại càng ngày càng tẻ nhạt”. Sự tẻ nhạt cũng tại nơi tâm lý không biết sống trong môi trường của mình mà lại đi đối đầu với nó.
Tất cả sự đối đầu với môi trường sống đều đem đến những nguy cơ. Với bạn, nguy cơ đã xảy ra là “chúng tôi không còn tiếng nói chung, thường là im lặng”.
Sự im lặng đã rơi vào sự đối đầu với cuộc sống luôn vận động. Sự im lặng của bạn không thắng được sự vận động của tâm lý nên đã thúc đẩy bạn “gặp lại người ấy” và nguy cơ khác đang ở phía trước.
Nếu bạn vẫn im lặng với chồng và sợ tan vỡ gia đình trước áp lực của “tiếng gọi con tim”, thì bsẽ mắc bệnh trầm cảm như bạn nhận ra phần nào. Bây giờ, bạn hãy tâm sự với chồng về tâm trạng của mình và không liên hệ với “người ấy” thì tình hình sẽ thay đổi.
Chúc bạn có sức mạnh.
GS.TS. Vũ Gia Hiền
Hội Khoa học Tâm lý & Giáo dục TPHCM