(GD&TĐ)- Cử tri phản ánh về tình trạng “chạy điểm thi”, “bằng thật – học giả” phổ biến tại các trường đại học, cao đẳng làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên, khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, gây lãng phí cho gia đình và xã hội và đề nghị Bộ GD&ĐT kiên quyết chỉ đạo và có biện pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng tiêu cực nói trên trong các nhà trường.
Sinh viên học tập trong thư viện. Ảnh: gdtd.vn |
Trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Chạy điểm thi, bằng thật – học giả là những biểu hiện tiêu cực tồn tại trong nhiều cấp học, đã tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực, sinh viên khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc, gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Trước hết từ gia đình, các bậc phụ huynh học sinh ai cũng muốn con em mình được học tập trong những mái trường có môi trường học tập tốt, có đội ngũ thầy, cô mẫu mực, giỏi giang và kỳ vọng con em mình thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Vì vậy, ngay từ bậc mầm non, tiểu học đã có một bộ phận không nhỏ phụ huynh học sinh đã tìm cách chạy trường, chạy điểm, hành động này trở thành tấm gương xấu cho các em. Hành vi xã hội này đã biến các em trở thành những người thiếu trung thực, tiếp tục chạy điểm thi, bằng thật - học giả ở các bậc học cao hơn.
Hai là, một số trường phổ thông còn chạy đua với bệnh thành tích trong giáo dục. Vấn nạn này sẽ còn tiếp diễn nếu lãnh đạo các địa phương, các sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố quá coi trọng thành tích địa phương, không chú ý đến giáo dục nhân cách dạy chữ, dạy người, dạy cách chung sống trong môi trường lành mạnh.
Ba là, các trường cao đẳng, đại học nơi tiếp nhận sản phẩm giáo dục từ các trường phổ thông chịu ảnh hưởng không ít nạn chạy điểm, học giả - bằng thật. Không thể phủ nhận vấn nạn này trong các trường đại học, cao đẳng nhất là hệ vừa làm vừa học và sau là sinh viên của một số trường tư thục. Hiện tượng một số địa phương nói không với sinh viên vừa làm vừa học và sinh viên trường tư thục là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các trường và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.
Bốn là, một khi xã hội còn quá coi trọng bằng cấp, không chú ý đến năng lực thực sự của người lao động, thì nạn chạy điểm, bằng thật - học giả vẫn còn cơ hội phát triển. Đây là vấn đề cốt lõi và khó khăn nhất, cần có sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.
Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những biện pháp mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng tiêu cực nói trên trong các nhà trường. Phong trào nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục đã được phát động trong toàn Ngành. Đã có những chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, để có thể hạn chế và đẩy lùi nạn chạy điểm, bằng thật - học giải cần có sự góp sức của toàn xã hội, trong đó chú trọng vai trò to lớn của gia đình, giữ gìn kỷ cương và trách nhiệm trong nhà trường, sự góp sức của xã hội, trong đó có vai trò giám sát của các Đại biểu Quốc hội.
PV